Thị trường tài chính 24h: Ngành ngân hàng dày thêm các kế hoạch tham vọng

Thị trường tài chính 24h: Ngành ngân hàng dày thêm các kế hoạch tham vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đảo chiều giảm nhẹ; "Mở cửa" mùa đại hội ngân hàng 2022; Vốn ngoại "lướt sóng"; Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ không quá lo hiệu ứng tiêu cực; Dầu của Nga thâm nhập vào thị trường toàn cầu làm giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 23/3 tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 68,10 – 68,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 14,3 USD/ounce xuống 1.921,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên trên ngưỡng 1.930 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,65 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.147 đồng/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.740 – 23.020 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng đứng tại 42.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã hạ nhiệt nhẹ và giảm quanh 42.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,85 USD (+1,69%), lên 111,12 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,22 USD (+1,92%), lên 117,70 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index đảo chiều giảm

Trong phiên sáng, sau ít phút giằng co, dòng tiền tích cực hơn đã giúp sắc xanh chiếm ưu thế, kéo VN-Index tăng mạnh và vượt qua 1.510 điểm.

Dù vậy, ngay khi bước vào phiên chiều, áp lực chốt lời đã gia tăng ở nhiều nhóm ngành, nhất là nhiều mã lớn trong nhóm VN30 khiến VN-Index giảm theo chiều gần như thẳng đứng và đóng cửa dưới tham chiếu.

Mã gây chú ý thị trường nhất hiện nay là HQC, khi giữ giá trần tại 9.700 đồng với thanh khoản cao nhất thị trường, khớp lệnh 32,35 triệu đơn vị.

Trong nhóm bất động sản, xây dựng, ngoài HQC, có thêm QCG và VPH giữ được sắc tím.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 16,69 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 1.033,45 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/3: VN-Index giảm 1,44 điểm (-0,10%), xuống 1.502,34 điểm; HNX-Index tăng 0,75 điểm (+0,16%), lên 462,1 điểm; UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,19%), xuống 116,58 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tăng điểm trong phiên ngày thứ Ba (22/3), khi nhóm cổ phiếu phiếu tài chính, công nghệ và các tên tuổi tăng trưởng lớn khác phục hồi sau những đợt giảm mạnh gần đây.

Thị trường vẫn chịu tác động từ phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell vào ngày hôm qua, với ám chỉ về việc Fed cần "khẩn trương" tăng lãi suất và có thể tăng cao hơn để kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng Goldman Sachs ngay lập tức dự báo khả năng Fed nâng lãi suất thêm 0,5% trong các cuộc họp tháng 5 và 6.

Cổ phiếu tài chính theo đó nằm trong số những nhóm hoạt động tốt nhất khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 2,368%, với chỉ số ngân hàng S&P 500 tăng 2,5%, trong đó, cổ phiếu JPMorgan tăng 2,1% và Bank of America tăng 3,1%.

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số Dow Jones tăng 254,47 điểm (+0,74%), lên 34.807,46 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 50,43 điểm (+1,13%), lên 4.511,61 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 270,36 điểm (+1,95%), lên 14.108,82 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, khi các cổ phiếu công nghệ lớn khởi sắc theo chân các công ty cùng ngành trên phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 3% lên 28.040,16 điểm. Chỉ số Topix tăng 2,33% lên 1.978,70 điểm.

Cả hai chỉ số chính này đều đã lên mức cao nhất kể từ ngày 18/1 và ghi nhận phiên tăng thứ bảy liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 9/2021.

Koichi Kurose, Chiến lược gia trưởng tại Resona Asset Management, cho biết: “Tâm lý giới đầu tư đã gần như ít bị tác động mạnh bởi xung đột Nga-Ukraine. Hiện giờ, họ đang tập trung vào những lĩnh vực nào sẽ tồn tại và những nhóm ngành được cho là sẽ được hưởng lợi trong môi trường rủi ro lạm phát".

Phiên này, các cổ phiếu lớn đều tăng mạnh, với Fast Retailing tăng 5,21%, Tokyo Electron tăng 3,8% và SoftBank là cổ phiếu có hiệu suất hàng đầu trên Nikkei 225 với mức tăng 7,22%.

Các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng tăng 3,37% do đồng yên yếu đi so với đồng USD, với Toyota Motor tăng 3,99% và Honda Motor tăng 2,89%.

Đáng chú ý, Monex Group Inc đã tăng 15,92%, sau khi lên kế hoạch phát hành chào bán lần đầu ra công chúng trên sàn giao dịch tiền điện tử Nhật Bản Coincheck.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, do các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào các biện pháp ổn định nền kinh tế của chính phủ sau khi các nhiễm Covid-19 gia tăng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,34% lên 3.271,03 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,5% lên 4.276,52 điểm.

Dẫn đầu mức tăng hôm nay là nhóm bất động sản tăng 1,9% và chỉ số chăm sóc sức khỏe tăng 2,48% nhờ các công ty báo cáo lợi nhuận khả quan.

Trung Quốc đã kêu gọi người dân sử dụng vắc-xin để ngăn chặn sự bùng phát các ca nhiễm biến thể Omicron tại thành phố Thượng Hải, nơi đã báo cáo sự gia tăng liên tiếp các ca nhiễm Covid-19 không không có triệu chứng.

Chứng khoán Hồng Kông thêm một phiên tăng nhờ sự tích cực của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,21% lên 22,154,08 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,28% lên 7.635,13 điểm.

Nhóm cổ phiếu các công ty công nghệ niêm yết đã tăng 2,05% khi các nhà đầu tư hoan nghênh việc Bắc Kinh có thể nhượng bộ các vấn đề kiểm toán và kết thúc vụ án hình sự chống lại ZTE ở Mỹ.

Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu một số công ty niêm yết tại Mỹ của nước này, bao gồm Alibaba, Baidu và JD.com, chuẩn bị cho các tiết lộ kiểm toán nhiều hơn, các nguồn tin cho biết, khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực để đảm bảo các công ty trong nước vẫn được niêm yết tại New York.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa ở mức cao nhất gần ba tuần, sau khi cổ phiếu công nghệ tăng điểm theo chân Phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 25,05 điểm, tương đương 0,92% lên 2.735,05 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 3/3.

Dẫn đầu mức tăng là các cổ phiếu lớn như gã khổng lồ chip Samsung Electronics tăng 0,28%. Nhà sản xuất pin LG Energy Solution và Naver lần lượt tăng 2,39% và 1,77%.

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm nay đã đề cử quan chức kỳ cựu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Rhee Chang-yong làm giám đốc mới của ngân hàng trung ương, một người được cho là sẽ tiếp tục nỗ lực để kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ.

Kết thúc phiên 23/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 816,05 điểm (+3,00%), lên 28.040,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,17 điểm (+0,34%), lên 3.271,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 264,80 điểm (+1,21%), lên 22.154,08 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 25,05 điểm (+0,92%), lên 2.735,05 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- "Mở cửa" mùa đại hội ngân hàng 2022

Nền kinh tế thực sự bình thường trở lại từ ngày 15/3/2022 đã khiến các báo cáo trước thềm đại hội ngân hàng dầy thêm các kế hoạch tham vọng..>> Chi tiết

- Vốn ngoại "lướt sóng"

Giá trị bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài gần đây tăng mạnh trở lại, nhưng kỳ vọng khối này sẽ sớm có động thái lạc quan hơn..>> Chi tiết

- Dầu của Nga thâm nhập vào thị trường toàn cầu làm giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Hàng triệu thùng dầu của Nga vẫn đang tìm đường đến tay người mua sau gần một tháng kể từ khi thời điểm xung đột với Ukraine leo thang, làm dịu đi lo ngại rằng phản ứng dữ dội của lệnh trừng phạt sẽ làm giảm nguồn cung..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ không quá lo hiệu ứng tiêu cực

Xung đột Nga - Ukraine được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp ngành gỗ, nhưng ghi nhận từ phía các doanh nghiệp lại hé lộ một thực tế khác..>> Chi tiết

Tin bài liên quan