- VN-Index tăng
Trong phiên giao dịch sáng, dòng tiền đã ồ ạt được tung vào ngay từ đầu phiên, kéo hàng trăm mã tăng giá đã giúp VN-Index trở lại với ngưỡng trên 740 điểm khi chốt phiên sáng.
Nhiều nhà đầu tư đã lo lắng về một phiên phân phối đỉnh và điều này có thể khiến thị trường gặp khó khăn trong phiên giao dịch chiều.
Điểm khác biệt so với đợt tăng trước của thị trường, dòng tiền trong 2 phiên gần đây chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechip.
BID hấp thụ hết lượng dư bán, kéo lên thẳng mức giá trần 18.400 đồng với 15,7 triệu đơn vị được khớp.
Các mã ngân hàng khác đều có mức tăng tốt, như VCB tăng 2,04%, CTG tăng 5,49%, STB tăng 2,42%, MBB tăng 3,1%, EIB tăng 3,15%..
Ngoài ra, nhóm dầu khí, xăng dầu cũng duy trì đà tăng, ngoài PXL vẫn duy trì mức giá trần 60.600 đồng, thì GAS cũng tăng mạnh 3,93%, PVD tăng 2,53%..
Các mã tạo sóng trong phiên sáng như HQC, SCR, MCG, KSA, QBS, NVT, CLG, DTA tiếp tục duy trì sắc tím do lực cung không có.
Ngoài ra, cũng có thêm một số mã khác hòa cùng sắc tím trong phiên chiều như HAX, ANV, TIE, FDC, PNC, SFC, DHM, PTL, TNT.
Trong khi đó, SGT lại bị bán mạnh và đột ngột quay ngoắt 180 độ, từ mức trần 12.500 đồng, xuống tận mức sàn 10.900 đồng khi đóng cửa phiên hôm nay.
Đà tăng của VN-Index bị hãm bớt trong phiên chiều nay còn do lực cung gia tăng từ một số mã bất động sản như DXG, HBC, TDH, DIG, trong đó đáng chú ý là đà giảm sàn của ROS. Ngoài ra, còn một số mã bluechip khác đi ngược dòng trong phiên hôm nay như SSI, REE, GMD, DCM.
FLC vẫn duy trì sắc đỏ khi chốt phiên với mức giảm 3,39%, xuống 7.700 đồng với hơn 22 triệu đơn vị được khớp. Trong khi ROS được khớp 4,55 triệu đơn vị và còn dư mua giá sàn (143.700 đồng) gần 0,3 triệu đơn vị.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 12,8 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 467,25 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 386.211 đơn vị. Tổng giá trị mua ròng tương ứng 12,64 tỷ đồng
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 121.400 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 12,91 đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 22/5: VN-Index tăng 10,28 điểm (+1,40%), lên 744,1 điểm; HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,58%), lên 92,71 điểm; UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,13%), xuống 57,96 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7.108 tỷ đồng.
Chứng khoán Mỹ
Trong tuần giao dịch mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh tới thị trường.
Đầu tiên là cuộc thử tiên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, làm gia tăng căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên, tiếp đến là cuộc công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ả Rập xê út, Isarel, Vatican và kết thúc là cuộc họp NATO tại Bỉ.
Đây là chuyến đi để ông Trump đưa ra thông điệp và lấy lại hình ảnh của mình. Tuy nhiên, thông điệp của ông có thể sẽ phải cạnh tranh với lời khai của cựu Giám đốc FBI Jame Comey tại phiên điều trần trước Ủy ban Giám sát nhà ở và cải cách chính phủ của Quốc hội Mỹ.
Theo các chuyên gia phân tích, lời khai của ông Comey là rủi ro lớn nhất với thị trường trong tuần này.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng sẽ không quên biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư.
Thị trường đang đánh giá có tới 74% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 tới và 44% cơ quan này sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm vào tháng 12. Trong lịch sử, Fed chưa bao giờ tăng lãi suất khi kỳ vọng của thị trường dưới 50%.
Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Dow Jones tăng 141,82 điểm (+0,69%), lên 20.804,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,01 điểm (+0,68%), lên 2.381,73 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,57 điểm (+0,47%), lên 6.083,70 điểm.
Trên thị trường châu Á
Chỉ số Nikkei 255 của Nhật Bản tăng điểm khi đồng Đôla vẫn đang yếu đi vào ngày giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, dòng tiền nhập cuộc chưa quá lớn do giới đầu tư vẫn còn lo lắng về tình hình chính trị tại Mỹ.
Yutaka Miura, chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Mizuho Securities, cho biết: "Còn quá sớm để các nhà đầu tư theo đuổi một thị trường tăng cao, và rằng các chính sách kinh tế của Donald Trump sẽ có khả năng xói mòn lòng tin của giới đầu tư về kết quả của chúng, khi khủng hoảng chính trị ở Nhà trắng chưa có dấu hiệu cải thiện nào".
Trong phiên, cổ phiếu của Toyota Motor tăng 0,4%, Nissan Motor Co giảm 0,2%, trong khi Panasonic Corp giảm 0,1%.
SoftBank Group tăng hơn 2% và đã giúp Nikkei tăng 20 điểm sau khi huy động hơn 93 tỷ USD để đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ với quỹ đầu tư chính của Saudi Arabia.
Cổ phiếu ngành khai thác dầu mỏ có một phiên tăng điểm tích cực, sau khi giá dầu thô tăng trở lại sau khi OPEC cắt giảm sản lượng khai thác.
Inpex Corp tăng 1,4% và Japan Petroleum Exploration tăng 0,6%.
Chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở mức cao nhất trong 22 tháng qua, nhờ vào tâm lý khá sôi động từ giới đầu tư tại một số thị trường Châu Á, sau khi phố Wall tăng điểm vào ngày thứ 6 tuần trước. Cùng với đó là dòng tiền đổ vào ổn định từ Trung Quốc đại lục.
Dữ liệu từ Jefferies Hong Kong Ltd cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đã dùng 1,54 tỷ USD để mua vào cổ phiếu Hồng Kông vào tuần trước, đánh dấu đợt tăng mạnh nhất trong năm nay và tuần mua ròng thứ 22.
Theo một thông tin khác từ Shanghai - Hong Kong Stock Connect, lượng mua ròng hàng tuần đạt 2,2 tỷ đô la Hồng Kông, mức cao nhất trong 8 tuần.
Tencent, một trong những cổ phiếu ưa thích của các nhà đầu tư đại lục, đã tăng 2,5% lên mức cao kỷ lục mới, tính chung từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng tới 45%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, chỉ số chính Shanghai Composite giằng co trong vài tuần qua do lo ngại về sự suy thoái kinh tế và các quy định nặng tay nhằm hạn chế rủi ro tài chính của Chính phủ.
Trung tâm Thông tin Quốc gia của Trung Quốc cho biết vào cuối tuần qua rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ đạt khoảng 6,8% trong quý II năm nay, thấp hơn 0,1% so với quý I.
Will Ballard, người đứng đầu các thị trường mới nổi và thị trường chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương của Aviva Investors cho biết: "Khi tăng trưởng đang diễn ra tốt, họ (chính phủ Trung Quốc) bắt đầu giảm dần một chút thanh khoản, tăng lãi suất theo tương ứng và tăng cường chiến dịch dọn dẹp đầu cơ rủi ro khu vực tài chính.
Trong ngày, khoảng 30 cổ phiếu mới niêm yết đã giảm sàn 10% vì kỳ vọng về nguồn cung cổ phiếu mới sẽ gây áp lực cạnh tranh lên cổ phiểu của mình.
Theo một quan chức của Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc dự kiến sẽ phê duyệt 500 đợt IPO, trị giá khoảng 300 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay.
Kết thúc phiên 22/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 87,52 điểm (+0,45%), lên 19.678,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 216,47 điểm (+0,86%), lên 25.391,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,96 điểm (-0,48%), xuống 3.075,68 điểm.
Thị trường vàng, ngoại tệ
- Giá vàng SJC bất động. Tỷ giá USD giao dịch quanh 22.730 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau giờ mở cửa giảm 30.000 đồng/lượng. Đến cuối giờ chiều, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,40 - 36,62 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.372 đồng/USD, giảm 2 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.660 - 22.730 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- FinTech: Đối thủ hay đối tác của ngân hàng Việt?
Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam cuối tuần qua cho biết, đầu tư toàn cầu vào các công ty FinTech năm 2015 là 19,1 tỷ USD.
Trong đó 13,8 tỷ USD được đầu tư vào các công ty FinTech do các quỹ đầu tư mạo hiểm bảo trợ cho 653 dự án và thúc đẩy khởi nghiệp mạnh mẽ trong lĩnh vực này..>> Chi tiết
- Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), PVN “mất trắng” 5.000 tỷ đồng?
Theo báo cáo tài chính của DQS tại thời điểm bàn giao từ Vinashin về PVN ngày 30/6/2010, vốn điều lệ của công ty hơn 3.758 tỷ đồng nhưng lỗ luỹ kế lên tới 1.235 tỷ đồng và tổng khoản nợ phải trả 7.440 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỷ đồng (70% vay bằng ngoại tệ).
DQS được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ..>> Chi tiết
- Masayoshi Son - nhà đầu tư quyền lực nhất giới công nghệ
Cuối tuần trước, Softbank Vision Fund thông báo đã huy động được hơn 93 tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, như trí tuệ nhân tạo hay robot.
Đây hiện là quỹ đầu tư cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới, được chống lưng bởi Softbank Group (Nhật Bản) và một quỹ đầu tư quốc gia Public Investment Fund (PIF) của Saudi Arabia.. >> Chi tiết
- CEO GM thành công nhờ chiến lược “phòng thủ lợi nhuận“
Chiến lược “phòng thủ lợi nhuận” của GM đã mang lại dấu hiệu tài chính tích cực. Nhà sản xuất ô tô 109 năm tuổi này đã thu được hơn 12 tỷ USD lợi nhuận trước thuế ở Bắc Mỹ vào năm ngoái, so với 9 tỷ USD của đối thủ Ford. GM cũng thu lợi từ Trung Quốc gấp đôi Ford.
Và trong khi Toyota dự kiến lợi nhuận có thể giảm trong năm tài chính thứ hai liên tiếp thì GM dự đoán mình có thể gia tăng lợi nhuận thêm 5% so với năm ngoái, tạo nên kỷ lục mới... >> Chi tiết