Thị trường tài chính 24h: Lãi vay được nhận định sẽ duy trì mức hợp lý trong nửa cuối năm

Thị trường tài chính 24h: Lãi vay được nhận định sẽ duy trì mức hợp lý trong nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên trên 1.290 điểm; Mặt bằng lãi vay sẽ duy trì mức thấp; Chưa đáng lo ngại về vốn ngoại; Lãi suất thấp, chứng khoán - địa ốc hút tiền; Đại hội bất thành, đầu ngành cũng “vướng”!...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 9/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm mạnh 32,4 USD xuống 2.359,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục nhẹ và lên gần 2.365 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,03 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.242 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.234 – 25.454 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 57.100 USD xuống 55.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục dần và lên 57.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,62 USD (-0,75%), xuống 81,71 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,58 USD (-0,68%), xuống 85,20 USD/thùng.

VN-Index lên trên 1.290 điểm

Sau phiên sáng nỗ lực giành lấy mốc 1.290 điểm, thị trường bước vào phiên chiều diễn biến tích cực hơn, khi sắc xanh tiếp tục mở rộng trên bảng điện tử và thanh khoản cải thiện đáng kể.

Tuy vậy, đà tăng ở nhóm bluechip chưa thực sự vượt trội khiến VN-Index chỉ giằng co nhẹ ở trên vùng điểm 1.290 cho đến khi đóng cửa. Điểm tích cực là dòng tiền có phần lan tỏa tốt hơn đến nhiều nhóm ngành như điện, hóa chất, nông nghiệp, thủy sản, công ty chứng khoán…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 11,83 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị vẫn là bán ròng 447,54 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/7: VN-Index 10,15 điểm (+0,79%), lên 1.293,71 điểm; HNX-Index tăng 2,51 điểm (+1,03%), lên 245,66 điểm; UpCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,68%), lên 99,25 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tiếp tục phân hóa nhẹ trong phiên thứ Hai (8/7), khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát tháng 6 để tìm kiếm manh mối về khả năng Fed cắt giảm lãi suất.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ, sẽ công bố vào thứ Năm và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày 12/7.

Theo công cụ CME FedWatch, nhà đầu tư hiện dự báo có 2 đợt hạ lãi suất trong năm 2024, với lần cắt giảm đầu tiên vào tháng 9.

Kết thúc phiên 8/7: Chỉ số Dow Jones giảm 31,08 điểm (-0,08%), xuống 39.344,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,66 điểm (+0,10%), lên 5.572,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 50,98 điểm (+0,28%), lên 18.403,74 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, với các cổ phiếu liên quan đến chip theo chân các công ty cùng ngành trên Phố Wall đêm qua khởi sắc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,96% lên 41.580,17 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,97% lên 2.895,55 điểm.

Nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 3,77% và đóng vai trò hỗ trợ lớn nhất cho Nikke 225. Theo sau là cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 4,14%.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng có phần thận trọng về tác động có thể có của đợt tái cơ cấu của các quỹ hoán đổi vào thứ Tư, một động thái phân phối mà những người chơi trên thị trường ước tính trị giá khoảng 750 tỷ yên (4,66 tỷ USD), Masuzawa của Phillip Securities Japan cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ khi các nhà đầu tư kỳ vọng cao các biện pháp kích thích kinh tế mới trong cuộc họp quan trọng của đảng cầm quyền nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,26% lên 2.959,37 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,12% lên 3.439,81 điểm.

Chỉ số công nghệ thông tin tăng vọt 3,7%, dẫn đầu mức tăng trong những nhóm ngành chính.

Chứng khoán Hồng Kông trầm lắng trước khi báo cáo lạm phát của Trung Quốc công bố.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm không đáng kể xuống 17.523,23 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,14% xuống 6.275,64 điểm.

Theo ước tính của các nhà kinh tế được Bloomberg theo dò, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc có thể đã giảm 0,8% trong tháng 6, đánh dấu tháng giảm thứ 21 liên tiếp.

Trong khi đó, giá tiêu dùng có thể đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 6, tăng tốc từ mức tăng 0,3% của tháng trước. Cục thống kê Trung Quốc sẽ công bố các báo cáo chính thức trên vào thứ Tư.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, cũng nhờ ảnh hưởng tích cực của phiên đêm qua của các cổ phiếu công nghệ trên phố Wall đêm qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 9,62 điểm, tương đương 0,34% lên 2.867,38 điểm.

Các cổ phiếu công nghệ như Samsung Electronics tăng 0,46% và SK hynix tăng 2,14%. LG Energy Solution tăng 1,216% và Samsung SDI tăng 0,26%.

Thông tin khác nhận được sự quan tâm là Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách giữ ở mức cao nhất trong 15 năm là 3,5% vào thứ Năm cho đến hết quý III/2024, trước khi cắt giảm 0,25% trong quý cuối cùng của năm 2024.

Kết thúc phiên 9/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 799,47 điểm (+1,96%), lên 41.580,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 36,92 điểm (+1,26%), lên 2.959,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 0,83 điểm (-0,00%), xuống 17.523,23 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 9,62 điểm (+0,34%), lên 2.867,38 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Mặt bằng lãi vay sẽ duy trì mức thấp

Lãi suất huy động đang được các nhà băng nâng lên, song lãi vay được nhận định sẽ duy trì mức hợp lý trong nửa cuối năm để kích cầu tín dụng..>> Chi tiết

- Lãi suất thấp, chứng khoán - địa ốc hút tiền

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng song vẫn ở mức thấp nên một phần nguồn tiền nhàn rỗi dần tìm đến các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản…>> Chi tiết

- Chưa đáng lo ngại về vốn ngoại

Đà bán ròng của khối ngoại tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, tập trung ở nhiều mã blue-chip, gây áp lực cho không ít nhà đầu tư, nhưng ở góc độ cơ quan quản lý, câu chuyện bán ròng, rút vốn của khối ngoại chưa phải hiện tượng đáng lo ngại..>> Chi tiết

- Đại hội bất thành, đầu ngành cũng “vướng”!

Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử, có những doanh nghiệp lớn, đầu ngành trong đa dạng lĩnh vực như chứng khoán, phát triển cảng, xây dựng cơ sở hạ tầng không thể tổ chức đại hội cổ đông trong lần triệu tập đầu tiên..>> Chi tiết

Tin bài liên quan