Thị trường tài chính 24h: Giá vàng lập đỉnh lịch sử

Thị trường tài chính 24h: Giá vàng lập đỉnh lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thủng 1.500 điểm; Gói cấp bù lãi suất 2%: Cần cách thức làm mới; Sóng nối sóng; Cổ phiếu thép được nung nóng; Thời điểm bản lề vào sóng; Giá dầu thế giới xuyên thủng mốc 130 USD…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 7/3 tăng 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần qua so với ngày cuối tuần trước, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 1,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 2,68 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 71,30 – 73,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày cuối tuần qua tại Mỹ tăng 36,4 USD/ounce lên 1.972,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và chạm mốc 2.000 USD/ounce vào cuối ngày.

Theo giới phân tích, thị trường vàng đang bị chi phối bởi những diễn biến căng thẳng ở Ukraine, khi nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao.

Hệ luỵ khác của xung đột quân sự Nga- Ukraine đã khiến giá dầu thế giới leo thang chóng mặt, gây áp lực lạm phát lớn trên toàn cầu. Điều này càng có lợi cho giá vàng vì vàng là kênh đầu tư được ưa chuộng để chống lại sự mất giá của đồng tiền.

Giá vàng thế giới đã vượt mốc 2.000 USD/ounce vào chiều ngày 7/3.

Giá vàng thế giới đã vượt mốc 2.000 USD/ounce vào chiều ngày 7/3.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 99,09 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.159 đồng/USD, tăng 8 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.710 – 22.990 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 38.400 USD, thì sang ngày hôm nay đã giảm thêm hơn 200 USD và về gần 38.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 7,78 USD (+6,73%), lên 123,46 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 7,18 USD (+6,08%), lên 125,29 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index để hụt mốc 1.500 điểm

Trong phiên đầu tuần, mặc dù nhóm bluechip, đặc biệt là dòng bank đã cản trở thị trường nhưng thông tin ảnh hưởng từ việc giá dầu thô vượt 130 USD/thùng đã giúp nhóm dầu khí, phân bón nóng lên, cùng sự khởi sắc của nhóm thép, đã tiếp sức giúp VN-Index gần như luôn trụ vững mốc 1.500 điểm trong suốt cả phiên, trước khi để thủng nhẹ mốc này ở những phút cuối.

Nhóm dầu khí nổi trội với GAS +5,6%, PLX +3,6%, PVD giữ vững giá trần tại 37.550 đồng.

Nhóm cổ phiếu phân bón với BFC, DPM, DCM, VAF đều trong trạng thái dư mua trần.

Nhóm thép với HSG + 4%, các mã NKG, TLH, SMC cùng tăng hơn 3%, còn HPG +2,6%, khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 38,46 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 35,66 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 1.453,97 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 7/3: VN-Index giảm 6,28 điểm (-0,42%) xuống 1.499,05 điểm; HNX-Index tăng 2,28 điểm (+0,51%), lên 452,86 điểm; UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,06%) xuống 113,22 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu (4/3), khi cuộc xung đột Nga-Ukraine làm lu mờ tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng trước.

Phần lớn chỉ số phụ các nhóm ngành trên S&P 500 giảm điểm, trong đó, tài chính dẫn đầu với mức giảm 2% do các nhà đầu tư lo lắng về việc các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc tế.

Thị trường hãm đà rơi nhờ Bộ Lao động Mỹ báo cáo dữ liệu tích cực với số việc làm mới đã tăng ​​678.000 trong tháng trước, vượt xa con số 440.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Trong tuần, Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều giảm 1,3%, trong khi Nasdaq Composite giảm 2,8%.

Kết thúc phiên 4/3, chỉ số Dow Jones giảm 179,86 điểm (-053%), xuống 33.614,80 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 34,62 điểm (-0,79%), xuống 4.328,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 224,50 điểm (-1,66%), xuống 13.313,44 điểm.

Chứng khoán châu Á giảm sâu

Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine không có dấu hiệu lắng xuống, đẩy giá dầu và các mặt hàng khác lên cao làm dấy lên lo ngại về một cú sốc lạm phát khiến đình trệ nền kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 mất 2,94% xuống 25.221,41 điểm. Chỉ số Topix giảm 2,76% xuống 1.794,03 điểm.

Nhóm cổ phiếu tiêu dùng giảm mạnh nhất, mất 5,05%, trong khi ngành công nghệ giảm 2,89%.

Phân ngành năng lượng đi ngược lại xu hướng, tăng 4,81% do lo ngại rằng nguồn cung dầu của Nga sẽ sớm bị cạn kiệt khiến giá dầu thô tăng mạnh.

Các gã khổng lồ sản xuất chip của Nhật Bản sụt giảm mạnh, với Tokyo Electron giảm 4,87%, trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, Advantest giảm 5,58% và Renesas giảm 6,18%.

Cổ phiếu ô tô cũng giảm, dẫn đầu là nhà sản xuất xe tải Hino, giảm tới 16,76% sau khi thừa nhận đã can thiệp vào dữ liệu kiểm tra khí thải.

Cổ phiếu Toyota Motor giảm 6,53%, Isuzu giảm 9,13%, Suzuki giảm 8,67%, Nissan giảm 6,37% và Mazda giảm 7,89%.

Cổ phiếu Honda giảm 3,2% sau khi công bố liên doanh với Sony để sản xuất xe điện.

Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng, do giá hàng hóa tăng cao, khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang và các trường hợp nhiễm Covid-19 mới khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 2,17% xuống 3.372,86 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 3,19% xuống 4.352,78 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 2/7/2020.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 5,5% trong năm 2022, do những khó khăn bao gồm sự phục hồi không chắc chắn trên toàn cầu và suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của nước này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế . Tuy nhiên, mục tiêu này cao hơn ước tính của các nhà kinh tế và phân tích.

Phiên này, cổ phiếu ngành tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, năng lượng mới và cổ phiếu bán dẫn giảm từ 3% đến 4%.

Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm Covid-19 mới trong một ngày cao nhất trong khoảng hai năm, do biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao gây áp lực cho chính sách “zero Covid” của họ.

Các cổ phiếu nhạy cảm với dịch bệnh như du lịch và vận tải lần lượt giảm 6,9% và 4,8%.

Chứng khoán Hồng Kông bị bán tháo do những lo ngại về xung đột Nga- Ukraine gia tăng và dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở thành phố này.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 3,87% xuống 21.057,63 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 3,57% xuống 7.412,59 điểm.

Phiên này, chỉ số công nghệ giảm 4,4% xuống mức thấp kỷ lục, với gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan giảm hơn 10%.

Cổ phiếu tài chính giảm 4,4%, trong đó, HSBC Holdings và Standard Chartered giảm hơn 7% mỗi cổ phiếu.

Ngành năng lượng tăng 0,8%, trong đó PetroChina tăng 4,4% do giá dầu thô tăng vọt.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh do, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Nga làm dấy lên lo ngại về một cú sốc lạm phát sẽ làm tổn thương khu vực châu Âu.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 62,12 điểm, tương đương 2,29% xuống 2.651,31 điểm.

Dẫn đầu mức giảm là các ông lớn ngành chip với Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 1,96% và 4,02%, trong khi LG Chem giảm 3,93%.

Kết thúc phiên 7/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 764,06 điểm (-2,94%), xuống 25.221,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 74,79 điểm (-2,17%), xuống 3.372,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 847,66 điểm (-3,87%), xuống 21.057,63 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 61,12 điểm (-2,29%), xuống 2.651,31 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Gói cấp bù lãi suất 2%: Cần cách thức làm mới

Kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất cách đây 13 năm khiến gói cấp bù lãi suất 2% lần này phải đứng trước yêu cầu mới về cách triển khai..>> Chi tiết

- Sóng nối sóng

Tiếp tục một tuần nữa VN-Index biến thiên dao động dưới đỉnh cũ đã từng thiết lập nhưng lại tạo được tâm lý khá hứng khởi cho các thành viên khi các nhóm ngành thay nhau tạo sóng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu thép được nung nóng

Giá bán thép và giá thành sản xuất thép đang trong xu hướng tăng trở lại có thể giúp doanh nghiệp thép Việt Nam kéo dài thêm một năm hưởng lợi. Do đó, nhóm cổ phiếu thép cũng được dịp nung nóng..>> Chi tiết

- Thời điểm bản lề vào sóng

Nhiều dự báo cho thấy cổ phiếu ngân hàng có một năm 2022 tươi sáng, nhưng đâu sẽ là thời điểm kích hoạt dòng tiền vào cổ phiếu nhóm này?.>> Chi tiết

- Giá dầu thế giới xuyên thủng mốc 130 USD

Dầu thô Mỹ và dầu thô Brent đêm qua lần lượt chạm mức 130,50 USD/thùng và 139,13 USD/thùng, cao nhất trong vòng 13 năm qua, trước khi lùi về dưới mốc 130 USD..>> Chi tiết

Tin bài liên quan