Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/10 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,20 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 6,8 USD xuống mức 1.666,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhanh về gần 1.650 USD, trước khi hồi phục lên trên 1.665 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 112,90 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.541 đồng/USD, tăng 44 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.950 – 24.230 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục lên 19.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng khá tốt lên gần 19.900 USD, trước khi giảm về quanh 19.600 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,19 USD (-1,34%), xuống 87,92 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,05 USD (-1,11%), xuống 93,52 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục tăng
Lực cầu tích cực từ sớm giúp sắc xanh lan tỏa, VN-Index tăng lên trên 1.060 điểm, với thanh khoản được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khi lượng hàng T+ phiên ngày 11/10 về tài khoản, trong khi lực cầu có phần kém sôi động đã khiến thị trường dần hạ độ cao.
Chỉ số VN-Index nhanh chóng lùi về dưới mốc 1.060 điểm, trước khi bật ngược đi lên trong đợt khớp lệnh ATC.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 11,58 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 253,06 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 14/10: VN-Index tăng 10,86 điểm (+1,03%), lên 1.061,85 điểm; HNX-Index tăng 3,15 điểm (+1,4%), lên 227,89 điểm; UpCoM-Index tăng 1,19 điểm (+1,51%), lên 80,16 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Năm (13/10), khi nhận được các động thái hỗ trợ kỹ thuật và các nhà đầu tư đặt cược ngắn hạn sau dữ liệu lạm phát được công bố.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3%. Xét trên giai đoạn 12 tháng, lạm phát tổng thể tăng 8,2% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với đỉnh 9% hồi tháng 6, nhưng vẫn dao động gần mức đỉnh 40 năm.
Trong khi đó, lạm phát lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn ước tính tăng 0,4% của Dow Jones. So với cùng kỳ, lạm phát lõi tăng 6,6%, mức cao nhất trong 40 năm.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Dow Jones tăng 827,87 điểm (+2,83%), lên 30.038,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 92,88 điểm (+2,60%), lên 3.669,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 232,05 điểm (+2,23%), lên 10.649,15 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, được hỗ trợ bởi hiệu suất mạnh mẽ từ cổ phiếu lớn Fast Retailing, trong khi các nhà đầu tư tỏ ra không quá bất ngờ trước dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,25% lên 27.090,76 điểm, mức tăng tốt nhất kể từ ngày 17/3. Chỉ số Topix tăng 2,35% lên 1.898,19 điểm.
Maki Sawada, Chiến lược gia tại Nomura Securities, cho biết: “Chỉ số Nikkei 225 đã giảm hơn 1.000 điểm trong 4 ngày trước đó, vì vậy chúng ta có thể thấy việc mua vào hướng tới sự phục hồi trong ngắn hạn”.
Cổ phiếu Fast Retailing đánh dấu mức tăng lớn nhất trong chỉ số Nikkei 225, tăng 8,4% và là công ty đóng góp lớn nhất cho chỉ số, sau khi báo cáo lợi nhuận kỷ lục và dự báo lợi nhuận hoạt động cao hơn cho năm tài chính hiện tại.
Ryohin Keikaku, công ty điều hành các cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu Muji, đã tăng 7,69% sau báo cáo thu nhập, đồng thời đi kèm với việc điều chỉnh lợi nhuận hoạt động tăng lên.
NTT Data Corp là một động lực lớn khác trong chỉ số Nikkei 225, tăng 5,46% sau khi có tin tức qua đêm rằng họ có kế hoạch mua lại công ty phân tích dữ liệu Aspirent.
Chứng khoán Trung Quốc tăng tích cực, sau phiên phục hồi mạnh mẽ trên Phố Wall đêm qua và giám đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,84% lên 3.071,99 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 2,39% lên 3.842,47 điểm, trong tuần, Chỉ số CSI 300 tăng gần 1%.
“Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các dự án nhà”, Thống đốc Yi Gang cho biết.
Dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 9 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2020, phù hợp với dự báo trong một cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của Reuters.
Cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng 7,6%, với Beigene Ltd đã tăng gần 8% sau khi tăng 14,5% trong phiên trước đó, nhờ dữ liệu tích cực từ một nghiên cứu giai đoạn cuối về một loại thuốc điều trị ung thư máu.
“Rất có thể lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã chạm đáy,” các nhà phân tích tại China Asset Management cho biết. “Chúng tôi nhìn thấy các cơ hội đầu tư dài hạn khi xem xét định giá thấp của ngành và các yếu tố cơ bản được cải thiện”.
Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên tăng khá mạnh nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản Đại lục.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,21% lên 16.587,69 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,23% lên 5.629,30 điểm.
Các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông tăng 1,6% và các nhà phát triển bất động sản đại lục giao dịch tại thành phố này tăng 2,4%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng hơn 2%, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu các nhà khai thác nền tảng internet.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 49,68 điểm, tương đương 2,3% lên 2.212,55 điểm. Nhưng chỉ số này đã giảm 0,91% trong tuần, mức giảm tuần thứ tám liên tiếp.
Cổ phiếu của nhà khai thác nền tảng internet Naver tăng 4,42% và công ty ngang hàng Kakao tăng 8,67%, với các công ty liên kết Kakaobank và Kakaopay lần lượt tăng 5,74% và 4,94%.
Kết thúc phiên 14/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 853,34 điểm (+3,25%), lên 27.090,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 55,63 điểm (+1,84%), lên 3.071,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 198,58 điểm (+1,21%), lên 16.587,69 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 49,68 điểm (+2,30%), lên 2.212,55 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Kỳ vọng điểm cân bằng mới cho tỷ giá
Bán ngoại tệ trên danh nghĩa là một trong những cách hạ nhiệt thị trường hối đoái, bởi đôi khi “sóng” trên thị trường do yếu tố tâm lý nhiều hơn..>> Chi tiết
- Hệ thống ngân hàng gia tăng khả năng chống chịu
Tỷ lệ an toàn vốn, tỷ suất sinh lời cải thiện mạnh mẽ, vốn tự có tăng mạnh… cho thấy sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tốt hơn rất nhiều giai đoạn trước đây..>> Chi tiết
- VCBS gợi ý 6 mã giúp nhà đầu tư “tồn tại” trong quý IV
Trong năm 2022, chỉ số VN30 đã đạt đỉnh từ đầu năm, sau đó ghi nhận nhịp điều chỉnh giảm hơn 22% vào tháng 5 và tiếp tục điều chỉnh hơn 16% vào tháng 9. Trong quý IV, VCBS cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.000 - 1.200 điểm..>> Chi tiết
- Đô la tăng giá gợi lên nỗi sợ hãi về khủng hoảng châu Á những năm 1990
Các chính phủ thị trường mới nổi đã đi vay bằng đồng đô la rất nhiều khi lãi suất thấp và hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng chi phí tái cấp vốn, gợi lên về cuộc khủng hoảng nợ của châu Á những năm 1990..>> Chi tiết