Thị trường tài chính 24h: Đà bán tháo diễn ra ở khắp nơi

Thị trường tài chính 24h: Đà bán tháo diễn ra ở khắp nơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm thêm hơn 22 điểm; Nới room tín dụng, chuyện bây giờ mới kể; Nhà đầu tư “thấm mệt”; Dở khóc dở cười đầu tư theo tin "rỉ tai"; Đồng đô la mạnh lên là tốt cho Mỹ nhưng không tốt cho thế giới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/9 giảm 600.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 64,20 – 65,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 6,8 USD lên mức 1.629,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng, giá vàng giảm tiếp về gần 1.615 USD, trước khi hồi phục mạnh lên 1.630 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 114,34 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.346 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.610 – 23.890 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về gần 19.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại, nhưng đã để mất mốc này vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,28 USD (-0,36%), xuống 78,22 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,08 USD (-0,09%), xuống 86,19 USD/thùng.

VN-Index lao dốc

Thị trường giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên sáng với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, VN-Index vẫn may mắn giữ được mốc hỗ trợ tâm lý 1.150 điểm.

Sang đến phiên chiều, lực cầu đỡ giá ở một số mã bluechip, đặc biệt là VCB, kéo VN-Index hồi hơn 12 điểm. Tuy nhiên, lượng hàng chực chờ đã được mở chốt tung vào, đẩy VN-Index lao mạnh trở lại và giảm hơn 20 điểm về vùng đáy cũ xác lập ngày 7/7/2022 (1.142,8 điểm).

Dù vùng đáy này đã phát huy được vai trò hỗ trợ tốt, giúp VN-Index có nhịp nảy trở lại gần 10 điểm, nhưng lực cung lớn giá thấp trong đợt ATC thêm một lần đẩy VN-Index trở lại, đóng cửa ở gần thấp nhất ngày với hàng chục mã giảm sàn.

Kết thúc phiên giao dịch 28/9: VN-Index giảm 22,92 điểm (-1,96%), xuống 1.143,89 điểm; HNX-Index giảm 3,17 điểm (-1,24%), xuống 252,35 điểm; UPCoM-Index giảm 0,87 điểm (-1,00%), xuống 85,84 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chỉ số S&P 500 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm trong phiên thứ Ba (27/9), do lo lắng về việc thắt chặt chính sách quyết liệt Fed.

Hiện các chỉ số chính của phố Wall đã rơi sâu vào thị trường giá xuống, trong đó, S&P 500 thấp hơn 24,3% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 01/2022, trong khi Dow Jones thấp hơn 21,2% so với mức cao mọi thời đại. Chỉ số Nasdaq Composite mất hơn 33% kể từ khi đạt kỷ lục vào tháng 11/2021.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt mức 3,9%, tiếp tục hướng về mốc 4%.

Kết thúc phiên 27/9, chỉ số Dow Jones giảm 125,82 điểm (-0,43%), xuống 29.134,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,75 điểm (-0,21%), xuống 3.647,29 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 256,58 điểm (+0,25%), lên 10.829,50 điểm.

Chứng khoán châu Á bị bán ồ ạt

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất gần ba tháng, do những ảnh hưởng mạnh từ phố Wall với lo ngại suy thoái ngày một gia tăng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,5% xuống 26.173,98 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,95% xuống 1.855,15 điểm.

Chỉ số điểm chuẩn có thời điểm giảm sâu hơn, sau khi Bloomberg đưa tin rằng, Apple sẽ từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng iphone thế hệ mới, sau khi dự báo nhu cầu tăng đột biến không thành hiện thực.

Các nhà đầu tư trên toàn cầu đang đứng trước nguy cơ chi phí đi vay tăng cao, gây ra bởi lo ngại về suy thoái kinh tế lan rộng, với hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều tập trung vào việc thắt chặt các chính sách để kiềm chế lạm phát.

Phiên này, nhóm cổ phiếu dược phẩm là ngành duy nhất trên Nikkei 225 tăng điểm khi nhích thêm 0,35%.

Trong đó, cổ phiếu Eisai đã tăng kịch trần 17,29%, sau khi nhà sản xuất thuốc báo cáo thử nghiệm lâm sàng thành công một loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer.

Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong năm tháng, do lo ngại tăng lãi suất nhanh chóng sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,58% xuống 3.045,07 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,63% xuống 3.828,71 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 26/4.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lao dốc xuống mức 7,2192 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong khi đồng nhân dân tệ ở nước ngoài xuống thấp nhất kỷ lục.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3,8 tỷ nhân dân tệ (530 triệu USD) cổ phiếu Trung Quốc thông qua chương trình kết nối sau hai ngày mua ròng.

Phiên này, nhóm cổ phiếu kim loại màu giảm 5,2%, các công ty năng lượng mới giảm gần 4% và các công ty bán dẫn giảm 2,8%.

Chứng khoán Hồng Kông bị bán tháo và dao động quanh mức thấp nhất trong 11 năm khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng về rủi ro suy thoái.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 3,41% xuống 17.250,88 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 3,12% xuống 5.958,62 điểm.

“Tâm lý ảm đạm đang chiếm lĩnh thị trường, cả về cổ phiếu và tiền tệ. Không có nhiều người làm bất kỳ công việc bắt đáy nào, thật khó để nói chúng tôi đang hướng tới đâu”, Steven Leung, Giám đốc điều hành bán hàng tổ chức tại công ty môi giới UOB Kay Hian, cho biết.

Phiên này, nhóm cổ phiếu các nhà phát triển đại lục giảm hơn 6%, trong đó CIFI Holdings Group Co giảm 30%.

Các công ty công nghệ giảm 3,9%, trong đó tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba giảm 4,1%.

Chỉ số Tài chính Hang Seng giảm 3,6%, với HSBC Holdings giảm 5,8% để trở thành lực cản lớn nhất đối với điểm chuẩn Hang Seng.

Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc và đóng cửa thấp nhất trong hơn hai năm, do lo ngại suy thoái toàn cầu gia tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 54,57 điểm, tương đương -2,45% xuống 2.169,29 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 10/7/2020.

"Thị trường trong nước thua lỗ lớn hơn hầu hết các thị trường châu Á do tỷ trọng cổ phiếu công nghệ cao hơn, vốn chịu áp lực từ các báo cáo của Apple", Na Jeong-hwan, nhà phân tích tại Cape Investment and Securities, cho biết.

Cổ phiếu LG Innotek, nhà cung cấp linh kiện máy ảnh, đã chứng kiến ​​ngày tồi tệ nhất kể từ giữa tháng 3/2020, giảm 10,5%, sau khi có báo cáo rằng Apple đã từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng iPhone mới trong năm nay.

Trong số các cổ phiếu lớn, công ty công nghệ khổng lồ Samsung Electronics giảm 2,4%, SK Hynix mất 0,98% và LG Energy Solution giảm 2,36%.

Kết thúc phiên 28/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 397,89 điểm (-1,50%), xuống 26.173,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 48,79 điểm (-1,58%), xuống 3.045,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 609,43 điểm (-3,41%), xuống 17.250,88 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 54,57 điểm (-2,45%), xuống 2.169,29 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nới room tín dụng, chuyện bây giờ mới kể

Điều chỉnh room tín dụng là vấn đề thời sự không chỉ của riêng hệ thống ngân hàng, mà đã trở thành chuyện cửa miệng của từng doanh nghiệp, từng nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Nhà đầu tư “thấm mệt”

Không ít nhà đầu tư tỏ rõ sự mệt mỏi sau nhiều tháng thị trường không có động lực đi lên rõ ràng, nhất là khi chỉ số có diễn biến giảm điểm trong 1 tháng qua..>> Chi tiết

- Dở khóc dở cười đầu tư theo tin "rỉ tai"

Quyết định xuống tiền theo các thông tin dạng “rỉ tai”, “phím hàng” đã và đang là thói quen của nhiều nhà đầu tư cá nhân. Điều này góp thêm sắc màu cho bức tranh thị trường chứng khoán, song cũng có không ít tình huống dở khóc dở cười..>> Chi tiết

- Đồng đô la mạnh lên là tốt cho Mỹ nhưng không tốt cho thế giới

Quyết tâm của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm giảm lạm phát trong nước bằng cách tăng lãi suất đang gây ra nỗi đau sâu sắc ở các quốc gia khác thông qua việc đẩy giá cả lên cao, tăng quy mô thanh toán nợ và làm tăng nguy cơ suy thoái sâu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan