Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Thị trường tài chính 24h: Kỳ vọng vào “cổ phiếu vua“

(ĐTCK) VN-Index xuống dưới 950 điểm; Sửa quy định cho vay bất động sản để “nắn” việc mất cân đối nguồn cung; Kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng; Nhà đầu tư tổ chức tăng cường giao dịch phái sinh; Tiền margin “nằm im” trong công ty chứng khoán?; Chứng khoán châu Á giao dịch thận trọng;  Kinh tế Trung Quốc suy thoái, tăng trưởng công nghiệp tệ nhất 17 năm qua...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

VN-Index giảm điểm trở lại

Trong phiên sáng, sau ít phút le lói sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, VN-Index nhanh chóng đảo chiều xuống sát 945 điểm do áp lực bán gia tăng trước khi nẩy nhẹ trở lại cuối phiên.

Bước vào phiên chiều, áp lực bán gia tăng đẩy VN-Index xuyên thủng ngưỡng 945 điểm. Dù vậy, lực cầu bắt đáy hoạt động giúp hãm đà rơi của VN-Index, nhưng không đủ sức kéo chỉ số trở lại mốc hỗ trợ 950 khi đóng cửa.

Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ còn CTG tăng 0,74%, còn lại 6 mã giảm giá, 3 mã đứng giá.

VIC -0,87%, VHM -2,37%, GAS -0,1%, BID -0,16%, VRE -2,58%, MSN -0,83%

Bluechips còn nhiều mã giảm khác TCB -1,89%, VJC -1,48%, HPG -2,18%, HVN -1,29%, NVL -2,69%, MWG -1,46%, TPB -1,61%, STB -1,72%, ROS -1,79%, PNJ -2,7%, DHG -2,16%. Tuy nhiên, cũng có một số mã tăng tốt như POW +2,24%, EIB +1,92%....

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, sắc xanh uất hiện tại HQC, HTT, TSC, CLG, PXT, HVX, KMR, SJF, JVC, FIT, OGC, HAR, PIT, CCL, PXS.

Tuy nhiên, các mã tăng nóng tuần trước đều hạ nhiệt như HAI, DLG, AMD, KSH…

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 2,38 triệu đơn vị,  giá trị mua ròng 116,48 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/6: VN-Index giảm 6,66 điểm (-0,70%), xuống 946,95 điểm; HNX-Index tăng 0,04 điểm (+0,04%), lên 103,5 điểm; UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,14%), xuống 54,97 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Cổ phiếu của Broadcom Inc đã giảm 5,6% sau khi cắt giảm dự báo doanh thu 2 tỷ USD năm 2019, đổ lỗi cho cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung và lệnh cấm làm ăn với Huawei của Mỹ.

Không chỉ cổ phiếu của Broadcom, nhóm cổ phiếu chíp khác cũng đồng loạt giảm mạnh khi báo cáo trên đã làm nhà đầu tư choáng váng.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu sản xuất chíp khiến phố Wall quay đầu giảm trong phiên cuối tuần, dù có sự trở lại của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu tăng.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi cuộc họp trong tuần tới của Fed. Thị trường đặt kỳ vọng lớn vào khả năng Fed giảm lãi suất sau hàng loạt dữ liệu yếu kém được công bố, nhưng nếu Fed không ra quyết định như kỳ vọng trong cuộc họp vào tuần tới, sự thất vọng sẽ lan rộng trên các thị trường.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,41%, chỉ số S&P 500 tăng 0,47% và chỉ số Nasdaq tăng 0,70%. Như vậy, phố Wall đã có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Dow Jones giảm 17,16 điểm (-0,27%), xuống 26.089,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,66 điểm (-0,16%), xuống 2.886,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 40,47 điểm (-0,52%), xuống 7.796,66 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản chật vật và chỉ có được mức tăng thấp ngày đầu tuần, bởi sự thận trọng dâng cao do những bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu, xung đột thương mại và cuộc họp của Fed đến gần khiến nhiều nhà đầu tư đứng ngoài cuộc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,03% lên  21.124,00 điểm.

Nhưng Topix giảm 0,45% xuống còn 1.539,74 điểm, với giá trị giao dịch giảm xuống 1,65 nghìn tỷ yên, bằng trung bình 30% các phiên gần nhất.

Các nhà đầu tư vẫn không chắc chắn làm thế nào Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết tranh chấp về thuế quan và công nghệ, và nghi ngờ khả năng ông Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vào tuần tới.

Hiện tại, thông tin được trông chờ nhất là cuộc họp 2 ngày tới đây của Fed, và nhiều khả năng sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đồng USD đầu tiên. Điều đó có thể khiến đồng yên tăng giá so với đồng USD, gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư đã tìm đến cổ phiếu tiêu dùng, có phần lớn thị trường là nội địa, như Morinaga Milk tăng 13,5%, và Rakuten tăng 4,2% lên mức cao nhất trong 21 tháng.

Ngược lại, nhiều cổ phiếu công nghệ tiếp tục phải đối mặt với áp lực bán mạnh với Keyence giảm 1,5% trong khi Tokyo Electron giảm 2,4%, Nidec 2,2% và Shin-Estu Chemical 1,3%.

Japan Display đã giảm 7% sau khi cho biết, đã nhận được thông báo từ TPK Holding Co Ltd rằng họ sẽ quyết định không đầu tư vào Công ty

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, nhưng giao dịch vẫn thấp khi các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu từ cuộc gặp bên lề giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị G20 vào cuối tháng này. 

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,2% lên 2.887,62 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip gần như không đổi ở mức 3.654,82 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 0,4%, ngành tiêu dùng mất 1%, bất động sản giảm 0,3% và y tế tăng 0,4%. 

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết giai đoạn thứ hai của việc cắt giảm tỷ lệ yêu cầu dự trữ đã giải phóng khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (14,44 tỷ USD) các khoản vay dài hạn.

Hôm nay, PBOC đã bơm 150 tỷ nhân dân tệ thông qua các Repo đảo ngược 14 ngày.

Giao dịch khá ảm đạm, với chỉ 15,4 tỷ cổ phiếu được giao dịch, mức thấp nhất kể từ ngày 1/2.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhưng giao dịch cũng chỉ ở mức thấp trước những chờ đợi về cuộc họp thường kỳ của Fed.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,4% leen 27.227,16 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises gần 0,1% lên 10.428,52 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng tăng 0,7%, ngành CNTT giảm 0,3%, tài chính tăng 0,7% và bất động tăng 0,3%.

Giao dịch thưa thớt trước cuộc họp của Fed với khoảng 1,53 tỷ cổ phiếu được sang tay, mức thấp nhất kể từ ngày 27/5.

Phiên hôm nay, cổ phiếu tăng cao nhất Wharf Real Estate Investment Co Ltd, tăng gần 3%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Country Garden Holdings Co Ltd, giảm 2,1%.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,22% xuống 2.090,73 điểm, và cũng chỉ có thanh khoản thấp, trong bối cảnh giới đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed.

Kết thúc phiên 17/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 7,11 điểm (+0,03%), lên 21.124,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,65 điểm (+0,20%), lên 2.888,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 108,81 điểm (+0,40%), lên 27.227,16 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm về cuối ngày. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.415 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 37,30 - 37,52 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 23.069 đồng/USD, tăng 10 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.295 - 23.415 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Sửa quy định cho vay bất động sản để “nắn” việc mất cân đối nguồn cung

Đó là một trong những điểm nhấn được ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại buổi họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua..>> Chi tiết

Kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng

Trong bối cảnh nhóm bất động sản đang rơi vào trạng thái kém tích cực, nhóm thực phẩm - đồ uống chưa đủ lực để trở thành nền tảng, thì nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền, tạo bệ đỡ cho thị trường chung..>> Chi tiết

Nhà đầu tư tổ chức tăng cường giao dịch phái sinh

Trong tháng 5/2019, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) trên thị trường chứng khoán phái sinh gấp 3,6 lần tháng 3 và gấp gần 7 lần so với tháng 1..>> Chi tiết

Tiền margin “nằm im” trong công ty chứng khoán?

Tại Việt Nam, hiện không đủ số liệu thống kê và không có định nghĩa chính thức thế nào là nhà đầu tư cá nhân lớn hay nhỏ, ít giao dịch hay nhiều giao dịch để nhìn rõ hướng chảy của dòng tiền margin hiện tại..>> Chi tiết

Giá xăng tiếp tục giảm 1.000 đồng/lít

Mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm tối đa 986 đồng, xăng RON 95 giảm 1.085 đồng; các mặt hàng dầu cũng giảm 239 - 737 đồng/lít, kg..>> Chi tiết

Kinh tế Trung Quốc suy thoái, tăng trưởng công nghiệp tệ nhất 17 năm qua

Nền kinh tế công nghiệp Trung Quốc tiếp tục chùng xuống vào tháng 5 khi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, dữ liệu được công bố mới đây cho biết..>> Chi tiết 

Tin bài liên quan