Thị trường tài chính 24h: Nhiều yếu tố hỗ trợ lợi nhuận các doanh nghiệp vận tải biển

Thị trường tài chính 24h: Nhiều yếu tố hỗ trợ lợi nhuận các doanh nghiệp vận tải biển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Điều hành lãi suất hài hòa sẽ giúp ổn định tỷ giá; Cổ phiếu vận tải biển còn hấp dẫn; Cơ hội với cổ phiếu vua!; ECB có thể giữ nguyên lãi suất trong nhiều cuộc họp sắp tới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 17 USD lên 2.311 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,24 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.250 đồng/USD, tăng 8 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.222 – 25.462 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 69.600 USD lên 69.900 USD thì sang ngày hôm nay đã lao dốc vào cuối ngày và về gần 67.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,15 USD (-0,19%), xuống 77,59 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,10 USD (-0,12%), xuống 81,53 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Sau phiên sáng giao dịch khá thận trọng, áp lực bán có phần dâng cao ngay khi thị trường trở lại trong phiên chiều. Mặc dù lực cung không quá mạnh, song có thời điểm cũng đã khiến nhà đầu tư có phần giật mình khi dễ dàng xuyên thủng mốc 1.280 điểm.

Tuy vậy, vùng điểm này thêm một lần trở thành hỗ trợ mạnh và giúp chỉ số bật hồi, dần thu hẹp đáng kể đà giảm về cuối phiên. Thanh khoản gia tăng mạnh trở lại và chạm ngưỡng 1 tỷ USD giá trị giao dịch tính riêng trên sàn HOSE.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 47,32 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng hơn 1.871 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/6: VN-Index giảm 6,26 điểm (-0,49%), xuống 1.284,41 điểm; HNX-Index tăng 0,83 điểm (+0,34%), lên 246,41 điểm; UpCoM-Index giảm 0,61 điểm (-0,61%), xuống 98,95 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên thứ Hai (10/6), với S&P 500 và Nasdaq chạm mức cao kỷ lục, mặc dù giới đầu tư cũng có phần thận trọng theo dõi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng và thông báo chính sách của Fed.

Thị trường hiện đang dự báo chỉ có một đợt hạ lãi suất trong năm nay, diễn ra vào tháng 11/2024, theo công cụ CME FedWatch.

Kết thúc phiên 10/6: Chỉ số Dow Jones tăng 69,05 điểm (+0,18%), lên 38.868,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,80 điểm (+0,26%), lên 5.360,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 59,40 điểm (+0,35%), lên 17.192,53 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hai tháng, khi các cổ phiếu chip nhích lên, trong khi các nhà đầu tư cũng có phần thận trọng chờ đợi quyết định chính sách của Fed vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,25% lên 39.134,79 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 15/4. Chỉ số Topix giảm 0,2% xuống 2.776,80 điểm.

Tâm lý đã tích cực hơn sau khi S&P 500 và Nasdaq đêm qua đều ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục. Đặc biệt, cổ phiếu liên quan đến chip của Nhật Bản hoạt động mạnh mẽ, sau khi tăng trên chỉ số bán dẫn Philadelphia SE cũng đi lên.

Theo đó, các cổ phiếu liên quan đến chip như Tokyo Electron và Advantest lần lượt tăng 2,2% và 1,6%.

Trong khi đó, cổ phiếu Daiwa Securities Group giảm 4,6%, sau khi thông báo đã mua thêm cổ phiếu của Ngân hàng Aozora vào thứ ba.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi một loạt các diễn biến tiêu cực đè nặng lên tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,76% xuống 3.028,05 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,87% xuống 3.542,88 điểm.

Đà giảm diễn ra khi dữ liệu cho thấy chi tiêu du lịch yếu và lo ngại về lĩnh vực bất động sản khiến giới đầu tư đặt câu hỏi tính bền vững của sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Trong khi đó, rủi ro địa chính trị đè nặng lên cổ phiếu của các nhà sản xuất xe điện, khi các nhà giao dịch chờ đợi quyết định của Ủy ban châu Âu về mức thuế tạm thời dự kiến trong tuần này.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Fed mờ nhạt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,04% xuống 181.76,34 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,90% xuống 6.452,06 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ ngay trước thời điểm cuộc họp Fed chuẩn bị diễn ra trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 4,15 điểm, tương đương 0,15% lên 2.705,32 điểm.

Sau khi giao dịch ảm đạm, KOSPI kết thúc nhích nhẹ, nhưng phần lớn các nhà đầu tư đã đứng ngoài chờ đợi cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) kéo dài hai ngày.

Các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics giảm 0,66%, nhà sản xuất pin hàng đầu LG Energy Solution tăng 0,9%.

Kết thúc phiên 11/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 96,63 điểm (+0,25%), lên 39.134,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 23,23 điểm (-0,76%), xuống 3.028,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 190,61 điểm (-1,04%), xuống 18.176,34 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,15 điểm (+0,15%), lên 2.705,32 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Điều hành lãi suất hài hòa sẽ giúp ổn định tỷ giá

Điều hành lãi suất VND cần đảm bảo hài hòa với lãi suất USD đang neo cao, cùng với đó là nhiệm vụ thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tỷ giá… là bài toán luôn được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc. Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận một số ý kiến chuyên gia tài chính - ngân hàng xung quanh vấn đề này..>> Chi tiết

- Cổ phiếu vận tải biển còn hấp dẫn

Giá cước vẫn trong xu hướng tăng, nhu cầu vận chuyển hàng hoá cao, trong khi giá nhiên liệu giảm là những yếu tố hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển trong nửa cuối năm 2024 cũng như tạo sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu này..>> Chi tiết

- Cơ hội với cổ phiếu vua!

Năm 2024, các ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2 con số, cổ tức từ 25 - 30% và quý I, kết quả của các nhà băng rất khả quan. Tuy nhiên, chất lượng tài sản vẫn là yếu tố đáng lưu tâm đối với ngành này..>> Chi tiết

- ECB có thể giữ nguyên lãi suất trong nhiều cuộc họp sắp tới

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, ECB có thể giữ nguyên lãi suất trong nhiều cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp, mặc dù đã bắt đầu giảm chi phí vay lần đầu tiên sau gần 5 năm..>> Chi tiết

Tin bài liên quan