Cổ phiếu vận tải biển “lênh đênh”

Cổ phiếu vận tải biển “lênh đênh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu vận tải biển từng là hiện tượng trên thị trường nhờ giá cước vận tải biển quốc tế tăng phi mã. Tuy nhiên, sau khi cơn sóng qua đi, sức hút của nhóm cổ phiếu này đang hạ nhiệt dù chưa có một chắc chắn nào cho thấy giá cước vận tải biển quốc tế đã đạt đỉnh.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 8/11 đến ngày 12/11, VN-Index tăng 16,86 điểm, tương đương tăng 1,16%, lên 1.473,37 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 2,4% xuống 155.931 tỷ đồng, khối lượng giảm 2,5% xuống 5.314 triệu cổ phiếu.

HNX-Index tăng 13,99 điểm, tương đương tăng 3,27%, lên 441,63 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 1% lên 21.880 tỷ đồng, khối lượng giảm 3,7% xuống 844 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu vận tải biển phân hóa

Giá cước vận tải biển tăng mạnh từ đầu năm do nhiều nguyên nhân như ách tắc hàng hóa tại cảng biển; thiếu container rỗng, thiếu nhân công… đã tạo động lực cho các cổ phiếu vận tải biển tăng phi mã cùng với thanh khoản đột biến. Tuy nhiên, sau khi giá cổ phiếu đạt đỉnh trong tháng 8 và tháng 9, đến nay, nhóm cổ phiếu này đang tạm lắng xuống.

Mã chứng khoán

Niêm yết

Giá đóng cửa ngày 5/11 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 12/11 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

TJC

HNX

16.000

20.100

+25,62

VFR

UPCoM

10.200

11.000

+7,84

PVT

HOSE

23.980

25.600

+6,75

PVP

UPCoM

20.500

21.100

+2,93

HAH

HOSE

67.900

69.600

+2,50

VNA

UPCoM

40.000

40.300

+0,75

SSG

UPCoM

13.000

11.700

-0,10

VOS

HOSE

22.950

22.650

-1,31

MVN

UPCoM

39.000

38.000

-2,56

TCO

HOSE

27.300

26.100

-4,39

Trong tuần qua, mã TJC của CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại vẫn giữ được đà tăng mạnh với mức 25,62% từ giá 16.000 đồng/CP lên 20.100 đồng/CP. Ngoài phiên 9/11 TJC đứng ở mốc tham chiếu, 4 phiên còn lại cổ phiếu đều tăng mạnh và chạm trần vào phiên ngày 11/11. Tuy nhiên, thanh khoản của TJC vẫn ở mức thấp với trung bình đạt 10.304 đơn vị/phiên.

Ngoài TJC, các mã khác chỉ giữ được nhịp chỉ tăng nhẹ. Có thể kể đến mã VFR của CTCP Vận tải và Thuê tàu đang tăng trở lại sau khoảng thời gian “hụt hơi”. Được hưởng lợi từ xu hướng chung, VFR thoát khỏi kiếp giao dịch dưới mệnh giá nhiều năm kể từ giữa tháng 9. Tuy nhiên, cổ phiếu cũng dần đi xuống và mới lấy lại đà tăng trong tuần qua với 7,84%.

Mã PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí cũng tăng 6,75%; mã PVP của CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương tăng 2,93%; HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An tăng 2,50% và VNA của CTCP Vận tải Biển Vinaship nhích nhẹ 0,75%. Nhóm cổ phiếu tăng nhẹ này có khả năng thanh khoản cao với nhiều phiên giao dịch sôi động.

Ngược lại, nhiều mã có xu hướng giảm. Đáng chú ý là TCO của CTCP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải đã giảm 4,39% và đóng cửa tuần với giá 26.100 đồng/CP. TCO cũng là cái tên được kỳ vọng trong đợt sóng vận tải biển vừa qua. Cổ phiếu bước vào vùng đỉnh lịch sử khoảng giữa tháng 9 quanh mức 33.000 - 34.000 đồng/CP nhưng cũng giảm dần sau đó.

Tương tự, mã MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã giảm 2,56%; VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam giảm 1,31% và SSG của CTCP Vận tải biển Hải Âu giảm nhẹ 0,1%.

Doanh nghiệp lãi đậm

Không nằm ngoài mong đợi, lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển trong quý III tăng trưởng ba đến bốn chữ số, thậm chí nhiều doanh nghiệp có pha lội ngược dòng ngoạn mục từ thua lỗ sang lãi đậm.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt 4.127 tỷ đồng doanh thu, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi sau thuế 760 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 30 tỷ đồng). Kết quả này là nhờ tình hình kinh doanh khả quan từ vận tải biển đến khai thác cảng biển. Cụ thể, khối vận tải biển kinh doanh phục hồi mạnh từ thị trường tàu hàng khô; các thành viên đều đàm phán cho thuê tàu với giá tốt.

Vosco cũng là doanh nghiệp điển hình chuyển từ lỗ sang lãi với doanh thu quý III đạt gần 385 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và lãi sau thuế xấp xỉ 409 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 139 tỷ đồng).

Vận tải và Xếp dỡ Hải An có doanh thu trong kỳ đạt gần 476 tỷ đồng, tăng 65% so với con số 288 tỷ đồng cùng kỳ. Do các chi phí không có nhiều biến động, Công ty lãi sau thuế 101 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ. Nguyên nhân chính đến từ giá cho thuê tàu, sản lượng vận tải biển và giá cước đồng loạt tăng.

Cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Đơn cử như CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại. TJC cho biết thời gian qua, Công ty đã tận dụng cơ hội, tập trung tối đa trong khai thác các tuyến vận tải quốc tế; ký được hợp đồng với giá cước tốt. Do đó, doanh thu Công ty đạt 43,6 tỷ đồng, tăng 104,2% so với quý III/2020 và lãi 9 tỷ đồng, tăng trưởng đến 2.538%.

Giá cước đang hạ nhiệt?

Theo Reuters, cước vận tải biển đã tăng 10 lần so với trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Ước tính, giá thuê một container vận tải biển từ châu Á đến một cảng ở Mỹ khoảng 2.700 USD vào tháng 1/2020 đã vọt lên 12.500 USD chỉ trong một năm sau và lên 17.000 USD vào tháng 9/2021.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, chuyên gia phân tích SSI Research cho rằng, giá cước vận tải biển tăng mạnh ảnh hưởng đến giá cả của tất cả các loại hàng hóa, thành phần chuỗi cung ứng bao gồm các công ty sản xuất, công ty xuất nhập khẩu và người tiêu dùng cuối cùng.

“Nguồn cung giảm xuống mà nhu cầu tăng lên gây ra sự thiếu hụt nguồn cung và là lý do ngắn hạn được tạo ra bởi Covid-19 khiến giá cước vận tải biển tăng mạnh trong thời gian qua”, ông Giang phân tích.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, giá cước vận tải biển đã bắt đầu hạ nhiệt. Trong ngày 4/11, cước vận tải các loại tàu capesize, panamax và supramax đã giảm 123 điểm, xuống 2.769, mức thấp nhất trong 5 tháng qua.

Song, vẫn còn khá sớm để xác định giá cước vận tải đã đạt đỉnh hay sắp chạm đáy hay chưa, vì tình hình dịch bệnh không thể được dự đoán một cách chính xác.

Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển quý IV/2021 chưa hạ nhiệt do hai yếu tố. Thứ nhất là khan hiếm nguồn cung container rỗng và thứ hai là thiếu hụt nhân công làm việc tại các cảng khiến tắc nghẽn tiếp nhận tàu vào cảng.

Đây sẽ là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp đang phải chịu áp lực đẩy mạnh bán hàng để bù đắp cho giai đoạn giãn cách vừa qua. Nhưng điều này đồng nghĩa rằng lượng đơn hàng lớn của các doanh nghiệp vận tải biển vẫn sẽ được duy trì đến hết quý I/2022 và kết quả kinh doanh của ngành sẽ tiếp tục khả quan.

Trong khi đó, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích SSI Research nhìn nhận, giá dầu sẽ tác động đến lợi nhuận của các doanh nghiệp khi giá dầu chiếm 30 - 40% cơ cấu chi phí. Tức khi giá dầu tăng, lãi của các công ty vận tải biển sẽ giảm.

“Tuy nhiên, một số hãng lại có xu hướng cho thuê tàu với giá cao, nhờ đó tránh được ảnh hưởng. Mặt khác, thị trường nội địa hiện thiếu cung nên các hãng vận tải có thể tăng giá cước để bù đắp mức tăng của giá dầu”, bà Phương nhận xét.

Tin bài liên quan