Thị trường tài chính 24h: Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng trở nên “nóng” hơn

Thị trường tài chính 24h: Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng trở nên “nóng” hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi phục nhẹ; Nhà băng dồn dập tăng vốn; Nỗi lo đè nặng doanh nghiệp xây dựng; "Bong bóng" ở đất, dòng tiền đổi hướng?; Sóng kích cầu; Mỹ dự báo nguồn cung dầu sẽ tăng mạnh trong năm tới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 10/11 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 58,70 – 59,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 8 USD lên 1.832 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về gần 1.825 USD/ounce và gần như chỉ đi ngang cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 94,10 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.100 đồng/USD, giảm 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.560 – 22.760 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,38 USD (-0,45%), xuống 83,84 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,05 USD (+0,06%), lên 84,85 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua dừng ở quanh 67.200 USD, thì sang ngày hôm nay hạ nhiệt nhẹ và giảm về 67.000 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng nhẹ

Thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phiên sáng nay khi “cuộc chiến” giữa bên bán và bên mua tỏ ra khá cân bằng. Bước vào phiên chiều, sóng lớn từ nhóm dầu khí đã lan tỏa ra nhiều nhóm khác, trong đó có không ít mã bluechip, giúp thị trường bứt mạnh.

Tuy nhiên, 1.470 điểm đang trở thành ngưỡng cản cứng, khi vừa chạm ngưỡng kháng cự này, lực cung đã ồ ạt được tung ra, đẩy VN-Index xuống như như lúc đi lên và kết phiên chỉ còn tăng nhẹ.

Nhóm dầu khí với hai điểm sáng lớn là PLX và PGC tăng trần lên 58.300 đồng và 29.300 đồng.

Nhóm bất động sản, xây dựng cũng nhiều sắc tím tại HBC, DIG, SCR, CCL, DRH, VRC, LDG…

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 16,14 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 848,23 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/11: VN-Index tăng 3,52 điểm (+0,24%), lên 1.465,02 điểm; HNX-Index tăng 5,6 điểm (+1,29%), lên 438,24 điểm;UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,44%), lên 109,66 điểm

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (9/11) trước động thái chốt lời của thị trường sau chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp, bên cạnh lo ngại về lạm phát tiếp diễn.

Báo cáo về chỉ số giá sản xuất (PPI) Mỹ cho thấy, lạm phát tiếp tục nóng lên khi những thách thức đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu lao động đang khiến tốc độ tăng giá vượt xa mục tiêu lạm phát trung bình hàng năm 2% mà Fed đặt ra.

Cụ thể, PPI tại Mỹ tháng 10 tăng 0,6% so với tháng trước và đã tăng 8,6% trong vòng 12 tháng qua.

Đáng chú ý, Cổ phiếu Tesla mất gần 12%, kéo dài đà sụt giảm sau kết quả cuộc thăm dò mà Elon Musk hồi cuối tuần trước tổ chức trên Twitter.

Nhà sáng lập Tesla đặt câu hỏi, liệu ông có nên bán 10% cổ phần của mình hay không và nhận về gần 58% câu trả lời “có”.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số Dow Jones giảm 112,24 điểm (-0,31%), xuống 36.319,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,45 điểm (-0,35%), xuống 4.685,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 95,81 điểm (-0,6%), xuống 15.886,54 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã ảnh hưởng đến dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp trong năm nay.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,61% xuống 29.106,78 điểm. Chỉ số Topix mất 0,54% xuống 2.007,96 điểm.

Phiên này, cổ phiếu Sumitomo Rubber giảm 13,1% và hãng điện tử Elecom giảm 10,6%, do cả hai công ty đều hạ triển vọng lợi nhuận trong năm nay do chi phí tăng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, bức tranh tổng thể không buồn tẻ, với Nissan Motor đã tăng 7,51%, sau khi nâng triển vọng lợi nhuận hoạt động cả năm lên 20% nhờ tỷ suất lợi nhuận tăng lên từ các mẫu xe mới.

Công ty trò chơi Nexon đã tăng 13,53%, sau khi điều chỉnh tăng mạnh triển vọng thu nhập, trong khi Kansai Paint tăng 5,2% nhờ lợi nhuận tăng tốc.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất của nước này tăng với tốc độ nhanh nhất trong 26 năm vào tháng trước.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,41% xuống 3.492,46 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,53% xuống 4.821,19 điểm điểm.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 của Trung Quốc tăng 13,5% so với một năm trước đó, khiến biên lợi nhuận các nhà sản xuất suy giảm và thêm vào đó, thị trường còn đang phải vật lộn với giá than tăng cao và các chi phí khác do cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản tăng 5%, mức tăng lớn nhất trong ngày kể từ tháng 10, sau khi một phương tiện truyền thông đưa tin, một số công ty bất động sản đã tiết lộ kế hoạch phát hành tăng vốn trên thị trường liên ngân hàng.

Lĩnh vực bất động sản đã mất hơn 15% trong hai tuần qua do chính sách thắt chặt, vấn đề thanh khoản và kế hoạch đánh thuế bất động sản.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu bởi các công ty bất động sản, khi các nhà đầu tư mua bắt đáy do các nhà phát triển Đại lục đã giảm gần 20% và đặt cược các chính sách sẽ được nới lỏng trong lĩnh vực này.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,74% lên 24.996,14 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,19% lên 8.910,98 điểm.

Nhóm cổ phiếu các công ty bất động sản tăng 3,1%, trong đó các nhà phát triển tại Đại lục tăng 7,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các công ty công nghệ lớn sụt giảm do ảnh hưởng của cổ phiếu Tesla.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 1,09% xuống 2.930,17 điểm.

Các công ty sản xuất chip lớn Samsung Electronics và SK Hynix lần lượt giảm 0,43% và 0,46%, trong khi nhà sản xuất pin LG Chem và nhà sản xuất ô tô Hyundai Motor giảm 3,90% và 2,11%.

Kết thúc phiên 10/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 178,68 điểm (-0,61%), xuống 29.106,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,54 điểm (-0,41%), xuống 3.492,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 183,01 điểm (+0,74%), lên 24.996,14 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 32,29 điểm (-1,09%), xuống 2.930,17 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nhà băng dồn dập tăng vốn

Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trở nên “nóng” hơn trong những tháng cuối năm 2021, không chỉ với các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước, mà cả ngân hàng cổ phần tư nhân..>> Chi tiết

- Nỗi lo đè nặng doanh nghiệp xây dựng

Giá một số loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và thép, vừa có đợt tăng “sốc” thứ hai trong năm 2021, khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng lại “đứng ngồi không yên”..>> Chi tiết

- "Bong bóng" ở đất, dòng tiền đổi hướng?

Chỉ với chiêu định giá lại quỹ đất của doanh nghiệp khi giá đất trên thực tế đã tăng mạnh mà nhiều cổ phiếu bất động sản đã được đẩy quá xa so với giá trị thực tế của doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Sóng kích cầu

VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử trước những kỳ vọng về gói kích thích kinh tế lớn. Cổ phiếu nhiều nhóm ngành tăng giá mạnh, không ít trong số đó đang “ứng trước” các kỳ vọng..>> Chi tiết

- Mỹ dự báo nguồn cung dầu sẽ tăng mạnh trong năm tới và làm hạ nhiệt giá dầu

Chính phủ Mỹ dự đoán thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ trở nên cung vượt cầu và giá dầu sẽ giảm vào đầu năm tới. Dự đoán này cũng làm hạ nhiệt kỳ vọng về việc Nhà Trắng có thể giải phóng nguồn dự trữ khẩn cấp của quốc gia..>> Chi tiết

Tin bài liên quan