Chiến lược của nhà đầu tư lớn
Cuối năm ngoái, thị trường có đợt giảm điểm do dịch Covid-19, anh Nguyễn Chung, một nhà đầu tư lâu năm có giá trị tài khoản cả trăm tỷ đồng thực hiện tái cơ cấu danh mục, bán VNM và mua các cổ phiếu khác, sử dụng tối đa hạn mức được vay giao dịch ký quỹ (margin).
Tháng 7/2021, khi thị trường chung điều chỉnh giảm, anh Chung bắt đầu mua lại cổ phiếu VNM ở vùng giá 80.000 đồng/cổ phiếu. “VNM chẳng giảm được nữa đâu”, anh Chung chia sẻ. Nguồn vốn đến từ việc bán toàn bộ cổ phiếu ngân hàng ở vùng đỉnh.
Trong hơn 20 năm đầu tư, nhà đầu tư lớn trên đã có không ít lần đảo danh mục như vậy. Chớp cơ hội đầu tư cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao trong ngắn và trung hạn, sau đó mua lại số cổ phiếu đã bán ra như một cách để giữ tiền và hưởng mức sinh lợi lớn mỗi năm của cổ phiếu đó. Riêng cổ phiếu VNM đã là tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng của anh Chung, được nhân lên từ khoản đầu tư vài chục nghìn cổ phiếu thời điểm doanh nghiệp niêm yết năm 2006.
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Azfin, người sáng lập Cộng đồng “Tích sản cổ phiếu - Tự do tài chính” cho biết, giai đoạn năm 2015 - 2017, ông chọn mua cổ phiếu REE và liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu trong bối cảnh giá cổ phiếu đi ngang, dù lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng, cổ tức hấp dẫn. Đến năm 2017 - 2018, cổ phiếu REE tăng giá mạnh, mang lại hiệu suất sinh lời 140%.
Có nhiều câu chuyện thành công trên thị trường chứng khoán khi đầu tư lâu dài vào cổ phiếu của doanh nghiệp tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng, mang lại tỷ suất lợi nhuận hàng năm từ 20 - 50%, thậm chí cao hơn.
Theo ông Phục, những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt thì mức tăng giá hàng năm sẽ dựa theo tăng trưởng của kết quả kinh doanh cộng với cổ tức. Thông thường, cổ phiếu tăng giá từ 10 - 40%/năm, không có những đợt tăng đột biến như các mã có tính đầu cơ cao. Khác biệt ở chỗ, cổ phiếu cơ bản tăng giá bền vững qua nhiều năm, lãi suất kép sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, có thể kể đến mã VNM, DHC, VCS, TV2, PTB, MWG, FPT, HPG..., hay mã chào sàn năm 2020 là DGC, niêm yết với giá tham chiếu 39.700 đồng/cổ phiếu, hiện đạt 155.500 đồng/cổ phiếu.
Anh Quốc Duy, người có nhiều kinh nghiệm đầu tư nêu quan điểm, mua cổ phiếu là mua tài sản. Tích sản bằng cổ phiếu thay cho các loại tiền tệ, kim loại quý hoặc bất động sản là một xu thế tất yếu. Cứ cổ phiếu tốt, thanh khoản, khi giá giảm về mức hấp dẫn, tức định giá thấp thì mua và nắm giữ, kiểu gì cũng sinh lời. Một trong những cổ phiếu mà nhà đầu tư này mua vào đều đặn hàng tháng trong vòng 1 năm qua là PAN.
Kinh nghiệm tích sản
Theo ông Phục, tích sản thì các cổ phiếu có lợi thế cạnh tranh mang tính bền vững sẽ mang lại dòng tiền bền vững và lâu dài cho nhà đầu tư. Tích sản cổ phiếu chính là đầu tư giá trị. Tích sản cổ phiếu khác lướt sóng ở điểm lấy lợi nhuận, nguồn thu ổn định, thụ động, bền vững trong dài hạn, còn lướt sóng hướng đến kiếm những khoản lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn.
Khi đầu tư tích sản, nhà đầu tư cần kiên trì, một điều kiện trong kỷ luật đầu tư tích sản. Chẳng hạn, cổ phiếu TCB và VHM có giá đi ngang, thậm chí giảm trong vài tháng qua, trong khi VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại.
Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu tăng, giảm phụ thuộc nhiều vào cung - cầu và dòng tiền trên thị trường, nhưng về dài hạn, giá cổ phiếu phản ánh sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Vì vậy, chọn được cổ phiếu tốt, nhà đầu tư phải kiên trì nắm giữ, kết quả sẽ mang lại hiệu suất sinh lời cao. Thực tế, hiếm thấy doanh nghiệp nào mà cổ phiếu bị định giá sai giá trị quá 2 năm.
Giám đốc đầu tư VinaCapital, ông Andy Ho cho hay, có nhiều cuốn sách viết về phương pháp đầu tư giá trị, tích lũy tài sản trên thị trường chứng khoán. Nhưng kinh nghiệm cá nhân ông là đầu tư vào doanh nghiệp chất lượng bằng cách chấm điểm các tiêu chí sản phẩm dịch vụ, điều hành, đối tượng khách hàng và báo cáo tài chính.
“Giống như chúng ta ăn uống phải chất lượng mới có sức khỏe tốt, đầu tư chất lượng mới có lợi nhuận tốt. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như thanh khoản, môi trường pháp luật…”, ông Andy Hồ nói.
Các chuyên gia lưu ý, lựa chọn những ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh là yếu tố quan trọng trong đầu tư tích sản, vì kể cả không chọn được cơ hội xuất sắc nhất thì vẫn thu được hiệu quả tốt trong tương lai. Một số ngành đáp ứng được tiêu chí tích sản là công nghệ, bán lẻ, tài chính, giáo dục, tiện ích, bất động sản…
Khi phân tích yếu tố ngành, nhà đầu tư cần xem xét đối thủ cạnh tranh, đối thủ tiềm năng gia nhập thị trường, quyền thương lượng của người mua, nguy cơ sản phẩm thay thế… Những doanh nghiệp bị cạnh tranh khốc liệt thì lợi nhuận khó có thể tăng trưởng cao, đơn cử ngành bảo hiểm.
Bây giờ có là quá muộn?
Liệu có còn cơ hội để tích sản cổ phiếu? Đây là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán đã trải qua giai đoạn tăng mạnh và xu thế đầu cơ đang lấn át.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp nhận định, thời điểm hiện tại vẫn thích hợp để đầu tư tích sản, vì có những doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt mà giá cổ phiếu chưa tăng, thị giá dưới giá trị thực. Dòng tiền sẽ sớm quay lại các cổ phiếu này, giúp giá tăng lên.
Bình luận về xu thế đầu cơ đang chiếm ưu thế trên thị trường, trong khi có cổ phiếu tốt, định giá hấp dẫn lại không tăng giá, ông Andy Ho cho rằng, điều này rất bình thường khi xem xét tâm lý hành vi nhà đầu tư mới (F0). Bản thân ông đã trải qua nhiều giai đoạn bùng nổ nhà đầu tư mới ở các thị trường.
Khi F0 bước vào thị trường, thật khó để nói về đầu tư tích sản, vì nó trái với thực tế đang diễn ra, khi bạn bè, những người xung quanh đạt lợi nhuận trong thời gian rất ngắn. Thông thường, khi F0 thua lỗ, họ nhìn lại xem nguyên nhân là gì và rút ra kinh nghiệm, lúc đó mới trở thành F1.
Trong khi tìm ra công thức đầu tư thành công, ít rủi ro, họ sẽ tìm hiểu phương thức tích sản. Khi có một lớp nhà đầu tư mới trưởng thành, giàu kinh nghiệm hơn, thì số nhà đầu tư đầu tư giá trị, tích sản sẽ ngày càng nhiều, hơn bởi đây là cách dễ nhất để đi đến thành công.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Lựa chọn cổ phiếu đầu tư giá trị dựa trên nhóm thông tin tài chính và thông tin hoạt động. Nhà đầu tư cần tìm hiểu từ vi mô, vĩ mô, lãnh đạo doanh nghiệp, phân tích lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp định đầu tư. Khi cổ phiếu tốt mà có P/E thấp là lúc nên mua rồi nắm giữ trung và dài hạn, vì giá trị cổ phiếu chưa được nhận ra. Xem xét thêm hệ số định giá P/B, thị giá thấp hơn nhiều giá trị sổ sách nhiều thì cơ sở càng chắc chắn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chi trả cổ tức cổ tức từ 15 - 20%/năm, lợi nhuận tăng trưởng ổn định... Với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư nên tập trung xem xét yếu tố quỹ đất sạch, giá vốn thấp, khả năng triển khai hoặc chuyển nhượng dự án.
Cá nhân tôi kết hợp phương pháp chọn lựa cổ phiếu có nền tảng tốt dựa trên phân tích cơ bản, sau đó ứng dụng phân tích kỹ thuật để chọn thời điểm mua, bán và các tín hiệu dòng tiền, xu hướng. Với cách thức này, năm 2020, các nhà đầu tư có thể nhận thấy ngành ngân hàng và năm nay là thép, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp “lên ngôi”. Nhiều nhà đầu tư năm 2020 chọn cổ phiếu ngân hàng như CTG, MBB, ACB kết hợp với chiến thuật giao dịch, tỷ suất sinh lời trung bình có thể đạt 50 - 70%. Đầu năm 2021, nếu mua các cổ phiếu thép HSG, NKG, nhóm bất động sản công nghiệp LHG, SZC, chứng khoán VND, SHS… sẽ có được hiệu suất sinh lời 50 - 100%.
Có cổ phiếu tốt nhưng bị vướng vào một vấn đề nào đó mà bị bán quá đà, giá giảm sâu trong thời gian dài. Giá sẽ bật lên nếu yếu tố “vướng” được tháo gỡ, đơn cử mã ITA trong thời gian gần đây.
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SHS, chi nhánh Hồ Chí Minh
Giá trị sẽ thay đổi theo thời gian, theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nên khi xem xét đầu tư giá trị, ví dụ ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cần xem xét các yếu tố sau.
Thứ nhất, chất lượng tài sản, giá trị vốn hóa so với vốn chủ sở hữu. Cần đánh giá ở vị thế của một người cho vay thế chấp. Nếu cho vay thì có thể thu hồi được bao nhiêu khi thanh lý tài sản công ty? Một số đặc điểm tuyệt vời để đầu tư giá trị là tài sản ngắn hạn chiếm hơn 60% giá trị vốn hóa, tài sản hữu hình đã khấu hao lớn, tài sản vô hình (quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sở hũu trí tuệ) không được tính vào vốn chủ sở hữu. Vốn hóa tốt nhất là thấp hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu.
Thứ hai, cổ phiếu giá trị chỉ được xem là giá trị nếu doanh nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định, ít nhất bằng tốc độ tăng GDP hoặc lãi suất huy động. Doanh nghiệp còn phải có tỷ lệ nợ vay thấp.
Có quan điểm cho rằng, vì sao phải mua cổ phiếu giá trị khi giá lình xình, trong khi các cổ phiếu tăng cao? Lý do này đúng nếu xét về mặt hiệu quả sinh lợi ở thời điểm so sánh. Nhưng xét trên quan điểm đầu tư và khả năng tận dụng nguồn vốn vay của thị trường để gia tăng đầu tư, thì nhà đầu tư có thể sử dụng cách mà các nhà đầu tư lớn thường sử dụng để gia tăng nguồn vốn trong các thương vụ thâu tóm, sáp nhập, hay là đầu cơ thông thường trên thị trường. Cụ thể, chọn lọc kỹ cổ phiếu giá trị. Sử dụng tiền mặt để đầu tư và dùng cổ phiếu đó làm tài sản đảm bảo để gia tăng sức mua.
Cá nhân tôi ưu tiên mua cổ phiếu các công ty có vốn hóa thấp hơn hoặc tương đương lượng tiền mặt để thanh toán các khoản nợ, vốn hóa nhỏ hơn vốn sở hữu nếu tính thêm tài sản vô hình.
Ông Trịnh Duy Viết, Giám đốc phát triển kinh doanh - môi giới, Công ty Chứng khoán Đông Á
Một phương pháp đang được nhiều nhà đầu tư áp dụng để tích sản cổ phiếu là CANSLIM, tức lựa chọn các công ty tăng trưởng ổn định dựa trên đánh giá doanh thu và lợi nhuận so với ngành và trên mức trung bình thị trường. Phương pháp này phù hợp với mọi thị trường, đặc biệt trong thị trường giá lên. Các mã được lựa chọn theo CANSLIM là HPG, FPT, MWG, PNJ, VCS, KDH, NLG, PTB, DHC, FMC, VHC...
Với phương pháp đầu tư giá trị, nhà đầu tư cần phân tích được giá trị doanh nghiệp, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường gặp khó khăn khi thực hiện. Để dễ dàng hơn, nhà đầu tư có thể lọc cổ phiếu theo phương pháp Net Net, chọn công ty có tỷ lệ này cao so với giá thị trường. Net Net = (tổng tài sản ngắn hạn - tổng nợ phải trả)/tổng số cổ phiếu lưu hành.
Phương pháp Net Net ít phổ biến do trong thị trường giá lên có rất ít công ty bị định giá sai, nên thường phù hợp với thị trường trong giai đoạn khó khăn. Một số cổ phiếu lọc theo phương pháp Net Net trong giai đoạn hiện nay là CTD, PVB, TCT, PMB, AAM, VLC, CHS...
Nhà đầu tư nên phân bổ đang dạng danh mục theo cả hai phương pháp, kết hợp với việc tìm hiểu chính sách cổ tức tiền mặt, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này giúp trung hòa lợi nhuận, kể cả trong thời kỳ thị trường bùng nổ và thị trường giá xuống.
Nhiều nhà đầu tư đang bị hiệu ứng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) nên mua đuổi các cổ phiếu tăng nóng mà xa rời giá trị. Khi biến cố thị trường xảy ra, họ có thể bị thiệt hại lớn và khi đó mới thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc xây dựng phương pháp bảo vệ tài sản.
Theo quan điểm của tôi, đầu tư giá trị không nhất thiết phải nắm giữ vài năm, mà đôi khi chỉ vài tuần, khi nào giá cổ phiếu tăng vượt giá trị ở mức khá cao thì hạ tỷ trọng, chờ đợi mua lại với giá thấp, hoặc chuyển sang cổ phiếu khác đang có định giá thấp.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital)
Thị trường bất động sản bị ngưng trệ từ tháng 4/2021 cho đến hết thời gian giãn cách xã hội. Các giao dịch bị đóng băng. Sau giãn cách, khi thấy thị trường trở nên sôi động hơn, nhiều người bày tỏ lo ngại về hiện tượng “bong bóng”, nhưng theo tôi, muốn biết có bong bóng bất động sản hay không phải nhìn vào một giai đoạn rất xa trước giai đoạn dịch bệnh xảy ra, chứ không thể chỉ nhìn vào hiện tượng ở một, hai quý.
Đối với chứng khoán, theo logic thì khi việc đầu tư vào sản xuất bị gián đoạn, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, nhà đầu tư sẽ chọn chứng khoán để rót tiền vào nhằm bù đắp nguồn thu, đặc biệt đầu tư chứng khoán có thanh khoản tốt hơn bất động sản.
Muốn đánh giá có rủi ro “bong bóng” chứng khoán hay không thì chỉ cần nhìn mức định giá. Định giá theo P/E của cổ phiếu bây giờ là 17 lần, là mức trung vị bình thường so với lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam và so với các thị trường khác trên thế giới.
VN-Index cuối năm 2019 ở quanh mốc 1.000 điểm, hiện nay hơn 1.470 điểm, tăng xấp xỉ 50%. Định giá của thị trường không đắt lên bao nhiêu, trong khi lãi suất giảm nhiều, chứng tỏ không có yếu tố bong bóng. Do đó, trong ngắn hạn, tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu cần cảnh báo.
Trong dài hạn, theo quy luật thị trường thì khi kinh tế đi lên, doanh nghiệp sẽ phát triển, nhất là doanh nghiệp trên sàn. Vừa qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết có mức tăng trưởng tốt ngay cả trong dịch bệnh. Có một số doanh nghiệp thua lỗ, nhưng tổng quan toàn thị trường vẫn là tốt.
Về bất động sản, người ta nhìn thấy quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ, hạ tầng sẽ phát triển mạnh trong 5-10 năm nữa, bất động sản sẽ mang lại giá trị gia tăng. Nhà đầu tư tìm cách đón đầu xu hướng này và đó là một tư duy rất hợp lý.
Đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đường sá đi đến đâu thì bất động sản ở đó đều có thể giao dịch được. Trước đây, bất động sản hầu như chỉ giao dịch được ở những thành phố lớn thì nay có thể giao dịch ở các thành phố cấp hai, cấp ba, những vùng ven. Rõ ràng, quy mô thị trường bất động sản sẽ ngày càng được mở rộng. Nguồn thu thuế từ chứng khoán, bất động sản sẽ còn cao lên rất nhiều trong 10 năm tới và đó là nguồn thu bền vững.
Hiện nay, lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào sẽ thúc đẩy dòng tiền chuyển sang chứng khoán và bất động sản. Điều này không chỉ thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư trong ngắn hạn là tìm kênh đầu tư sinh lời tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh, mà còn thể hiện một niềm tin rõ ràng là kinh tế sẽ có sự tăng trưởng tốt trong 5-10 năm tới. Đó cũng là quy luật tất yếu của một nước đang phát triển đi lên, có tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế ở mức cao.
Có ý kiến đánh giá hiện tượng chuyển tiền từ ngân hàng sang chứng khoán là “bất thường”, nhưng tôi cho rằng, từ “bất thường” đó không đúng trong hoàn cảnh hiện tại. Bởi vì, số tài khoản mở mới tuy tăng nhanh nhưng vẫn quá nhỏ so với tiềm năng mà thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay cần phải có. Quy mô giao dịch của thị trường nhiều khả năng sẽ tăng gấp đôi gấp ba, thậm chí gấp 5-10 lần trong 10 năm tới.
Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào gói kích cầu 800.000 tỷ đồng. Theo tôi, gói kích cầu sắp tới sẽ được thiết kế thận trọng hơn. Nhìn con số của cả chương trình thì to, nhưng phân ra nhiều gói khác nhau, lượng tiền mặt bơm vào thị trường sẽ ít hơn nhiều. Lưu ý, đề xuất gói kích cầu hiện chưa được phê duyệt, chưa có con số chính thức.
Ngày 18/11, Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán tổ chức Toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - kênh đầu tư sinh lời và tích sản" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 2 đầu cầu Hà Nội, TP.HCM, và Livestream trên Fanpage Báo Đầu tư Chứng khoán https://www.facebook.com/tinnhanhchungkhoan.
Toạ đàm sẽ trao đổi về những dấu ấn trên chặng đường trưởng thành và phát triển của thị trường, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, nhận định các cơ hội trên thị trường chứng khoán, sản phẩm, công nghệ mới phục vụ nhà đầu tư, khát vọng của các thành viên thị trường trước bước ngoặt mới của ngành…
Các khách mời gồm:
Đầu cầu HN (tọa đàm trực tiếp):
1. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)
3. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect.
4. Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS.
5. Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital.
6. Bà Phạm Thị Thế, Cố vấn Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng 1369.
7. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS.
Đầu cầu TP.HCM (tọa đàm trực tuyến qua Zoom)
1. Ông Nguyễn Lê Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Chi nhánh Hà Nội Dragon Capital.
2. Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long.
3. Ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC.