Thị trường tài chính 24h: Giai đoạn tốt để đầu tư chứng khoán dài hạn

Thị trường tài chính 24h: Giai đoạn tốt để đầu tư chứng khoán dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích lên trên 1.170 điểm; Lãi suất trước áp lực tăng; Doanh nghiệp thủy điện: Tốt lỏi; Chuyên gia SSI: “Đây là giai đoạn rất tốt để tích lũy”; Đầu tư theo kết quả kinh doanh quý II; Phương Tây bị 'bất ngờ' trên mặt trận khí đốt với Nga… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi sáng nay tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này (8/7), giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 68,00 – 68,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 1,1 USD lên mức 1.739,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,34 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.177 đồng/USD, giảm 1 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.220 – 23.500 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua nhích lên 21.600 USD, thì sang phiên hôm nay có thời điểm vượt 22.000 USD trước khi về lại vùng 21.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,17 USD (-0,17%), xuống 102,56 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,11 USD (+0,10%), lên 104,75 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index nhích nhẹ

Sau nửa đầu phiên sáng tăng khá tốt, thị trường đã đuối sức về cuối phiên do sức ép đến từ nhóm bluechip.

Bước sang phiên chiều, VN-Index chỉ chớm vượt ngưỡng 1.170 điểm rồi nhanh chóng giật lùi do áp lực bán gia tăng và xuống dưới tham chiếu, trước khi nhích nhẹ trong những phút cuối.

Phiên này, nhóm bất động sản vừa và nhỏ, cùng nhóm chứng khoán tiếp tục tăng mạnh mẽ, là điểm nhấn của thị trường.

Ở nhóm công ty chứng khoán với SSI tăng kịch trần, CTS +6,2%, BSI +5%, VIX +4,5%, VCI +3,9%, HCM, TVB và VDS cùng t+3,8%, VND +3,7%...

Nhóm cổ phiếu bất động sản với sắc tím nở rộ tại HDC, NBB, SCR, VCG, FCN, VPH, DXG, BCG, TCH, DIG.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 20,37 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 426,87 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/7: VN-Index tăng 4,83 điểm (+0,41%), lên 1.171,31 điểm; HNX-Index tăng 5,94 điểm (+2,19%), lên 277,8 điểm; UpCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,67%), lên 86,96 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc tăng trong phiên ngày thứ Năm (6/7), khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với giọng điệu ôn hòa hơn từ quan chức của Fed về lãi suất.

Biên bản từ cuộc họp chính sách tháng 6 của Fed cho thấy, cơ quan này sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tháng 7 này và phát đi thông điệp kiên quyết về ý định kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, các quan chức Fed thừa nhận rủi ro tăng lãi suất có tác động "lớn hơn dự đoán" đối với tăng trưởng kinh tế và đánh giá rằng mức tăng 0,5% thể sẽ phù hợp hơn tại cuộc họp chính sách vào tháng 7.

Giọng điệu ít diều hâu hơn đã được lặp lại trong các bình luận từ Thống đốc Fed Christopher Waller vào thứ Năm. Khi kêu gọi những lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ bị thổi phồng quá mức.

Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Dow Jones tăng 364,87 điểm (+1,12%), lên 31.384,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 57,54 điểm (+1,50%), lên 3.902,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 259,49 điểm (+2,28%), lên 11.621,35 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã thu hẹp đáng kể đà tăng sau khi có tin cựu thủ tướng Shinzo Abe bị bắn khi đang vận động bầu cử quốc hội.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,1% lên 26.517,19 điểm, sau khi có thời điểm tăng 1,4%. Chỉ số Topix chỉ còn nhích 0,27% lên 1.887,43 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 đã tăng 2,24% và Topix 2,3%.

Jun Morita, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chibagin Asset Management cho biết: “Chắc hẳn có nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc Nikkei 225 thu hẹp đà tăng ngày hôm nay, nhưng ‘tai nạn’ đối với ông Shinzo Abe là một trong số đó, vì tôi tin rằng ông ấy vẫn có ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và tiền tệ của Nhật Bản”.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nổi tiếng với chính sách "Abenomics" đặc trưng của mình, là nới lỏng tiền tệ và chi tiêu tài chính táo bạo, dường như đã bị bắn từ phía sau bởi một người đàn ông bằng súng tự chế.

Phiên này cổ phiếu liên quan đến chip lớn đều nhích lên với với Tokyo Electron tăng 1,7% và Advantest tăng 1,82%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu các nhà sản xuất kim loại màu tăng 2,43%, sau khi Reuters đưa tin rằng Trung Quốc sẽ thành lập quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng nhà nước trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (74,69 tỷ USD) để thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi giới đầu tư vẫn đang thận trọng với đợt bùng phát dịch Covid-19 tiềm tàng trên diện rộng.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,25% xuống 3.356,08 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,33% xuống 4.428,78 điểm.

Morgan Stanley cho biết trong một lưu ý rằng “Tâm lý đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm đáng kể trong tuần qua. Các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với các đợt bùng phát Covid-19 trong nước, vì nền kinh tế vẫn đang ở giai đoạn đầu của quỹ đạo phục hồi gập ghềnh”.

Thị trường Trung Quốc đã tăng tích cực trong phiên trước, sau khi Bloomberg đưa tin, Bộ Tài chính Trung Quốc đang xem xét cho phép các chính quyền địa phương bán 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (220 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt trong nửa cuối năm nay để tăng cường tài trợ cho cơ sở hạ tầng.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên, mặc dù cũng như thị trường Đại lục khi giới đầu tư vẫn thận trọng trước đợt bùng phát Covid-19 mới trên khắp Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,38% lên 21.725,7 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,17% lên 7.551,070 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng và ghi nhận tuần tích cực nhất trong 5 tháng qua, được hỗ trợ bởi các nhà sản xuất chip và lực mua ròng từ nhà đầu tư nước ngoài.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 16,34 điểm, tương đương 0,70% lên 2.350,61 điểm. Chỉ số này kết thúc tuần tăng 1,96%, mức tăng lớn nhất kể từ đầu tháng 2/2022.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics và công ty SK Hynix lần lượt tăng 0,86% và 0,96%.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution đã tăng 3,88%, trong khi công ty mẹ LG Chem tăng 3,05% sau khi nhà sản xuất hóa chất phát hành trái phiếu xanh toàn cầu trị giá 300 triệu USD.

Nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục mua ròng 247,8 tỷ won (190,53 triệu USD) cổ phiếu trên bảng chính.

Kết thúc phiên 8/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 26,66 điểm (+0,10%), lên 26.517,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,32 điểm (-0,25%), xuống 3.356,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 82,20 điểm (+0,38%), lên 21.715,78 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 16,34 điểm (+0,74%), lên 2.350,61 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất trước áp lực tăng

Lạm phát tăng cùng với tín dụng cao và tác động từ lộ trình tăng mạnh lãi suất USD của Fed khiến dư địa để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ngày một thu hẹp dần..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp thủy điện: Tốt lỏi

Báo cáo của các công ty chứng khoán đưa ra bức tranh màu hồng với các doanh nghiệp thủy điện, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào đầu tư vào thủy điện đều có thể cười rổn rảng..>> Chi tiết

- Chuyên gia SSI: “Đây là giai đoạn rất tốt để tích lũy”

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư của SSI Research nhận định, đối với nhà đầu tư theo quan điểm đầu tư dài hạn, đây là một giai đoạn rất tốt để có thể tích luỹ dần cổ phiếu..>> Chi tiết

- Đầu tư theo kết quả kinh doanh quý II

Năm nay, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng không ít nhóm ngành có khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong quý II cũng như cả năm 2022..>> Chi tiết

- Phương Tây bị 'bất ngờ' trên mặt trận khí đốt với Nga

Sự thiếu hụt năng lượng luôn là một vấn đề hóc búa trước phản ứng với việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng rất ít quốc gia đã chuẩn bị cho việc khí đốt trở thành mặt trận thứ hai trong cuộc xung đột rộng lớn hơn của Moskva với Mỹ và các đồng minh..>> Chi tiết

Tin bài liên quan