Thị trường tài chính 24h: Giai đoạn điều chỉnh là tất yếu

Thị trường tài chính 24h: Giai đoạn điều chỉnh là tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi phục; Đột phá lợi nhuận ngân hàng; "Đây là vùng trũng, có thể tạo đáy để nhà đầu tư được trấn an và đi tiếp"; Những chiêu M&A khác lạ của “nhóm Louis”; Trái phiếu doanh nghiệp không có lỗi; Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất cơ bản 0,5%... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/4 tăng 150.000 đồng/lượng so cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 69800 – 70,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,8 USD/ounce xuống 1.951,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.955 USD nhưng đã lao dốc mạnh về gần 1.940 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,02 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 3.123 đồng/USD, giữ nguyên so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.830 – 23.110 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm khá mạnh về 40.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,81 USD (-1,74%), xuống 101,98 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,79 USD (-1,65%), xuống 106,54 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng điểm sau sáu phiên giảm

Thị trường tăng vọt ngay khi mở cửa, nhưng sau đó nhóm cổ phiếu lớn không giữ được phong độ, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lực bán cũng dâng cao khiến VN-Index hạ dần độ cao.

Bước sang phiên chiều, lực bán gia tăng khiến VN-Index giằng co và liên tục lên xuống trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu. Dù vậy, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường bật ngược đi lên và dần lấy lại sắc xanh khi đóng cửa.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm FLC là điểm sáng, với FLC tăng trần +6,9%, khớp lệnh cao nhất sàn với 40,58 triệu đơn vị, ROS +6,4%, còn AMD và HAI cũng đều tăng mạnh.

Đáng chú ý, sau thời gian dài tăng nóng, nhóm cổ phiếu thủy sản đã bị chốt lời, đẩy hàng loạt mã giảm sàn như AAM, ACL, AGM, ANV, IDI, VHC, FMC, CMX đều nằm sàn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 28,74 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 920,51 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/4: VN-Index tăng 9,02 điểm (+0,66%), lên 1.379,23 điểm; HNX-Index giảm 7,49 điểm (-2,04%), xuống 359,12 điểm; UpCoM-Index giảm 0,74 điểm (-0,7%), xuống 104,15 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm điểm trong phiên ngày thứ Năm (21/4), sau khi giới đầu tư phản ứng tiêu cực với bình luận của các quan chức Fed về việc tăng lãi suất nhanh chóng hơn trong năm nay.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã có bài phát biểu tại Cuộc tranh luận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Diễn đàn Kinh tế toàn cầu và cho biết, việc tăng lãi suất thêm 0,5% có thể sẽ được đưa lên bàn cân khi Fed nhóm họp vào những ngày đầu tháng 5 tới.

Kết thúc phiên 21/4, chỉ số Dow Jones giảm 368,03 điểm (-1,05%), xuống 34.792,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 65,79 điểm (-1,48%), xuống 4.393,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 278,41 điểm (-2,07%), xuống 13.174,65 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi chịu tác động từ đà suy yếu đêm qua của Phố Wall sau quan điểm của Fed về lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,63% xuống 27.105,26 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,19% ở mức 1.905,15 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,04%, trong khi Topix tăng 0,47%.

Phiên này, cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron dẫn đầu đà giảm trên Nikkei 225, mất 2,1%, các cổ phiếu lớn khác là Fast Retailing mất 2,7% và SoftBank Group giảm 3,01%.

Đáng chú ý, cổ phiếu Toshiba đã tăng 4,65% sau khi tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản cho biết họ sẽ xem xét nghiêm túc các đề nghị thỏa thuận M&A.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhưng ghi nhận mức giảm tuần lớn nhất trong sáu tuần.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,21% lên 3.086,17 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,38% lên 4.011,12 điểm.

Nhưng cả hai chỉ số đều công bố mức giảm trong tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 3 và vẫn ở gần mức thấp nhất trong hai năm.

“Thị trường tài chính Trung Quốc không tránh khỏi những cú sốc bên ngoài và tình hình Covid-19 trong nước cũng đang gây áp lực nhiều hơn đối với tăng trưởng”, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Yi Gang cho biết.

Cùng ngày, chính phủ Trung Quốc đã khởi động chương trình hưu trí tư nhân đầu tiên có khả năng chuyển dòng tiền dài hạn vào thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản tăng 2,4% và ngân hàng tăng 1,7%, trong khi bán dẫn và du lịch lần lượt giảm 2,7% và 1,3%.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm, khi Mỹ đưa thêm các công ty có khả năng bị hủy niêm yết trên phố Wall.

Đóng cửa, Hang Seng-Index đã giảm 0,21% xuống 20.638,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,15% lên 6.972,38 điểm.

Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã bổ sung 17 công ty, bao gồm Li Auto, Ke Holdings và Zhihu Inc, vào nhóm cổ phiếu mới nhất có khả năng bị hủy niêm yết khỏi Mỹ.

Cổ phiếu Li Auto giảm 2,6% tại Hồng Kông, trong khi Zhihu giảm hơn 20% trong lần đầu ra mắt tại Hồng Kông.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do lo ngại về việc Fed sẽ thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 23,50 điểm, tương đương 0,86% xuống 2.704,71 điểm. Nhưng chỉ số này đã tăng 0,32% trong tuần, sau hai tuần giảm liên tiếp.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết mức tăng lãi suất 0,5% "sẽ được đưa lên bàn thảo thuận" khi ngân hàng trung ương họp vào ngày 3-4 tháng 5.

Nhà phân tích Lee Kyoung-min của Daishin Securities cho biết, lo lắng ngày càng sâu sắc hơn về việc Mỹ thắt chặt tiền tệ và hy vọng lạm phát đạt đỉnh tan thành mây khói.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 1,03% và SK Hynix giảm 2,21%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution mất 0,11%.

Kết thúc phiên 22/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 447,80 điểm (-1,36%), xuống 27.105,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,11 điểm (+0,23%), lên 3.086,92 điểm. Chỉ số Hang Seng-Index tại Hồng Kông giảm 43,70 điểm (-0,21%), xuống 20.638,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 23,50 điểm (-0,86%), xuống 2.704,71 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Đột phá lợi nhuận ngân hàng

Không ít ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong quý I/2022 nhờ các yếu tố như tín dụng, bảo hiểm, hoàn nhập dự phòng, kiểm soát chi phí... Dự kiến, lợi nhuận cả năm cũng sẽ tăng mạnh..>> Chi tiết

- "Đây là vùng trũng, có thể tạo đáy để nhà đầu tư được trấn an và đi tiếp"

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều đỉnh mới, sự đi lên là chắc chắn và tất yếu. Còn về quá khứ, sau 2 năm tăng trưởng mạnh thì đến giai đoạn điều chỉnh cũng là tất yếu..>> Chi tiết

- Những chiêu M&A khác lạ của “nhóm Louis”

Sau chuỗi biến động tăng giảm mạnh bất thường vào cuối năm 2021 của cổ phiếu “nhóm Louis” với câu chuyện thâu tóm và sáp nhập (M&A), nhóm này tiếp tục tạo nên câu chuyện tương tự khi muốn góp mặt trong HĐQT Hoàng Quân (mã HQC)..>> Chi tiết

- Trái phiếu doanh nghiệp không có lỗi

Nếu không để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đúng thông lệ quốc tế, doanh nghiệp Việt sẽ “cai” tín dụng ngân hàng thế nào?..>> Chi tiết

- Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất cơ bản 0,5% trong phiên họp vào tháng sau

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell khẳng định quyết tâm của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong việc giảm lạm phát và cho biết mức tăng lãi suất cao hơn thường lệ có thể xảy ra ngay trong tháng sau..>> Chi tiết

Tin bài liên quan