Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 11/4 tăng tới 2,8 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều giảm mạnh 1,2 triệu đồng/lượng, hiện đứng ở mức 102,20 – 105,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 93,2 USD lên mức 3.175,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên quanh vùng 3.200 USD/ounce và giằng co nhẹ cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 99,39 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.923 đồng/USD, giảm 41 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.560 – 25.920 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 78.200 USD lên gần 80.000 USD thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục nhích lên và chạm gần 83.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,07 USD (-0,12%), xuống 60,00 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,08 USD (-0,13%), xuống 63,26 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục tăng mạnh
Thị trường tiếp đà tăng từ sớm, nhưng diễn biến có phần phân hóa với lực cầu chủ yếu chảy mạnh vào nhóm bluechip và vốn hóa lớn, đã khiến VN-Index chưa thể lấy lại được mốc 1.200 điểm.
Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, dòng tiền mạnh tiếp tục hoạt động tích cực ở nhóm VN30 và lan rộng hơn trên thị trường, giúp VN-Index nới rộng đà tăng và vượt 1.220 điểm, tương đương tăng hơn 54 điểm khi đóng cửa.
Phiên giao dịch đầu tuần tới, ngày 14/4, thị trường sẽ hứa hẹn có nhiều bất ngờ, đặc biệt trong phiên chiều, khi lượng “hàng” được bắt đáy phiên 9/4 chính thức được giao dịch.
Kết thúc phiên giao dịch 11/4: VN-Index tăng 54,12 điểm (+4,63%), lên 1.222,46 điểm; HNX-Index tăng 5,03 điểm (+2,41%), lên 213,34 điểm; UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,4%), lên 93,25 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ sau phiên tăng vọt trước đó đã nhanh chóng quay đầu giảm khá mạnh trong phiên thứ thứ Năm (10/4), do những lo ngại ngày càng tăng về tác động kinh tế của cuộc chiến thuế quan đa mặt trận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Về mặt dữ liệu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 cho tín hiệu tích cực khi tiếp tục lùi bước, trong đó, CPI lõi đã hạ nhiệt xuống còn 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đã rất gần với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Nhưng con đường phía trước của Fed, trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra đã trở nên ít rõ ràng hơn.
Kết thúc phiên 10/4: Chỉ số Dow Jones giảm 1.014,79 điểm (-2,50%), xuống 39.593,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 188,85 điểm (-3,46%), xuống 5.268,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 737,66 điểm (-4,31%), xuống 16.387,31 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, kết thúc tuần giao dịch đầy biến động khi đón nhận các thông tin liên quan đến thuế quan từ Mỹ, cũng như đồng yên đã mạnh lên bởi dòng chảy trú ẩn an toàn.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,96% xuống 33.585,58 điểm, sau khi giảm tới 5% trong phiên. Chỉ số Topix giảm 2,85% xuống 2.466,91 điểm.
"Rủi ro tại thị trường chứng khoán hiện đang quá cao so với sự biến thiên lớn như vậy mỗi ngày. Điều tốt nhất tôi có thể nói là tránh xa thị trường lúc này", Yusuke Sakai, một nhà giao dịch cấp cao tại T&D Asset Management cho biết.
Chỉ số Nikkei 225 đã bắt đầu trượt dốc xuống mức thấp nhất trong 18 tháng vào thứ Hai, nhưng sau đó tăng 6% vào thứ Ba trước khi lao dốc mất gần 4% vào thứ Tư và ngày thứ Năm đã tăng 9%, mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 8.
Tổng cộng trong tuần, chỉ số Nikkei 225 mất 0,6%.
Những thay đổi đột ngột với biên độ cao của thị trường nhấn mạnh sự bồn chồn của nhà đầu tư, khi họ cố gắng đánh giá rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan ăn miếng trả miếng từ Mỹ và Trung Quốc, cũng như nhiều đối tác thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, đồng USD đã giảm 1% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30/9 so với đồng yên, khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, khiến cổ phiếu các nhà xuất khẩu của Nhật Bản gặp khó.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi kỳ vọng về kích thích mạnh mẽ hơn và kỳ vọng gia tăng về một thỏa thuận thương mại cuối cùng sẽ đạt được với Mỹ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,45% lên 3.238,23 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,41% lên 3.750,52 điểm.
Một thước đo quan trọng của các cổ phiếu chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã tăng tới 2,7%. Mức tăng báo hiệu việc tiếp tục đặt cược cho Bắc Kinh sẽ triển khai hỗ trợ tăng trưởng, khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả của cuộc họp do các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc để thảo luận về các biện pháp kích thích bổ sung.
Hy vọng cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được thỏa hiệp cũng hỗ trợ tâm lý thị trường, sau khi ông Trump bày tỏ sự lạc quan rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ ngồi vào bàn đàm phán.
Bất chấp khả năng phục hồi của chứng khoán Trung Quốc, mối quan hệ song phương Mỹ-Trung ngày càng thù địch đã khiến một số nhà đầu tư toàn cầu cắt giảm rủi ro.
Ba trong số các quỹ hoán đổi danh mục lớn nhất được niêm yết tại Mỹ theo dõi chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một đợt bán tháo lớn vào thứ Tư, với giá trị giao dịch tới gần 1 tỷ USD trong một ngày.
Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng, trong bối cảnh các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng lực mua vào.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,28% lên 20.945,67 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,92% lên 7.815,71 điểm.
Theo dữ liệu của sàn giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư Đại lục đã mua ròng 5,88 tỷ đô la Hồng Kông (758,1 triệu USD Mỹ) cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông thông qua chương trình Stock Connect vào thứ Sáu.
Tổng cộng, đưa đợt mua vào trong tuần này lên 76,5 tỷ đô la Hồng Kông, ngay cả khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho căng thẳng thương mại gia tăng hơn nữa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Chứng khoán Hàn Quốc thu hẹp đà giảm, khi thị trường vẫn lo ngại về việc ăn miếng trả miếng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 12,34 điểm, tương đương 0,5% xuống 2.432,72 điểm, sau khi tăng gần 7% trong phiên trước đó và kết thúc tuần này ghi nhận giảm 1,3%, mức giảm tuần thứ ba liên tiếp.
Chỉ số này theo dõi sự sụt giảm của Phố Wall đêm qua, khi một đợt bán tháo được kích hoạt bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng.
Mỹ hiện áp thuế tích lũy 145% đối với hàng hóa Trung Quốc và ở chiều ngược lại, Trung Quốc tăng thuế 84% lên hàng Mỹ.
Kết thúc phiên 11/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.023,42 điểm (-2,96%), xuống 33.585,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,59 điểm (+0,45%), lên 3.238,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 232,91 điểm (+1,13%), lên 20.914,69 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 12,34 điểm (-0,50%), xuống 2.432,72 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Quý I/2025, nhiều ngân hàng lãi ngàn tỷ
Tín dụng tăng trưởng đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý đầu năm 2025, với con số lợi nhuận khá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước..>> Chi tiết
- Tìm cơ hội từ thông tin “lõi”
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán “chao đảo” bởi thông tin Mỹ sẽ áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu, các nhà đầu tư đang tập trung tìm hiểu thông tin lõi về doanh nghiệp để thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư..>> Chi tiết
- Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng: Khoảng thời gian vàng để doanh nghiệp Việt điều chỉnh
Ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày đối với 75 quốc gia nghề kinh tế, trong đó có Việt Nam. Cơ hội mở ra trong ngắn hạn và hành động trong dài hạn ra sao để thích ứng với biến động thuế quan là mối quan tâm lớn hiện nay..>> Chi tiết
- Tổng thống Trump nói gì về khả năng gia hạn hoãn áp thuế quan đối ứng?
Theo kênh CNBC News, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát biểu liên quan đến việc gia hạn lệnh tạm hoãn áp thuế quan đối ứng với hàng chục đối tác thương mại của nước này..>> Chi tiết