Thị trường tài chính 24h: Ngân hàng nhiều triển vọng

Thị trường tài chính 24h: Ngân hàng nhiều triển vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên gần 1.470 điểm; Nhiều ngân hàng dự kiến ghi nhận khoản thu ngoài lãi lớn; VN30 sẽ được định giá lại; Rầm rộ mua bán trái phiếu doanh nghiệp; Người dân, doanh nghiệp Mỹ ảnh hưởng ra sao sau quyết định tăng lãi suất của Fed?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 18/3 tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 67,80 – 68,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 15,2 USD/ounce lên 1.942,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lùi về 1.935 USD/ounce và gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 98,23 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.142 đồng/USD, giảm 25 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.720 – 23.000 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 41.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã có chững lại và giảm nhẹ về gần 40.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,51 USD (+1,47%), lên 104,49 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,41 USD (+2,26%), lên 109,05 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lên gần 1.470 điểm

Thị trường đã có phiên sáng khá tích cực với thanh khoản cải thiện, nhóm bluechip có những tín hiệu tích cực cùng sự trở lại của các nhóm ngành như thép, dầu khí, phân bón…, đã giúp VN-Index vượt ngưỡng 1.470 điểm.

Bước sang phiên chiều, đà tăng duy trì khá ổn định nhờ dòng tiền tham gia sôi động. Tiếc rằng áp lực bán gia tăng trong đợt khớp lệnh ATC đã khiến VN-Index không giữ được mức giá cao nhất trong ngày.

Trong bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, nhóm cổ phiếu thép vẫn tăng tốt nhất, với HSG +3,3%, HPG +1,2%.

Trong nhóm phân bón, DCM và DPM cùng tăng hơn 3%, BFC tăng hơn 4%, VAF tăng 3,75%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu FLC 2,6% và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 42,76 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,53 triệu đơn vị, với tổng giá trị là bán ròng 174,91 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/3: VN-Index tăng 7,76 điểm (+0,53%), lên 1.469,1 điểm; HNX-Index tăng 5,04 điểm (+1,13%) lên 451,21 điểm; UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,09%) lên 116,04 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng trong phiên ngày thứ Năm (17/3), nhờ tâm lý giới đầu tư bớt lo ngại về việc Nga vỡ nợ trái phiếu và đàm phán với Ukraine vẫn đang diễn ra cũng góp thêm phần tích cực đến thị trường.

Các nhà đầu tư đã yên tâm rằng Nga có thể, ít nhất là bây giờ, đã ngăn chặn điều mà lẽ ra là lần vỡ nợ trái phiếu nước ngoài đầu tiên trong một thế kỷ. Điều này là do các chủ nợ đã nhận được khoản thanh toán bằng USD tiền lãi đáo hạn ngày 16/3 từ Nga.

Chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đã ghi nhận mức tăng trong 3 phiên gần đây lớn nhất kể từ đầu tháng 11/2020, nhờ giới đầu tư săn hàng giá rẻ sau hơn hơn 2 tuần thị trường bị bán tháo do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Dow Jones tăng 417,66 điểm (+1,23%), lên 34.480,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 53,81 điểm (+1,23%), lên 4.411,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 178,23 điểm (+1,33%), lên 13.614,78 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản thêm một phiên tăng điểm và ghi nhận tuần khởi sắc nhất trong gần hai năm qua.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,65% lên 26.827,43 điểm và tăng 6,62% trong tuần, mức tăng tốt nhất trong một tuần kể từ tháng 5/2020.

Chỉ số Topix tăng 0,54% lên 1.909,27 điểm và tăng 6,1% trong tuần, mức tăng lớn nhất kể từ đầu tháng 4/2020.

Phiên này, cổ phiếu nghệ SoftBank Group dẫn đầu mức tăng trên Nikkei 225, tăng 3,68%, tiếp theo là Tokyo Electron, tăng 0,85% và Uniqlo Fast Retailing, tăng 0,5%.

Toshiba Corp đã tăng 1,15% sau khi một giám đốc độc lập cho biết ông sẽ ủng hộ đề xuất của cổ đông tại cuộc họp bất thường vào tuần tới, có thể mở đường cho việc mua lại tập đoàn.

Toyota Motor đã giảm 0,79% khi nhà sản xuất ô tô cho biết họ sẽ cắt giảm mục tiêu sản xuất toàn cầu trong tháng 4 xuống còn 750.000 xe, giảm 150.000 so với kế hoạch trước đó do thiếu hụt chất bán dẫn.

Chứng khoán Trung Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp, với các nhà phát triển bất động sản dẫn đầu, nhờ kỳ vọng nới lỏng tín dụng, sau khi quan chức cấp cao của nước này đảm bảo sự ổn định nền kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,12% lên 3.251,07 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,67% lên 4.265,90 điểm.

Trung Quốc khiến thị trường bất ngờ khi giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn trong tuần này, trong khi các nhà đầu tư đã kỳ vọng vào các động thái nới lỏng hơn, bao gồm cả việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng.

Sự đảm bảo của Phó thủ tướng Lưu Hạc hứa hẹn sự ổn định cho nền kinh tế trong ngày trước đó tiếp tục giúp thị trường tăng mạnh, đưa chỉ số CSI 300 bluechip tăng hơn 7% trong ba phiên liên tiếp.

Dẫn đầu mức tăng là chỉ số ngành bất động sản, tăng 6,66% do kỳ vọng tín dụng dễ dàng hơn để giảm bớt tình trạng khó khăn về thanh khoản của ngành.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, nhưng ghi nhận tuần có hiệu suất tốt nhất trong sáu tuần qua.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,41% xuống 21.412,40 điểm, và tăng 4,18% trong tuần, mức tốt nhất trong 6 tuần qua. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,56% xuống 7.366,42 điểm.

Chỉ số ngành công nghệ đã tăng gần 30% trong hai phiên trước đó đã giảm mạnh 19,2% trong phiên cuối tuần này, khi các nhà đầu tư cảnh giác với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ​​sẽ đưa thông điệp cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, Bắc Kinh sẽ phải trả giá nếu nước này hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, một lời cảnh báo được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa hai quốc gia ngày càng sâu sắc.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng và có tuần tốt nhất trong sáu tuần, khi thị trường dõi theo mức tăng qua đêm trên Phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,46% lên 2.707,02 điểm và tăng 1,72% trong tuần qua, mức cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 2 và phục hồi từ mức giảm 1,92% trước đó tuần.

Trong số cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,70%, nhà sản xuất pin LG Chem tăng 3,94% và Naver đi ngang.

Kết thúc phiên 18/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 174,54 điểm (+0,65%), lên 26.827,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,03 điểm (+1,12%), lên 3.251,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 88,83 điểm (-0,41%), xuống 21.412,40 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 12,51 điểm (+0,46%), lên 2.707,02 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nhiều ngân hàng dự kiến ghi nhận khoản thu ngoài lãi lớn

Tín dụng đang tăng mạnh trở lại và một số ngân hàng dự kiến ghi nhận khoản thu ngoài lãi lớn, nên lợi nhuận năm 2022 có khả năng tăng trưởng cao..>> Chi tiết

- VN30 sẽ được định giá lại

Diễn biến giá giảm rồi lình xình kéo dài của nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 khiến nhà đầu tư nản chí, nhưng đang kỳ vọng năm 2022 có thể VN30 sẽ hấp dẫn trở lại..>> Chi tiết

- Rầm rộ mua bán trái phiếu doanh nghiệp

Vàng lao dốc, thị trường chứng khoán đi xuống khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Người dân, doanh nghiệp Mỹ ảnh hưởng ra sao sau quyết định tăng lãi suất của Fed?

Động thái tăng lãi suất ngày 16/3 của Fed được cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan