Thị trường tài chính 24h: Nỗ lực của nhóm ngân hàng là không đủ

Thị trường tài chính 24h: Nỗ lực của nhóm ngân hàng là không đủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 14 điểm; Nợ xấu ngân hàng: Nỗi lo vơi lại đầy; Chuyện riêng của “bank” vẫn còn giá trị; Bức tranh sớm lợi nhuận doanh nghiệp ngành dầu khí; Ván bài vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc của Nga…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 13/1 không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 61,05 – 61,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 3,8 USD lên 1.825,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh 1.825 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 94,79 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.096 đồng/USD, giảm 14 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.560 – 22.840 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,41 USD (-0,51%), xuống 82,22 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,28 USD (-0,33%), xuống 84,39 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 43.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích dần và có thời điểm vượt 44.000 USD, nhưng đã hạ nhiệt nhẹ về cuối ngày.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm sâu, nhiều mã giảm sàn

Trong phiên sáng, lệnh bán tháo ở hàng loạt mã vốn hóa vừa và nhỏ khiến 45 mã giảm sàn. Nỗ lực kéo trụ giúp VN-Index vẫn giữ được sắc xanh lên trên 1.520 điểm, nhưng chỉ mỗi dòng bank không đủ sức để giữ cho VN-Index có được sắc xanh.

Bước sang phiên chiều, thêm nhiều mã khác cũng bị xả ồ ạt với lượng dư bán sàn ở nhiều mã lên tới cả chục triệu đơn vị. Nỗ lực kéo trụ giúp VN-Index có thời gian đã trở lại, nhưng trước lực bán quá mạnh khiến VN-Index mất hơn 14 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,19 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 64,35 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/1: VN-Index giảm 14,46 điểm (-0,96%), xuống 1.496,05 điểm; HNX-Index giảm 12,81 điểm (-2,70%), xuống 460,83 điểm; UPCoM-Index giảm 1,52 điểm (-1,33%), xuống 112,67 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 tại Mỹ, một thước đo giá cả nhiều loại hàng hóa, vọt 7% so cùng kỳ.

Đó là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982, nhưng phù hợp với dự báo từ nhiều chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Trong khi, mức tăng so với tháng trước hơi nóng hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 12/1, chỉ số Dow Jones tăng 38,30 điểm (+0,11%), lên 36.290,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,28 điểm (+0,28%), lên 4.726,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 34,39 điểm (+0,23%), lên 15.188,39 điểm.

Chứng khoán châu Á

Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên chiều ngày 13/1 sau khi báo cáo mới nhất cho thấy giá cả tăng tại Mỹ sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất trong những tháng tới.

Ngoài ra, giới đầu tư đang tập trung vào báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, với giá tiêu dùng tăng 7% trong năm 2021, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982.

Tỷ lệ lạm phát tăng cao, không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia kinh tế, diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với Quốc hội rằng Fed sẵn sàng tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Kết thúc phiên 13/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 276,53 điểm (-0,96%), xuống 28.489,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 42,17 điểm (-1,17%), xuống 3.555,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 27,60 điểm (+0,11%), lên 24.429,77 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 10,39 điểm (-0,35%), xuống 2.962,09 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nợ xấu ngân hàng: Nỗi lo vơi lại đầy

Dịch Covid-19 dẫn tới giãn cách toàn xã hội trong quý III/2021 đã tác động lớn tới nền kinh tế, theo đó, cơ cấu nhóm nợ tại các ngân hàng thay đổi, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng cao..>> Chi tiết

- Chuyện riêng của “bank” vẫn còn giá trị

Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng giai đoạn này được đánh giá là có sự phân hoá mạnh, hướng đến câu chuyện riêng hấp dẫn..>> Chi tiết

- Bức tranh sớm lợi nhuận doanh nghiệp ngành dầu khí

Doanh nghiệp ngành dầu khí vừa có một năm khá thành công khi giá dầu tăng mạnh, bên cạnh đó là các loại hàng hóa khác cũng khởi sắc ngoài dự kiến. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng tăng trưởng so với 2020..>> Chi tiết

- Hủy xong lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết

Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, về cơ bản các công ty chứng khoán đã thực hiện hủy xong lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC..>> Chi tiết

- Ván bài vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc của Nga

Đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga đến thẳng Trung Quốc được cho là nước cờ đặc biệt của Moskva ở thời điểm này..>> Chi tiết

Tin bài liên quan