Thị trường tài chính 24h: Cổ phiếu ngân hàng chưa được hưởng lợi từ việc nới room tín dụng

Thị trường tài chính 24h: Cổ phiếu ngân hàng chưa được hưởng lợi từ việc nới room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tiếp tục lùi bước; Các ngân hàng đã xác nhận room tín dụng vừa được điều chỉnh; Thâu tóm ngược và chuyện bảo vệ cổ đông nhỏ; Room tín dụng không đủ kích tiền lớn vào thị trường chứng khoán; Saudi Arabia bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 8/9 tăng 100.000 so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,15 – 66,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 15,7 USD lên mức 1.717,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 109,70 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.281 đồng/USD, tăng 20 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.390 – 23.670 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 19.300 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ đi ngang cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,35 USD (-0,43%), xuống 81,59 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,37 USD (-0,42%), xuống 87,63 USD/thùng.

VN-Index tiếp tục giảm

Sau phiên sáng giao dịch thận trọng, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục diễn biến nhàm chán này, VN-Index rung lắc và giằng co nhẹ quanh tham chiếu và bất ngờ có nhịp giảm khá mạnh trong phiên ATC, khiến chỉ số lùi về dưới 1.235 khi đóng cửa.

Nhóm trụ cột ngân hàng đồng loạt chìm trong sắc đỏ với VCB -2,5%, LPB -5,5%, SHB -4,4%, VIB -3,7%, BID -2,9%, HDB -2,3%, MSB -2,1%...

Họ cổ phiếu FLC nổi sóng với FLC, HAI, AMD cũng như ART và KLF trên HNX đã bùng nổ, khi tất cả đều đóng cửa ở mức giá trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 0,48 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 81,26 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/9: VN-Index giảm 8,57 điểm (-0,69%), xuống 1.234,6 điểm; HNX-Index giảm 1,91 điểm (-0,67%), xuống 282,15 điểm; UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 90,31 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall có phiên tăng tốt nhất trong gần một tháng vào ngày thứ Tư (7/9), khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ hạ nhiệt.

Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm từ mức cao nhất trong ba tháng xuống dưới 3,3% đã thúc đẩy các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như Tesla tăng 3,4%, Microsoft Corp tăng gần 2% và Amazon.com tăng 2,7%.

Trọng tâm chính giới đầu tư hướng tới là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Năm và dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ vào tuần tới để biết thêm manh mối về đường lối của chính sách tiền tệ của Fed.

Kết thúc phiên 7/9, chỉ số Dow Jones tăng 435,98 điểm (+1,40%), lên 31.581,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 71,68 điểm (+1,83%), lên 3.979,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 246,99 điểm (+2,14%), lên 11.791,90 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, được thúc đẩy mới đà tăng của phố Wall đêm qua và đồng yên giảm so với đồng USD làm tăng hy vọng về triển vọng tốt hơn cho các công ty xuất khẩu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,31% lên 28.065,28 điểm. Chỉ số Topix tăng 2,19% lên 1.957,62 điểm.

Đồng USD đang dao động gần mức cao nhất trong hai thập kỷ so với đồng yên, sau khi tăng lên mức đỉnh 24 năm trong phiên trước đó, do chính sách tiền tệ ôn hòa của Nhật Bản trái ngược với Fed.

Shuji Hosoi, chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết: “Đồng yên suy yếu về cơ bản là tốt cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản và điều đó có thể thúc đẩy thu EPS của họ”.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 3,33% và tạo lực đẩy tốt nhất cho Nikkei 225, theo sau là nhà sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron tăng 2,17%.

Bên cạnh đó, Hãng sản xuất điều hòa không khí Daikin Industries tăng 3,61% và nhà đầu tư công nghệ SoftBank Group tăng 2,44% cũng góp phần tích cực đến thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, bất chấp sự phục hồi ở các thị trường châu Á khác, khi đợt bùng phát Covid-19 tại nước này kéo dài khiến tâm lý suy giảm và làm mờ đi triển vọng hồi phục kinh tế.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 0,33% xuống 3.235,69 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,43% xuống 4.037,68 điểm.

Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, đã mở rộng mức động phong tỏa ở hầu hết các huyện vào thứ Năm, để ngăn chặn sự lây truyền Covid-19 ở thành phố 21,2 triệu dân.

Phiên này, cổ phiếu chất bán dẫn giảm 1,3% và năng lượng mới giảm 1,5%. Trái lại, cổ phiếu liên quan đến du lịch và các công ty vận tải tăng lần lượt 2,2% và 1,2%.

Chứng khoán Hồng Kông đã giảm phiên thứ sáu liên tiếp, dao động quanh mức thấp nhất trong nửa năm do áp lực ở nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1% xuống 18.854,62 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,18% xuống 6.436,60 điểm. Cả hai chỉ số đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 15/3.

Chỉ số phụ theo dõi ngành công nghệ giảm hơn 1%, trong đó Tencent giảm 3,2% để trở thành lực cản lớn nhất đối với điểm chuẩn Hang Seng.

Các nhà môi giới cho biết, một lượng cổ phiếu Tencent trị giá khoảng 58 tỷ HKD Hồng Kông (7,4 tỷ USD) đã xuất hiện trong hệ thống thanh toán và bù trừ của Hồng Kông, gây ra suy đoán rằng một cổ đông lớn đang chuẩn bị bán một số lượng lớn cổ phiếu.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ, phục hồi từ mức thấp nhất trong bảy tuần khi đà tăng của đồng USD chững lại.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 7,82 điểm, tương đương 0,33% lên 2.384,28 điểm.

Trong tuần, KOSPI giảm 1,04% và đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp.

Thị trường tài chính của Hàn Quốc sẽ đóng cửa từ thứ Sáu đến thứ Hai tuần sau để nghỉ lễ.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,71% trong khi đối thủ SK Hynix đứng giá.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 0,31%, nhưng công ty mẹ LG Chem tăng 3,37%, trong khi Samsung SDI và SK Innovation lần lượt tăng 3,07% và 2,71%.

Kết thúc phiên 8/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 634,98 điểm (+2,31%), lên 28.065,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,71 điểm (-0,33%), xuống 3.235,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 189,68 điểm (-1,00%), xuống 18.854,62 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 7,82 điểm (+0,33%), lên 2.384,28 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Các ngân hàng đã xác nhận room tín dụng vừa được điều chỉnh

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số ngân hàng đã tiết lộ mức room tín dụng vừa được điều chỉnh..>> Chi tiết

- Thâu tóm ngược và chuyện bảo vệ cổ đông nhỏ

Câu chuyện nhóm cổ đông lớn Công ty cổ phần ANI (mã SIC) mua sở hữu hơn 90% cổ phần rồi muốn hủy tư cách công ty đại chúng, huỷ niêm yết là một ví dụ của tình huống thâu tóm, sáp nhập ngược..>> Chi tiết

- Room tín dụng không đủ kích tiền lớn vào thị trường chứng khoán

Theo ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, việc Ngân hàng Nhà nước cấp lại room tín dụng cho các ngân hàng thương mại khó có thể tác động lớn đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán..>> Chi tiết

- Saudi Arabia bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia khẳng định động thái mới nhất của OPEC+ cho thấy liên minh này rất chu đáo, quan tâm và chủ động trong việc hỗ trợ thị trường ổn định, vì lợi ích của ngành dầu mỏ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan