Thị trường tài chính 24h: Tăng trong nghi ngờ

Thị trường tài chính 24h: Tăng trong nghi ngờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi phục gần 22 điểm; Ngân hàng kiếm lời nghìn tỷ từ bảo hiểm; Lệch pha nội - ngoại; Kế hoạch kinh doanh “giảm nhiệt” ở nhiều công ty chứng khoán; Đương đầu với tin giả; OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng và tiêu thụ dầu thô toàn cầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 13/4 tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 69,20 – 69,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 12,1 USD/ounce lên 1.966,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và chạm 1.980 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 100,37 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.108 đồng/USD, giữ nguyên so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.740- – 23.020 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại ngay 40.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,42 USD (+0,42%), lên 100,99 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,55 USD (+0,53%), lên 105,19 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index hồi phục gần 22 điểm

Sau 3 phiên lao dốc mạnh mất gần 68 điểm do những tin đồn thất thiệt liên quan đến nhiều doanh nghiệp niêm yết, thị trường vẫn chưa nhận thấy tín hiệu hồi phục trong phiên sáng, khi giao dịch khá cầm chừng và sự thận trọng vẫn chiếm lĩnh.

Dù vậy, ngay sau giờ nghỉ trưa, tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn và lực cầu bắt đáy gia tăng ở nhiều nhóm ngành, giúp VN-Index thẳng tiến một mạch gần 22 điểm lên trên 1.477 điểm khi đóng cửa.

Tuy nhiên, nhìn vào thanh khoản cho thấy phiên hồi này chủ yếu do tiết cung giá thấp, chứ không phải do dòng tiền bắt đáy lớn khi thanh khoản không tăng mạnh, mà chỉ nhỉnh nhẹ hơn chút ít so với phiên hôm qua.

Trong một số diễn đàn và room, đã có những cảnh báo về khả năng đây chỉ là phiên bulltrap, nhưng với nhiều nhà đầu tư khác, việc thị trường có bulltrap hay không “để mai tính”.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 16,47 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 1.491,77 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/4: VN-Index tăng 21,95 điểm (+1,51%), lên 1.477,2 điểm; HNX-Index tăng 6,44 điểm (+1,53%) lên 427,45 điểm; UpCoM-Index tăng 0,77 điểm (+0,69%), lên 113,3 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall đảo chiều giảm trong phiên ngày thứ Ba (12/4), sau khi báo cáo lạm phát củng cố việc Fed thắt chặt tiền tệ quyết liệt hơn.

Bộ Lao động Mỹ đã thông báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1981. Phần lớn mức tăng do ảnh hưởng từ giá xăng tăng 18,3% lên mức cao kỷ lục 4,33 USD/gallon.

Dữ liệu đã thúc đẩy khả năng Fed sẽ đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kéo giá cả về tầm kiểm soát.

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số Dow Jones giảm 87,72 điểm (-0,26%), xuống 34.220,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,08 điểm (-0,34%), xuống 4.397,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 40,38 điểm (-0,30%), xuống 13.371,57 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nhích lên, do dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố qua đêm phần lớn đáp ứng kỳ vọng của các nhà phân tích.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,93% lên 26.843,49 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,42% lên 1.890,06 điểm.

Shoichi Arisawa, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư của IwaiCosmo Securities cho biết: “Thị trường đã bị bán quá đà vào ngày hôm qua do các nhà đầu tư quá thận trọng về dữ liệu CPI của Mỹ. Nhưng hóa ra là con số lạm phát cơ bản phù hợp với kỳ vọng của thị trường, vì vậy các nhà đầu tư đã mua lại khá nhiều trong ngày hôm nay”.

Phiên này, cổ phiếu Tokyo Electron đã tạo ra sự thúc đẩy lớn nhất cho chỉ số Nikkei 225, tăng 3,34%, tiếp theo là Uniqlo Fast Retailing, tăng 2,88% và hãng sản xuất điều hòa không khí Daikin Industries tăng 4%.

Đáng chú ý, cổ phiếu Lawson đã tăng 11,63%, sau khi một báo cáo cho biết chuỗi cửa hàng tiện lợi đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho chuỗi siêu thị Seijo Ishii vào năm tài chính 2023.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do dữ liệu nhập khẩu tháng 3 yếu làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,82% xuống 3.186,82 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,96% xuống 4.139,74 điểm.

Nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 3 do làn sóng phong tỏa nhiều nơi để kiềm chế Covid-19 đã cản trở lượng hàng hóa tiêu thụ, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chậm lại một chút, khiến các nhà phân tích dự đoán thương mại sẽ xấu đi trong quý II.

Các nhà phân tích của Nomura cho biết, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy thoái gia tăng kể từ giữa tháng 3, khi cuộc khảo sát của họ cho thấy 45 thành phố đã thực hiện phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, ảnh hưởng đến 26,4% dân số và 40,3% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên, dù lo ngại về tranh chấp kiểm toán giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa được giải quyết.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,26% lên 21.374,37 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,69% lên 7.314,82 điểm.

Các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông tăng 0,1%, trong khi các công ty chăm sóc sức khỏe giảm 2,2% do lo ngại về tranh chấp kiểm toán giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa được giải quyết.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ hôm thứ Ba đã bổ sung 12 công ty Trung Quốc, bao gồm Sohu.com và Connect Biopharma Holdings, vào nhóm cổ phiếu mới nhất đối mặt với rủi ro hủy niêm yết trên phố Wall.

Như vậy, đã có tổng cộng 23 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã được cơ quan quản lý xác định là có rủi ro theo Đạo luật chịu trách nhiệm về các công ty nước ngoài.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên tăng tốt nhất trong một tháng, sau khi dữ liệu CPI của Mỹ phù hợp với dự báo của các nhà đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 49,73 điểm, tương đương 1,86% lên 2.716,49 điểm, mức tăng cao nhất kể từ ngày 10/3.

Phiên này, các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics tăng 2,54% và SK Hynix tăng 1,8%, LG Energy Solution tăng 4,87%.

Kết thúc phiên 13/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 508,51 điểm (+1,93%), lên 26.843,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,51 điểm (-0,82%), xuống 3.186,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 55,24 điểm (+0,26%), lên 21.374,37 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 49,73 điểm (+1,86%), lên 2.716,49 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng kiếm lời nghìn tỷ từ bảo hiểm

Nhiều nhà băng kỳ vọng, nguồn thu từ bảo hiểm sẽ tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng lợi nhuận năm 2022..>> Chi tiết

- Lệch pha nội - ngoại

Trong khi tâm lý nhiều nhà đầu tư nội chuyển từ lạc quan sang thận trọng, thì khối ngoại có động thái giảm dần bán ròng..>> Chi tiết

- Kế hoạch kinh doanh “giảm nhiệt” ở nhiều công ty chứng khoán

Trái ngược với con số tăng trưởng mạnh mẽ năm 2021, nhiều công ty chứng khoán trình cổ đông kế hoạch năm 2022 có phần giảm nhiệt..>> Chi tiết

- Đương đầu với tin giả

Tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư trước các tin đồn xấu trong nhiều ngày qua quá nặng nề đã dẫn đến hành động bán ra quyết liệt..>> Chi tiết

- OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng và tiêu thụ dầu thô toàn cầu

Giá nhiên liệu tăng vọt gây sức ép lớn đối với các nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát đứng ở mức cao..>> Chi tiết

Tin bài liên quan