Trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm nhiều cách để thúc đẩy nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và hiện các nhà chức trách đang kỳ vọng vào sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên của Bắc Kinh để đạt được điều này.
Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh ra mắt vào thứ Hai (15/11) được xem là một nền tảng để giúp các công ty vừa và nhỏ huy động vốn, vì những công ty này không đủ điều kiện để niêm yết và huy động vôở những sàn giao dịch chứng khoán lớn hơn.
Chris Liu, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của cổ phiếu Trung Quốc tại Invesco Hong Kong cho biết: “Sàn giao dịch chứng khoán mới có thể là một nơi hoạt động quan trọng cho những người khổng lồ nhỏ bé này”.
Công ty phân tích dữ liệu Thâm Quyến Suntang High-tech và nhà sản xuất linh kiện tinh thể thạch anh AnHui Jing Sai Technology nằm trong số 10 công ty IPO vào trên sàn này vào ngày ra mắt, đã huy động được 1,5 tỷ nhân dân tệ (235 triệu USD).
Theo một báo cáo của Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, 71 công ty khác được chuyển từ National Equities Exchange and Quotations (NEEQ) - một thị trường mua bán tự do dành cho các công ty nhỏ hơn này.
Nhóm 81 công ty này chủ yếu đến từ các lĩnh vực như chế tạo tiên tiến, dịch vụ công nghệ cao và các ngành chiến lược mới nổi.
Về mặt kỹ thuật, sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh sẽ cung cấp khả năng tiếp cận hoạt động niêm yết dễ dàng hơn so với sàn Star board kiểu Nasdaq của Thượng Hải và ChiNext chủ yếu về lĩnh vực công nghệ ở Thâm Quyến.
Sàn giao dịch chứng khoán Bắc Kinh chỉ yêu cầu 200 triệu nhân dân tệ (32 triệu USD) cho mức vốn hóa thị trường tối thiểu và được thiết lập để có tính thanh khoản tốt hơn NEEQ. Biên độ giao dịch của sàn này sẽ lên đến 30% so với biên độ 20% ở hai sàn giao dịch còn lại.
Fu Lichun, đồng sáng lập Beijing Ytai Capital cho biết: “Nhiều công ty có tiềm năng đổi mới lớn có thể một ngày nào đó sẽ niêm yết trên Star board”.
Tuy nhiên, với quy mô nhỏ của các công ty và bản chất khởi nghiệp, sàn giao dịch Bắc Kinh chưa có khả năng tạo ra tiếng vang lớn.
Trung Quốc đã và đang thúc đẩy hoạt động tài trợ thông qua vốn cổ phần nhằm mục đích giảm rủi ro tín dụng của các ngân hàng. Trong khi đó, các nhà chức trách cho biết họ đang quan tâm đến việc tạo ra các công ty “chuyên biệt và mới” để phá vỡ các nút thắt của chuỗi cung ứng.