Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/7 giảm 50.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 300.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 67,60 – 68,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 2,8 USD lên mức 1.742,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về 1.835 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,70 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.170 đồng/USD, giảm 7 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.210 – 23.490 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 20.800 USD, thì sang phiên hôm nay tiếp tục lùi bước và giảm về gần 20.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,28 USD (-2,18%), xuống 102,51 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,95 USD (-1,82%), xuống 105,07 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giảm mạnh
Thị trường chịu áp áp lực bán trên diện rộng từ sớm khiến VN-Index giảm khá mạnh và dao động quanh vùng giá 1.160 điểm.
Bước sang phiên chiều, áp lực bán tiếp tục gia tăng ở nhóm bluechip và lan rộng hơn trên thị trường khiến VN-Index nới rộng hơn biên độ giảm về gần 1.145 điểm, tương đương giảm hơn 25 điểm và bất ngờ thu hẹp đà giảm trong phiên ATC lên trên 1.155 điểm khi đóng cửa.
Sự bật hồi của thị trường có công khá lớn từ bộ đôi lớn VIC-VHM. Theo đó, VIC từ mức thấp gần nhất ngày lên thẳng tham chiếu, trong khi VHM chỉ còn giảm nhẹ, sau cú giảm sâu về sát sàn trước đó.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG vẫn ấn tượng trong sắc tím với khối lượng khớp lệnh lên tới 25,38 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường. Ngoài ra, một số mã khác như TNI, TSC, VPH, DBC, JVC, DAT cũng đóng cửa tăng kịch trần…
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4,69 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 0,49 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 11/7: VN-Index giảm 16,02 điểm (-1,37%), xuống 1.155,29 điểm; HNX-Index giảm 0,87 điểm (-0,31%), xuống 276,93 điểm; UpCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,82%), xuống 86,25 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall gần như ít thay đổi trong phiên ngày thứ Sáu (8/7), khi dữ liệu việc làm tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy một cuộc suy thoái vẫn chưa xảy ra và cho phép Fed đưa ra một đợt tăng lãi suất lớn khác vào cuối tháng này.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 372.000 việc làm trong tháng 6, cao hơn so với dự báo 250.000 việc làm và tiếp tục là một năm tăng trưởng việc làm mạnh mẽ.
Tuy báo cáo việc làm là một dấu hiệu tích cực về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ, nhưng nhiều nhà đầu tư tin rằng dữ liệu này sẽ cho phép Fed tiếp tục cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát bằng cách tiếp tục tăng lãi suất mạnh hơn trong những tháng tới.
Tuần qua, Nasdaq Composite tăng 4,6%, còn S&P 500 tăng 1,9% và Dow Jones nhích 0,8%.
Kết thúc phiên 8/7, chỉ số Dow Jones giảm 46,40 điểm (-0,15%), xuống 31.338,15 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,24 điểm (-0,08%), xuống 3.899,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 13,96 điểm (+0,12%), lên 11.635,31 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, sau khi chính phủ liên minh của nước này tăng cường đa số ghế tại thượng viện trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,11% lên 26.812,30 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,44% lên 1.914,66 điểm.
Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Fumio Kishida và liên minh đảng Komeito đã giành được 76 trong số 125 ghế tranh cử quốc hội, tăng so với con số 69 ghế trước đó, theo một cuộc thăm dò ý kiến của đài truyền hình công cộng NHK.
Maki Sawada, chiến lược gia tại Nomura Securities, cho biết: “Thị trường được thúc đẩy bởi kỳ vọng về sự ổn định lâu dài của cơ sở chính trị Nhật Bản. Nhưng những cảnh báo trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II có thể khiến đà tăng của Nikkei 225 chậm lại trong tuần này”.
Chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong 7 tuần, do sự gia tăng của các ca nhiễm mới Covid-19 trong nước làm giảm tâm lý thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 1,27% xuống 3.313,58 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,67% xuống 4.354,62 điểm.
Nhiều thành phố của Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp giãn cách mới, từ việc tạm ngừng kinh doanh đến đóng cửa, để kiềm chế các ca lây nhiễm Covid-19 mới.
Phiên này, nhóm cổ phiếu năng lượng mất 3,5%, kim loại màu giảm 3,7%, trong khi ô tô giảm 4%.
Các cổ phiếu năng lượng mới giảm 3%, trong đó Tianqi Lithium Corp và Chengxin Lithium Group giảm khoảng 9% mỗi loại.
Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh do ảnh hưởng từ những biện pháp chống độc quyền đối với nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,77% xuống 21.124,20 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 3,06% xuống 7.320,91 điểm.
Thị trường giảm mạnh, sau khi Alibaba và Tencent giảm lần lượt 5,8% % và 2,9%, sau khi cả hai lần nữa bị Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quản lý Thị trường (SAMR) phạt vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền.
Theo đó, SAMR đã phạt Tencent khoảng 6 triệu nhân dân tệ (896.245 USD) còn Alibaba bị phạt 2,5 triệu nhân dân tệ (372.761 USD).
Bên cạnh đó, công ty con Youku Tudou của Alibaba đã bị phạt 2,5 triệu nhân dân tệ (5,6 tỷ Rp) vì không tiết lộ việc mua cổ phần vào năm 2021.
Ngoài ra, tình trạng đáng lo ngại một lần nữa của đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm do tâm lý thị trường suy yếu trước đợt bùng phát Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc, trong khi các nhà đầu tư cũng duy trì lập trường thận trọng trước các dữ liệu kinh tế lớn trong tuần này.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 10,34 điểm, tương đương 0,44% xuống 2.340,27 điểm.
Diễn biến đáng chú ý khác là việc ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% lên lên 2,25% vào thứ Tư, theo một cuộc thăm dò của Reuters.
Ở những nơi khác, cổ phiếu của nhà sản xuất vắc xin COVID SK Bioscience đã tăng 4,64% lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 4, trong bối cảnh các dấu hiệu của một làn sóng lây nhiễm mới gia tăng ở nhiều nơi.
Kết thúc phiên 11/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 295,11 điểm (+1,11%), lên 26.812,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 42,49 điểm (-1,27%), xuống 3.313,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 601,58 điểm (-2,77%), xuống 21.124,20 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 10,34 điểm (-0,44%), xuống 2.340,27 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Vẫn có cơ hội cho tỷ giá điều chỉnh giảm nhẹ
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối - Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh vấn đề tỷ giá trong bối cảnh nhiều biến số hiện nay..>> Chi tiết
- Dòng tiền chờ “tháo chốt”
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm mạnh, nhiều cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn nhưng vẫn chưa thu hút được dòng tiền..>> Chi tiết
- Cổ phiếu ngành bán lẻ vẫn sẽ tích cực
Bán lẻ là ngành được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế nên tiếp tục có triển vọng tăng trưởng, dù khó tránh khỏi ảnh hưởng khi lạm phát gia tăng..>> Chi tiết
- Định giá P/E thị trường, những điểm cần lưu ý
Thị trường chứng khoán được đánh giá là đã ở mức hấp dẫn để các nhà đầu tư tham gia tìm kiếm và lựa chọn cổ phiếu tiềm năng tích lũy cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc định giá thị trường hay cổ phiếu tốt cần đồng thời xét trên nhiều yếu tố để có góc nhìn đầy đủ..>> Chi tiết
- Giới đầu tư đang dựa vào mùa báo cáo để tìm "manh mối" cho suy thoái
Bóng ma suy thoái, lạm phát hoành hành, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và đồng euro giảm xuống gần ngang bằng với đồng đô la khiến các doanh nghiệp trên toàn thế giới phải đối mặt với một danh sách nhiều thách thức trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh và có thể tạo ra một lý do khác để bán tháo cổ phiếu..>> Chi tiết