Thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 19/3 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 300.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 45,80 – 46,62 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 4,18 USD xuống 1.468,1 USD/ounce, thì sang phiên châu Á sáng nay đã có thời điểm hồi về gần 1.500 USD/ounce, nhwung sau đó đã suy yếu về dưới 1.480 vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,68% lên 101,85 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.242 đồng, tăng 10 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.235 - 23.495 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,12 USD (+10,08%), lên 22,95 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,28 USD (+4,80%), lên 27,97 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index lại giảm sâu
Áp lực bán dồn dập ngay khi mở khiến VN-Index lao nhanh qua mốc 720 điểm, thậm chí trong đầu giờ chiều còn lùi về vùng 715 điểm, tức giảm hơn 31 điểm, bất chấp cầu bắt đáy vẫn hoạt động tích cực. VN-Index chỉ thu hẹp nhẹ đà giảm về cuối phiên khi sức ép được hạn chế.
Trong rổ VN30, trừ ROS tăng điểm, SSI và NVL đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, nhiều mã giảm sâu như VNM -6,3, SAB -6,6%, VCB -4,8%; GAS -4,7%; PLX -4,8%, PNJ -5,2% …
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã nhỏ đã quay đầu giảm sàn từ sắc tím đầu phiên như HQC, AMD, HAI, TSC, LHM, QCG… hay từ mức giá xanh như FLC, DLG, HID, SJF… Toàn sàn có tổng cộng 35 mã giảm sàn.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16,84 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 522,72 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 19/3: VN-Index giảm 21,72 điểm (-2,91%), xuống 725,94 điểm; HNX-Index giảm 0,85 điểm (-0,84%), xuống 100,99 điểm; UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,93%), xuống 49,9 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Bán tháo quay trở lại trong phiên thứ Tư, khiến phố Wall trả lại hết cả vốn lẫn lãi đã vay trong phiên thứ Ba.
Dow Jones đã gần như xóa sạch thành quả tích lũy được kể từ khi ông Trump nhậm chức. Tính từ ngày ông Trump nhậm chức (20/1/2017) đến nay, Dow Jones chỉ còn tăng 0,4%, nhưng vẫn còn tăng 9% kể từ khi ông Trump bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống 8/11/2016.
Trong một trong những dự báo khủng khiếp nhất được đưa ra cho khả năng ảnh hưởng từ dịch bệnh là một nhà kinh tế của JP Morgan cho biết, nền kinh tế Mỹ có thể giảm 4% trong quý này và 14% trong quý tới, và trong năm nay có khả năng giảm 1,5%.
Kết thúc phiên 18/3, chỉ số Dow Jones giảm 1.338,46 điểm (-6,30%), xuống 19.898,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 131,09 điểm (-5,18%), xuống 2.398,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 344,94 điểm (-4,70%), xuống 6.989,84 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều từ sắc xanh trong phiên sáng, sau khi đà bán tháo trên nhiều thị trường khác làm lu mờ các chính sách kính thích từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,04% xuống 16.552,83 điểm, khi có thời điểm đã tăng 2,6%. Chỉ số Topix vượt trội so với Nikkei 225, khi tăng 0,97% lên1.283,22 điểm.
Cổ phiếu lớn SoftBank Group giảm 17,2% và là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên bảng điện tử, do sự hoài nghi của nhà đầu tư đối với các ván cược vào lĩnh vực công nghệ, như công ty chia sẻ văn phòng WeWork và Uber.
Thị trường không giảm sâu nhờ đồng USD tăng so với đồng yên lên mức cao nhất trong 3 tuần.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, nhưng tổn thất được hạn chế do các nhà đầu tư mong đợi các biện pháp kích thích hơn nữa từ các nhà hoạch định chính sách để bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của Covid-19.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,98% xuống 2.702,13 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 1,3% xuống 3.589,09 điểm.
Cả hai chỉ số đều giảm hơn 3% trong phiên sáng, hòa chung cùng diễn biến các thị trường lớn trên thế giới khi các biện pháp khẩn cấp của các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Mỹ và Úc đã không thể ngăn chặn một làn sóng bán tháo trong hoảng loạn phiên đêm qua.
Mặc dù vậy, thị trường hãm đà rơi dần sau khi kết quả một số cuộc khảo sát cho thấy, Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất cho vay vào ngày thứ Sáu, mặc dù chi phí vay cho các khoản vay trung hạn vẫn không thay đổi từ đầu tuần này.
Thông tin chính thức từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, nước này sẽ giúp các nhà xuất khẩu đang có đơn hàng suy giảm bằng biện pháp bảo hiểm tài chính, tài chính và xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ các công ty dịch vụ tìm cách đẩy nhanh việc nối lại công việc.
Chứng khoán Hồng Kông cũng bị bán khá mạnh, mặc dù cũng như Đại lục, khi tổn thất được hạn chế nhờ hy vọng kích thích hơn nữa để củng cố nền kinh tế Trung Quốc.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,61% xuống 21.709,13 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 2,74% xuống 8.559,64 điểm.
Giá trị cổ phiếu và các yếu tố cơ bản hiện đang bị bỏ qua vì mọi người đều muốn thu về tiền mặt do sự bùng phát của Covid-19, Linus Yip, nhà phân tích tại First Shanghai Securities nhận định.
Thật khó để dự đoán đáy cho thị trường Hồng Kông, rủi ro thanh khoản toàn cầu cần được giảm bớt trước khi có thể khôi phục lại niềm tin, ông nói thêm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm tới hơn 8%, rơi khỏi ngưỡng 1.500 điểm. Tâm lý lo sợ nền kinh tế rơi vào suy thoái do đại dịch toàn cầu Covid-19 đang bao phủ toàn bộ thị trường. Đã có lúc cả sàn giao dịch Seuol phải kích hoạt cơ chế ngừng giao dịch tự động (circuit breaker).
Kết thúc phiên 19/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 173,72 điểm (-1,68%), xuống 16.552,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,63 điểm (-0,98%), xuống 2.702,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 582,69 điểm (-2,61%), xuống 21.709,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 133,56 điểm (-8,39%), xuống 1.457,64 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng bắt đầu cơ cấu, giảm, giãn nợ cho doanh nghiệp
Nhằm kích cầu tín dụng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các ngân hàng đã tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi, giãn nợ cho khách hàng..>> Chi tiết
- Ứng xử thế nào với tài khoản thời Covid-19?
Giá chứng khoán đang hấp dẫn sau những phiên lao dốc. Vì vậy, các nhà đầu tư hiện chia thành 4 nhóm chính: đứng ngoài quan sát, tiếp tục bán tháo, nắm giữ chờ thị trường phục hồi và bắt đáy..>> Chi tiết
- Bộ Tài chính miễn, giảm mạnh giá hàng loạt dịch vụ chứng khoán
Để tiếp sức cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, ngày 18/3/2020, Bộ Tài chính đã quyết định giảm giá dịch vụ chứng khoán từ 10 - 50% với 9 dịch vụ và miễn thu hoàn toàn đối với 6 dịch vụ..>> Chi tiết
- Quỹ ETF: Mặt trái của chi phí đầu tư thấp
Làn sóng cắt giảm các khoản phí đối với thị trường ETF đã diễn ra hơn 1 năm qua. Hiện tại, bất kỳ bà nội trợ nào tại Mỹ cũng có thể mua chứng chỉ quỹ ETF thông qua môi giới mà không mất một khoản phí nào, kể cả phí quản lý thường niên. Tuy nhiên, mọi thứ đều có cái giá của nó!..>> Chi tiết
- Cổ phiếu Apple, Coca-Cola lao dốc, Warren Buffett thiệt hại nặng
Dịch bệnh Covid-19 đã thổi bay hàng trăm tỷ USD vốn hóa của Apple, Coca-Cola, Delta Air Lines, và nhiều công ty blue-chip khác tại Mỹ..>> Chi tiết