Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/11 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 60,10 – 60,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 3,3 USD lên 1.865,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng về dưới 1.856 USD/ounce, nhưng đã quay trở lại ngưỡng gần 1.865 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,09 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.104 đồng/USD, giảm 11 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.550 – 22.750 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,60 USD (-0,74%), xuống 80,19 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,83 USD (-1,01%), xuống 81,34 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 64.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã có nhịp tăng khá mạnh lên trên 66.000 USD, trước khi hạ nhiệt đôi chút về cuối ngày.
Chứng khoán trong nước
Dòng tiền vẫn rất sôi động, ngày vui vẫn kéo dài
Hôm nay, lực mua rất lớn và lực bán vẫn rất lớn. Phiên sáng, tiền tăng, điểm số tăng. Phiên chiều, giống như cái cách mà thị trường đã diễn ra liên tục các phiên buổi chiều gần đây đó là lực bán tăng đột ngột giữa phiên, VN-Index giảm sâu, sau đó mọi chuyện... chẳng có gì xảy ra. Chốt phiên, VN-Index xanh nhẹ và màu tím lan tràn bảng điện.
Thanh khoản ngày hôm nay lại gọi tên con số 2 tỷ USD, riêng sàn HOSE tiếp tục vượt mốc 30.000 tỷ đồng với hơn 1,14 tỷ cổ phiếu sang tay.
Điểm nhấn là nhóm bất động sản và xây dựng, với HQC, LDG, DRH, KHG, QCG, FLC, ROS, TCH đều đứng tại mức giá.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,03 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn mua ròng 53,46 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 15/11: VN-Index tăng 3,2 điểm (+0,22%), lên 1.476,57 điểm; HNX-Index tăng 2,65 điểm (+0,6%), lên 444,28 điểm; UpCoM-Index tăng 1,08 điểm (+0,98%), lên 111,74 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall khởi sắc trong phiên ngày thứ Sáu (12/11), tuy nhiên vẫn có tuần giảm đầu tiên sau 5 tuần liên tiếp tăng điểm sau khi đón nhận dữ liệu lạm phát đáng thất vọng.
Đại học Michigan hôm thứ Sáu công bố dữ liệu sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng tháng 11, theo đó chỉ số này bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Theo đó, nhiều người tham gia khảo sát đã chỉ ra những lo ngại về lạm phát khiến mức sống bị ảnh hưởng.
Mặt khác, chứng khoán Mỹ đêm qua ghi nhận đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ megacap, dẫn đầu bởi Apple và Microsoft.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của Johnson & Johnson tăng 1,2% sau khi hãng này tuyên bố tách thành hai công ty, chia mảng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng khỏi mảng kinh doanh dược phẩm và thiết bị y tế.
Trong tuần, S&P 500 giảm 0,31%, Dow Jones giảm 0,63%, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,69%.
Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones tăng 179,8 điểm (+0,5%), lên 26.100,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,58 điểm (+0,72%), lên 4.682,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 156,68 điểm (+1%), lên 15.860,96 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ sự thúc đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,56% lên 29.776,80 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,39% lên 2.048,52 điểm.
Thị trường đã ít phản ứng với thông tin, nền kinh tế Nhật Bản suy thoái nhanh hơn dự kiến trong quý III vừa qua, do nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn và các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ảnh hưởng.
Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu với SoftBank Group tăng 2,23% và M3 tăng 3,29%.
Ở những nơi khác, chuỗi nhà hàng Skylark Holdings tăng 6,48%, sau khi nâng dự báo lợi nhuận ròng trong năm lên 1 tỷ yên (88 triệu USD) từ 400 triệu yên trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, trong ngày sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh có phiên đầu tiên.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,16% xuống 3.533,30 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,12% xuống 4.882,38 điểm.
Trong ngày giao dịch đầu tiên, sàn chứng khoán Bắc Kinh với hơn 4 triệu nhà đầu tư đã tham gia giao dịch 81 cổ phiếu, trong đó, 10 công ty gần đây đã tiến IPO đã tăng nóng từ 100% đến 500% và thị trường đã kích hoạt ngắt mạch.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ công ty bảo hiểm AIA và những gã khổng lồ công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,25% lên 25.390,91 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,32% xuống 9.085,60 điểm.
Công ty bảo hiểm AIA Group tăng 2,3%, sau khi công bố giá trị doanh nghiệp mới (VONB) quý III tăng 2% theo tỷ giá hối đoái cố định (CER) nhờ phục hồi nhu cầu sau đại dịch. Công ty bảo hiểm này có tỷ trọng lớn đã đẩy chỉ số Hang Seng lên 44 điểm.
Chỉ số Công nghệ cũng góp phần thúc đẩy với mức tăng 0,5%, nhưng Tập đoàn Alibaba giảm 0,6% trong khi Tencent Holdings tăng 1,4%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, được thúc đẩy bởi cổ phiếu công ty bán dẫn và dược phẩm sinh học.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,03% lên 2.999,52 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, hai gã khổng lồ chip Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix tăng lần lượt 1,13% và 4,23%, trong khi Samsung Biologics và Celltrion tăng 3,72% và 9,13%.
Kết thúc phiên 15/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 166,83 điểm (+0,56%), lên 29.776,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,80 điểm (-0,16%), xuống 3.533,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 62,94 điểm (+0,25%), lên 25.390,91 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 30,72 điểm (+1,03%), lên 2.999,52 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng gặp thách thức tên... NIM
Lãi suất huy động đầu vào đã giảm đến ngưỡng bẫy thanh khoản, trong khi lãi suất đầu ra liên tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khiến biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng chịu áp lực co lại..>> Chi tiết
- Cổ phiếu “vua” phân hóa
Tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại từ tháng 10, được cho là "trợ lực" đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy vậy, độ lan tỏa của thông tin này trong nhóm chưa cao..>> Chi tiết
- Thị trường chứng khoán: Đường dài tích sản
Không ít tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng lớn trên thị trường đã định hướng nhà đầu tư mới tích sản bằng việc nắm giữ cổ phiếu như một tài sản, một xu hướng phát triển, một phương thức đầu tư đơn giản để mang lại lợi nhuận cao trong dài hạn..>> Chi tiết
- Cổ phiếu vận tải biển “lênh đênh”
Cổ phiếu vận tải biển từng là hiện tượng trên thị trường nhờ giá cước vận tải biển quốc tế tăng phi mã. Tuy nhiên, sau khi cơn sóng qua đi, sức hút của nhóm cổ phiếu này đang hạ nhiệt dù chưa có một chắc chắn nào cho thấy giá cước vận tải biển quốc tế đã đạt đỉnh..>> Chi tiết
- Sàn giao dịch chứng khoán cho các penny của Trung Quốc mở cửa giao dịch
Một sàn giao dịch chứng khoán được thành lập tại Bắc Kinh để phục vụ các công ty nhỏ đã mở cửa giao dịch hôm thứ Hai (15/11) với 81 công ty..>> Chi tiết