Thị trường tài chính 24h: Một đợt thanh lọc thị trường “thảm khốc”

Thị trường tài chính 24h: Một đợt thanh lọc thị trường “thảm khốc”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm tới gần 70 điểm; Áp lực call margin; Thị trường giảm sâu, cơ hội mua cổ phiếu ngành nào?; Hành động trong vòng xoáy thông tin; Đức lún sâu vào nợ nần do các lệnh trừng phạt đối với Nga…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 25/4 giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 69,55 – 70,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ giảm 19,6 USD/ounce xuống 1.932,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp về gần 1.915 USD/ounce và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,55 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.128 đồng/USD, tăng 5 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.840 – 23.120 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 39.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục lùi bước và về gần 38.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 4,59 USD (-4,50%), xuống 97,48 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 4,74 USD (-4,44%), xuống 101,91 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index "mất phanh"

Thị trường đã có chuỗi rớt điểm suốt từ đầu tháng 4 và hôm nay, sau phiên sáng bị “đạp mạnh” đã gần như “đứt cương” trong phiên chiều. Các nhà đầu tư hoặc phải tự chủ động cơ cấu lại danh mục cho đảm bảo ngưỡng an toàn tối thiểu, hoặc bị giải chấp với những lệnh MP quen thuộc để các công ty chứng khoán thu hồi tiền.

Với diễn biến này của thị trường thì câu hỏi “đâu là đáy của VN-Index” sẽ tương ứng với câu trả lời rằng khi “lượng margin” về ngưỡng thấp, còn thấp đến bao nhiêu thì chưa thể biết vì số liệu thống kê margin của thị trường chỉ có tính tương đối.

Hiện chỉ có báo cáo định kỳ của các công ty chứng khoán, còn các khoản vay ngoài, hay được gọi dân dã là “vay từ kho” thì không ai có thể biết chính xác là bao nhiêu.

Một diễn biến khác cũng đáng quan tâm là rất nhiều mã lớn trong tình trạng bí bán tháo, là những mã cơ bản vốn được đánh giá là đã về vùng giá hấp dẫn trong tuần trước, trong khi đó lực cầu bắt đáy xuất hiện rất ít. Tính đến trước phiên giao dịch ATC mới chỉ có gần 20.000 tỷ đồng được khớp lệnh trên sàn HOSE.

Một đợt thanh lọc thị trường, và đáng tiếc phải dùng từ “thảm khốc”, sau cú giảm điểm này sẽ nhiều nhà đầu tư cháy tài khoản và không biết bao giờ mới có thể quay lại thị trường!

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,49 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 250,71 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/4: VN-Index giảm 68,31 điểm (-4,95%), xuống 1.310,92 điểm; HNX-Index giảm 21,61 điểm (-6,02%), xuống 337,51 điểm; UpCoM-Index giảm 4,61 điểm (-4,42%), xuống 99,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall bất ngờ chịu lực bán tháo ồ ạt trong ngày thứ Sáu (22/4), khi giới đầu tư bất an với loạt báo cáo kết quả kinh doanh và khả năng tăng lãi suất mạnh hơn của Fed trong kỳ họp vào đầu tháng 5 tới.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh phiên này gây sững sờ đến từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với HCA Healthcare và Intuitive Surgery, là những cổ phiếu có hoạt động kém nhất trên S&P 500.

Cổ phiếu HCA giảm 21,8% sau khi báo cáo lợi nhuận sụt giảm và triển vọng kết quả kinh doanh cả năm suy giảm. Cổ phiếu các nhà điều hành bệnh viện khác bị ảnh hưởng với Tenet Healthcare, Community Health Systems và Universal Health Services đều giảm từ 14% đến 17,9%.

Ngoài báo cáo kinh doanh, thị trường vẫn chịu áp lực từ Fed. Sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc hội thảo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, việc kiềm chế lạm phát là “hoàn toàn cần thiết” và Fed có thể sẽ nâng lãi suất thêm 0,5% diễn ra vào tháng 5, gấp đôi so với mức tăng tiêu chuẩn 0,25%.

Trong tuần, chỉ số Dow giảm 1,9%, S&P giảm 2,8% và Nasdaq giảm 3,8%.

Kết thúc phiên 22/4, chỉ số Dow Jones giảm 981,36 điểm (-2,82%), xuống 34.811,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 121,88 điểm (-2,77%), xuống 4.271,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 335,36 điểm (-2,55%), xuống 12.839,29 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, khi chịu ảnh hưởng mạnh từ phiên bán tháo trên phố Wall ngày thứ Sáu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,9% xuống 26.590,78 điểm. Chỉ số Topix mất 1,5% xuống 1.876,52 điểm.

Shuji Hosoi, chiến lược gia cấp cao của Daiwa Securities cho biết: “Thị trường Mỹ đã giảm sâu vào thứ Sáu trước những bình luận về việc tăng lãi suất, và thị trường Nhật Bản đã phản ứng thái quá trong ngày hôm nay”.

Các cổ phiếu lớn kéo lùi Nikkei 225 nhiều nhất Fast Retailing giảm 5,27%, SoftBank Group trượt 7,8% và Daikin Industries mất 3,36%.

Cổ phiếu các hãng hàng không giảm 2,65%, trong đó ANA Holdings mất 3,43% sau khi hãng hàng không này dự báo lỗ ròng 145 tỷ yên (1,13 tỷ USD) trong năm tài chính này. Cổ phiếu cùng ngành là Japan Airlines giảm 1,68%.

Cổ phiếu Nissan Motor đã giảm 5,05% sau khi có báo cáo rằng cổ đông hàng đầu của hãng là Renault SA đang tìm cách bán bớt cổ phần.

Chứng khoán Trung Quốc ghi nhận đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ đợt bán tháo gây hoảng loạn do đại dịch Covid-19 gây ra vào tháng 2/2020.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 5,13% xuống 2.928,51 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 4,94% xuống 3.814,91 điểm.

Cả hai chỉ số đã xóa bỏ tất cả các mức tăng kể từ khi Phó Thủ tướng Liu He cam kết hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính vào ngày 16/3.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong một năm so với đồng USD, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi khiến nhà đầu tư lo ngại rằng đồng tiền này có thể giảm nhiều hơn.

Hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, điều này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và đặt ra nghi ngờ liệu Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay hay không.

“Tôi không hề ngạc nhiên và diễn biến hiện giờ phản ánh quan điểm hợp lý rằng thị trường nên lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19, vì rõ ràng điều đó có tác động tới nền kinh tế Trung Quốc. Nó đang tác động tới lợi nhuận tiềm năng của nhiều doanh nghiệp”, Timothy Moe, Chiến lược gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Goldman Sachs cho biết.

Timothy Moe cho biết mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, nhất là chi tiêu cơ sở hạ tầng, nhưng chính sách này không thể thực hiện khi nền kinh tế bị phong tỏa.

“Đó là lý do tại sao thị trường rất tập trung vào các vấn đề ngắn hạn, như Covid”, ông nói trong chương trình “Street Signs Asia” của CNBC.

Hầu hết các lĩnh vực đều giảm, với cổ phiếu tài nguyên, chất bán dẫn và các công ty năng lượng mới giảm hơn 7%.

Cổ phiếu các ngân hàng giảm 4,7% do lãi suất huy động thấp ​​sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, trong khi tâm lý thị trường càng bị giảm sút khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính.

Cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của nước này cho biết cựu chủ tịch của China Merchants Bank, Tian Huiyu, bị “nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng các kỷ luật và luật pháp” và đang bị điều tra, khiến cổ phiếu của ngân hàng này giảm hơn 8%.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất trong sáu tuần, do ảnh hưởng mạnh từ thị trường trong khu vực, đặc biệt là tại Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 3,73% xuống 19.869,34 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 4,13% xuống 6.684,73 điểm.

Các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông mất gần 5% trong khi các nhà phát triển bất động sản Đại lục giao dịch tại thành phố này giảm hơn 2,7%.

Chuỗi lẩu Haidilao International Holding giảm hơn 15% để trở thành mã giảm lớn nhất trong chỉ số chuẩn Hang Seng.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong bảy tuần, do lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn ở Mỹ và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc gây ảnh hưởng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 47,58 điểm, tương đương 1,76% xuống 2.657,13 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 7/3.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ công bố dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội cho quý đầu tiên vào ngày mai, với tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại đáng kể do các hạn chế được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã khiến chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm.

Đáng chú ý trong phiên này là cổ phiếu SK Bioscience đã tăng 6,67% sau khi công ty cho biết kết quả thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của họ cho thấy hiệu quả hơn so với Atrazeneca.

Kết thúc phiên 25/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 514,48 điểm (-1,90%), xuống 26.590,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 158,41 điểm (-5,13%), xuống 2.928,51 điểm. Chỉ số Hang Seng-Index tại Hồng Kông giảm 769,18 điểm (-3,73%), xuống 19.869,34 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 47,58 điểm (-1,76%), xuống 2.657,13 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- 4 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tại TP. HCM đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 7%

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, dự ước đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021..>> Chi tiết

- Áp lực call margin

Các phiên giảm điểm mạnh liên tiếp xảy ra gần đây dẫn tới hiện tượng call margin (lệnh gọi bổ sung ký quỹ) trên diện rộng, làm tăng thêm áp lực bán lên thị trường vốn có trạng thái tâm lý yếu..>> Chi tiết

- Thị trường giảm sâu, cơ hội mua cổ phiếu ngành nào?

Bản chất thị trường đang điều chỉnh theo quy luật tăng mạnh thì chỉnh, hay là “sập”, nếu không “sập” thì đã xuất hiện cơ hội khi thị trường tạo đáy chưa?..>> Chi tiết

- Hành động trong vòng xoáy thông tin

Cổ phiếu tốt, xấu đều giảm mạnh theo đà rơi sâu của thị trường, tuần giao dịch vừa qua khép lại với chuỗi 5 phiên giảm điểm liên tục..>> Chi tiết

- Đức lún sâu vào nợ nần do các lệnh trừng phạt đối với Nga

Đức đang phải đối mặt với hiện tượng giá nhiên liệu và thực phẩm tăng vọt sau khi áp đặt lệnh trừng phạt Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moskva tiến hành nhằm phi quân sự hóa Ukraine..>> Chi tiết

Tin bài liên quan