Thị trường tài chính 24h: Khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng

Thị trường tài chính 24h: Khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tiếp tục tăng tích cực; Nợ xấu vẫn là thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng; USD hạ nhiệt làm tăng cơ hội đầu tư; Lô B - Ô Môn sẽ "làm nóng" nhóm cổ phiếu nào?; Giá năng lượng âm đang trở nên phổ biến hơn ở châu Âu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 21/8 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 9,8 USD lên 2.514,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giảm về dưới mốc 2.505 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,55 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.246 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.760 – 25.100 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 58.800 lên 58.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã nhích lên và vượt 59.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,17 USD (+0,23%), lên 73,34 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,29 USD (+0,38%), lên 77,49 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.280 điểm

Áp lực chốt lời xuất hiện từ sớm khiến thị trường gặp rung lắc với biên độ hẹp trong suốt cả phiên sáng.

Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, bên mua đã tự tin xuống tiền, giúp nhiều mã quay đầu tăng giá hoặc nới rộng đà tăng, qua đó kéo VN-Index bứt tốc nhẹ nhàng chinh phục mốc 1.280 điểm, vượt hẳn lên trên dải bollinger, vốn đang mở rộng, báo hiệu một đợt biến động mạnh của thị trường sắp diễn ra.

Kết thúc phiên giao dịch 21/8: VN-Index tăng 11,50 điểm (+0,90%), lên 1.284,05 điểm; HNX-Index tăng 1,11 điểm (+0,47%), lên 238,42 điểm; UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,4%), lên 94,48 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên thứ Ba (20/8) sau chuỗi hồi phục liên tiếp trước đó, trong khi giới đầu tư cũng thận trọng chuyển hướng theo dõi sang Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole, dự kiến diễn ra vào thứ Năm.

Ngày thứ Năm sẽ là tâm điểm khi đại diện từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ hội tụ tại Jackson Hole trong Hội nghị chuyên đề kinh tế hàng năm. Tại đây, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 20/8: Chỉ số Dow Jones giảm 61,56 điểm (-0,15%), xuống 40.834,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,13 điểm (-0,20%), xuống 5.597,12 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 59,83 điểm (-0,33%), xuống 17.816,94 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi đồng yên tăng trong phiên đêm qua đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, trong khi các nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng trước khi Mỹ công bố dữ liệu việc được điều chỉnh.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,29% xuống 37.951,80 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,21% xuống 2.664,86 điểm.

Các sửa đổi đối với dữ liệu việc làm của Mỹ trong 12 tháng tính đến tháng Ba, dự kiến vào cuối ngày thứ Tư đang khiến nhà đầu tư thận trọng, bởi chính dữ liệu việc làm tháng 7 đã khiến thị trường có đợt điều chỉnh rất mạnh vào đầu tháng 8.

Trong khi đó, giới đầu tư cũng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole vào thứ Sáu.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi tâm lý nhà đầu tư vẫn ở mức thấp do triển vọng kinh tế mờ nhạt, trong khi một số quỹ đầu tư tiếp tục rút dòng vốn ra khỏi thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,35% xuống 2.856,58 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,33% xuống 3.321,64 điểm.

Quỹ phòng hộ Strategic Vision Investment (SVI) có trụ sở tại Hồng Kông đã thu hẹp quy mô đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc. Quỹ phòng hộ này cho rằng, chiến lược đầu tư dài hạn của họ đối với chứng khoán Trung Quốc sẽ không mang lại lợi nhuận đủ tốt.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài đang bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc bởi mùa báo cáo kết quả kinh doanh ảm đạm và triển vọng nền kinh tế yếu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,82% xuống 17.368,219 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,00% xuống 6.133,68 điểm.

Chỉ số công nghệ giảm 2,3%, với cổ phiếu JD.com giảm hơn 8,7%, sau khi có tin Walmart có kế hoạch bán toàn bộ hơn 114,5 triệu cổ phiếu JD.com trên Phố Wall để thu về hơn 3,7 tỷ USD, Bloomberg đưa tin hôm thứ Tư.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều tăng điểm nhẹ về cuối phiên, khi một số các cổ phiếu lớn nhích lên.

Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 4,5 điểm, tương đương 0,17% lên 2.710,13 điểm.

Trong khi đó, con mắt của các nhà đầu tư cũng đổ dồn vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp Jackson Hole sắp tới.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong các mã lớn là nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 5% và nhà sản xuất hóa chất LG Chem tăng 2,2%.

Cổ phiếu các công ty dược phẩm sinh học cũng tích cực với Samsung Biologics và Celltrion cũng tăng lần lượt 4,5% và 1,83%.

Kết thúc phiên 21/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 111,12 điểm (-0,29%), xuống 37.951,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,08 điểm (-0,35%), xuống 2.856,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 120,07 điểm (-0,69%), xuống 17.391,01 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,50 điểm (+0,17%), lên 2.701,13 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nợ xấu vẫn là thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng

Nợ xấu của phần lớn các ngân hàng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024. Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng nợ xấu tới hai con số. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều theo chiều hướng đi xuống trong nửa đầu năm..>> Chi tiết

- USD hạ nhiệt làm tăng cơ hội đầu tư

Diễn biến điều chỉnh của đồng USD trong một tháng gần đây cùng với triển vọng tỷ giá cũng như các yếu tố vĩ mô ổn định hơn được nhận định sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng..>> Chi tiết

- Thu hút vốn ngoại vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Thiếu cả hàng hóa lẫn cơ chế

Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang ảm đạm, khi nhà đầu tư cá nhân sụt giảm mạnh, trong khi nhà đầu tư tổ chức quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có ngân hàng, công ty chứng khoán..>> Chi tiết

- Lô B - Ô Môn sẽ "làm nóng" nhóm cổ phiếu nào?

Tín hiệu tích cực hơn từ đại dự án Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ giúp nhóm cổ phiếu thượng nguồn dầu khí đang trong giai đoạn điều chỉnh sớm có “sóng” trở lại..>> Chi tiết

- Giá năng lượng âm đang trở nên phổ biến hơn ở châu Âu

Giá năng lượng của châu Âu đang giao dịch ở mức âm với tần suất ngày càng tăng do sản lượng điện gió và điện mặt trời trong khu vực cùng tăng mạnh..>> Chi tiết

Tin bài liên quan