Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền có những kỳ vọng xa hơn về một số nhóm ngành

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền có những kỳ vọng xa hơn về một số nhóm ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Thống đốc: Sẽ cân nhắc việc bỏ room tín dụng hay không; “Dò” điểm sáng lợi nhuận quý cuối năm; Cẩn trọng với “tẩy xanh”; Thị trường dầu mỏ bất ngờ trước sản lượng của Mỹ tăng mạnh...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 8/12 tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và không đổi chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 73,10 – 74,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 3 USD lên 2.028,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,71 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.951 đồng/USD, giảm 8 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.090 – 24.430 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ về 43.600 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục lùi bước và về gần 43.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,02 USD (+1,47%), lên 70,36 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,18 USD (+1,59%), lên 75,18 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

Thị trường có phiên giằng co khá mạnh ở trên vùng tham chiếu khi dòng tiền khá thận trọng. Diễn biến đáng chú ý nhất là trong đợt khớp lệnh ATC, khi chỉ số chớm đỏ đã được kéo khá mạnh lên gần 1.125 điểm khi đóng cửa.

Diễn biến VN-Index cho thấy thị trường vẫn đang đi tìm vùng cân bằng, chưa thoát khỏi giai đoạn tích lũy và trong trạng thái chưa rõ ràng này, thị trường có thể sẽ có thêm những nhịp điều chỉnh.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8,78 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 448,28 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/12: VN-Index tăng 2,95 điểm (+0,26%), lên 1.124,44 điểm; HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,27%), xuống 231,2 điểm; UPCoM-Index đứng giá tham chiếu 85,71 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Năm (7/12), với chỉ số Nasdaq Composite vượt trội khi cổ phiếu Alphabet và AMD tăng mạnh, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu bảng lương chính thức khu vực tư nhân để tìm manh mối về các hành động tiếp theo của Fed.

Cổ phiếu của Alphabet đã tăng vọt 5,3%, khi các nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao vào sự ra mắt của mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất của công ty có tên Gemini. Trong khi AMD tăng tới gần 10%, sau khi ước tính giá trị thị trường tiềm năng cho chip AI xử lý trung tâm dữ liệu của họ có thể đạt 45 tỷ USD trong năm nay.

Kết thúc phiên 7/12: Chỉ số Dow Jones tăng 62,95 điểm (+0,17%), lên 36.117,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,25 điểm (+0,80%), lên 4.585,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 193,28 điểm (+1,73%), lên 14.339,99 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do suy đoán ngày càng tăng về việc sắp kết thúc các biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), vốn đã kéo dài hàng thập kỷ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,68% xuống 32.307,86 điểm và mất 3,36% trong tuần. Chỉ số Topix giảm 1,5% xuống 2.324,47 điểm và giảm 2,44% trong tuần.

Chỉ số phụ thiết bị vận tải của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo là nhóm hoạt động kém nhất trong số 33 nhóm ngành, giảm 3,69% do đồng yên tăng giá so với đồng USD.

Nhóm cổ phiếu nhà Toyota giảm sâu nhất với Tập đoàn giảm 4,1%, JTEKT giảm 4,98%, Toyota Tsusho giảm 4,88% và Denso giảm 4,51%. Toyota Motor cũng giảm 4,08%.

Đồng tiền Nhật Bản đã tăng hơn 2%, đạt mức cao nhất trong bốn tháng ở mức 141,60 yên/USD sau khi Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, BOJ đang xem xét các lựa chọn để nhắm mục tiêu lãi suất ra khỏi vùng âm, đánh dấu dấu hiệu rõ ràng nhất về việc chấm dứt các biện pháp kích thích.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ nhưng chỉ số bluechip vẫn dao động quanh mức thấp nhất gần 5 năm, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng về sự phục hồi yếu kém về kinh tế của nước này và chờ đợi manh mối từ các cuộc họp chính sách sắp tới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,11% lên 2.969,56 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,24% lên 3.399,46 điểm.

Chỉ số CSI 300 đã mất hơn 2% cho đến nay trong tuần, khi cơ quan xếp hạng Moody's đưa ra cảnh báo hạ bậc đối với xếp hạng tín dụng của Trung Quốc và Hồng Kông, làm tăng thêm lo ngại của nhà đầu tư về sự phục hồi vốn đã yếu của Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi dữ liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc gần đây đã phủ bóng lên triển vọng lợi nhuận của thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,07% xuống 16.334,37 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,31% xuống 5.598,16 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa tăng hơn 1%, khi các cổ phiếu công nghệ lớn hoạt động tốt hơn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 25,78 điểm, tương đương 1,03%, lên 2.517,85 điểm.

Các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics tăng 1,54%, cổ phiếu Hyundai Motor tăng 1,37% và cổ phiếu Kia tăng 1,53%.

Kết thúc phiên 8/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 550,45 điểm (-1,68%), xuống 32.307,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,35 điểm (+0,11%), lên 2.969,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 11,52 điểm (-0,07%), xuống 16.334,37 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 25,78 điểm (+1,03%), lên 2.517,85 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thống đốc: Sẽ cân nhắc việc bỏ room tín dụng hay không

Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng..>> Chi tiết

- “Dò” điểm sáng lợi nhuận quý cuối năm

Bên cạnh triển vọng lợi nhuận quý IV, dòng tiền đầu tư có những kỳ vọng xa hơn về một số nhóm ngành..>> Chi tiết

- Cẩn trọng với “tẩy xanh”

Trong quá trình phát triển tài chính xanh, vấn đề “tẩy xanh” (greenwashing) nổi lên như một rủi ro tiềm ẩn..>> Chi tiết

- Thị trường dầu mỏ bất ngờ trước sản lượng của Mỹ tăng mạnh

Thị trường dầu toàn cầu đang chịu áp lực lớn khi giá trượt xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, trong đó nguyên nhân chính là từ nguồn cung kỷ lục của Mỹ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan