Thị trường tài chính 24h: Lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tăng thấp trong năm 2023

Thị trường tài chính 24h: Lợi nhuận ngành ngân hàng dự kiến tăng thấp trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm hơn 8 điểm; Lợi nhuận ngân hàng 2023, thách thức ở phía trước; Khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023; Cổ phiếu cao su kỳ vọng Trung Quốc mở cửa; Các chuyến hàng container từ châu Á đến Mỹ sụt giảm mạnh do lạm phát…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 9/2 giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,55 – 67,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 3,1 USD lên 1.875,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục dần và lên gần 1.885 USD/ounce nhưng đảo chiều giảm về gần 1.880 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,98 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.626 đồng/USD, tăng nhẹ 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.390 – 23.730 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 22.900 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm khá mạnh về 22.500 USD trước khi bật lên 22.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,12 USD (+0,15%), lên 78,59 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,11 USD (+0,13%), lên 85,18 USD/thùng.

VN-Index mất hơn 8 điểm

Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm, thị trường phân hóa cao với biên độ dao động các cổ phiếu ở mức thấp, diễn biến này tiếp tục lặp lại. VN-Index giằng co quanh tham chiếu với biên độ khoảng 5 điểm, trước khi bất ngờ có nhịp lao dốc khá mạnh ở phiên ATC do một số bluechip bị đẩy mạnh xuống mức thấp hơn với thanh khoản ở mức thấp.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,59 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị là bán ròng 50,55 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/2: VN-Index giảm 8,19 điểm (-0,76%), xuống 1.064,03 điểm; HNX-Index tăng 0,3 điểm (+0,14%), lên 210,91 điểm; UpCoM-Index tăng 0,82 điểm (+1,07%), lên 77,25 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên thứ Tư (8/2), do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ cũng như sự thận trọng với xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Fed.

Cổ phiếu của Alphabet (Google) đã giảm khoảng gần 8% sau khi chatbot AI mới của họ đưa ra câu trả lời sai trong một quảng cáo trực tuyến. Các tên tuổi lớn khác như Amazon.com giảm hơn 2%, Facebook giảm hơn 4%, Apple và Microsoft cũng kết phiên trong sắc đỏ.

Thêm vào sự thận trọng của thị trường, các quan chức của Fed cho biết khả năng tăng lãi suất nhiều hơn để kiểm soát lạm phát.

Kết thúc phiên 8/2, chỉ số Dow Jones giảm 207,68 điểm (-0,61%), xuống 33.949,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 46,14 điểm (-1,11%), xuống 4.117,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 203,27 điểm (-1,68%), xuống 11.910,52 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, ảnh hưởng bởi đà đi xuống của Phố Wall đêm qua, sau khi các nhà đầu tư đánh giá thận trọng việc lãi suất cao của Mỹ sẽ tồn tại trong một thời gian dài.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,08% xuống 27.584,35 điểm. Chỉ số Topix nhích 0,05% lên 1.985,00 điểm.

Sự sụt giảm của nhóm công nghiệp trên Phố Wall đêm qua đã tác động đến nhóm cổ phiếu liên quan đến chip của Nhật Bản, với Tokyo Electron giảm 2,14% và lấy đi 34 điểm khỏi Nikkei 225, và trở thành lực cản lớn nhất. Nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest đứng tiếp theo, trừ 8,2 điểm chỉ số với mức trượt 1,18%.

"Thị trường đang chuyển sang quan điểm rằng Fed sẽ không nới lỏng tiền tệ trong năm nay và một số người từng nghĩ rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh vào tháng 3, giờ đây lại nghĩ rằng có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất khác sau đó”, Kazuo Kamitani một chiến lược gia tại Nomura ở Tokyo cho biết.

Bên cạnh đó, mùa báo cáo thu nhập chứng kiến ​​sự pha trộn giữa người thắng và người thua lớn, với nhà sản xuất vật liệu Teijin và Pacific Metals đã công bố mức tăng khoảng 6% sau khi thu nhập hàng quý khả quan, trong khi Fujifilm giảm 2,38%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng khi các nhà đầu tư vẫn lạc quan về sự phục hồi kinh tế của nước này, sau khi một cuộc thăm dò cho thấy các khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ do các ngân hàng Trung Quốc gia hạn có thể đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 1.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,18% lên 3.270,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,34% lên 4.130,86 điểm.

Các khoản cho vay bằng nhân dân tệ do các ngân hàng Trung Quốc gia hạn dự kiến ​​sẽ tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 1, khi ngân hàng trung ương chuyển sang thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.

Chỉ số phụ theo dõi ngành rượu của Trung Quốc tăng 3,13%, sau khi Bloomberg đưa tin rằng nhà sản xuất rượu trắng Trung Quốc Guizhou Guotai Liquor đang tìm cách huy động 500 triệu USD trong đợt IPO tại Hồng Kông.

Nhà sản xuất rượu Wuliangyi Yibin tăng 3,93% tại Thâm Quyến, trong khi Kweichow Maotai tăng 1,91% tại Thượng Hải.

Sự phục hồi trong hoạt động do tiêu dùng dẫn đầu sẽ hình thành từ quý đầu tiên trở đi, theo một báo cáo từ UBP, cơ quan đã điều chỉnh dự báo GDP năm 2023 từ 5,2% trước đó lên 6%.

Chứng khóa Hồng Kông tăng trở lại nhờ cổ phiếu Xiaomi, nhưng cổ phiếu Baidu tiếp tục suy yếu đã hạn chế đà đi lên của thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,6% lên 21.624,36 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,73% lên 7.313,73 điểm.

Phiên này, mức tăng 8,51% của Xiaomi dẫn đầu trên chỉ số Hang Seng.Nhưng giới hạn đà tăng là Baidu, công ty có cổ phiếu tại Hồng Kông đã giảm hơn 3% trong ngày thứ hai liên tiếp sau khi tăng 15% vào thứ Ba do tin tức về chatbot AI giống ChatGPT của công ty có tên là Ernie Bot.

Phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc Thời báo Chứng khoán đã đăng một bài xã luận trên trang nhất hôm thứ Ba, cảnh báo về những rủi ro khi đầu cơ vào các cổ phiếu dựa trên sự cường điệu của ChatGPT gần đây.

Chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi, bù lại phần lớn khoản lỗ ban đầu khi các nhà sản xuất pin hạng nặng có chỉ số tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 2,12 điểm, tương đương 0,09% xuống 2.481,52 điểm.

Nhà phân tích Seo Sang-young của Mirae Asset Securities cho biết: “Tâm trạng thị trường chờ xem đang bên nào chiếm ưu thế khi các nhà đầu tư giờ tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ vào tuần tới,” nhà phân tích Seo Sang-young của Mirae Asset Securities cho biết.

Các nhà sản xuất pin phiên này là lực đỡ lớn nhất cho chỉ số, với nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,73%, trong khi công ty mẹ LG Chem tăng 1,19%. Các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt tăng 1,10% và 2,24%.

Kết thúc phiên 9/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 22,11 điểm (-0,08%), xuống 27.584,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,28 điểm (+1,18%), lên 3.270,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 340,84 điểm (+1,60%), lên 21.624,36 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 86,26 điểm (+3,60%), lên 2.481,52 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng 2023, thách thức ở phía trước

Tuy có khó khăn nhất định về “room” tín dụng hạn chế và chi phí đầu vào tăng theo lãi suất tiền gửi, song nhiều ngân hàng thực hiện vượt chỉ tiêu kinh doanh năm 2022..>> Chi tiết

- Khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023

Theo dữ liệu do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 31/01/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu nào được thực hiện trong năm 2023..>> Chi tiết

- Cổ phiếu cao su kỳ vọng Trung Quốc mở cửa

Ngành cao su được đánh giá sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa sau thời gian dài thực hiện chính sách zero Covid, bởi đây là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam..>> Chi tiết

- Các chuyến hàng container từ châu Á đến Mỹ sụt giảm mạnh do lạm phát

Các chuyến vận chuyển hàng hóa đường biển từ châu Á đến Mỹ đã giảm mạnh vào cuối năm ngoái do lạm phát cao kéo dài làm giảm chi tiêu của các gia đình Mỹ cho đồ nội thất và đồ chơi..>> Chi tiết

Tin bài liên quan