Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/6 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 67,65 – 68,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 10,2 USD xuống mức 1.808,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi dần và lên trên 1.825 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,80 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.093 đồng/USD, tăng 4 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.080 – 23.360 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về dưới mốc 22.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và về gần 20.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,40 USD (-1,18%), xuống 117,53 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,41 USD (-1,16%), xuống 119,76 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index lại giảm sâu
Áp lực bán dần gia tăng trong khi lực cầu tham gia khá thận trọng khiến VN-Index rơi về dưới 1.210 điểm điểm và thậm chí đã thủng 1.200 điểm trong phiên chiều.
Chỉ đến khi chạm 1.195 điểm, lực cầu bắt đáy mới được kích hoạt đã giúp thị trường bật mạnh trở lại, nhưng đóng cửa vẫn giảm hơn 16 điểm với số mã nằm sàn la liệt.
Phiên này, dòng chứng khoán vẫn tiêu cực nhất với hàng loạt mã như VND, SSI, VIX, APG, FTS, BSI, HCM, CTS, AGR đều kết phiên giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu bất động sản với hàng loạt mã như DIG, HBC, LDG, DRH, VPH, VCG, DXG, KHG… đều đóng cửa tại mức giá sàn.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,37 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 171,51 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 15/6: VN-Index giảm 16,38 điểm (-1,33%) xuống 1.213,93 điểm; HNX-Index giảm 6,83 điểm (-2,35%) xuống 283,25 điểm; UpCoM-Index giảm 1,97 điểm (-2,17%) xuống 88,65 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giao dịch thận trọng phiên ngày thứ Ba (14/6), khi cuộc họp thường kỳ của Fed đến gần.
Giới đầu tư giao dịch cầm chừng ngay trước thềm cuộc họp thường kỳ trong hai ngày 14 và 15/6 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed. Các nhà phân tích dự báo 90% Fed sẽ thông báo nâng lãi suất thêm 0,75%.
Phiên này, chỉ số S&P 500 đã giảm phiên thứ năm liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ đầu tháng 1/2022 và ghi nhận giảm giảm 22% so với mức đỉnh cao kỷ lục gần nhất.
Cổ phiếu công nghệ đã chứng kiến sự phục hồi ngắn trong phiên, dẫn đầu là cổ phiếu Tesla tăng 24%, Microsoft nhích 0,92% và Nvidia tăng 1,21%.
Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Dow Jones giảm 151,91 điểm (-0,50%), xuống 30.364,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,15 điểm (-0,38%), xuống 3.735,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 19,12 điểm (+0,18%), lên 10.828,35 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ tư liên tiếp, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi quyết định chính sách tiền tệ của Fed Kỳ vào cuối ngày.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,14% xuống 26.326,16 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,2% xuống 1.855,93 điểm.
Phiên này, năng lượng là lĩnh vực hoạt động kém nhất, giảm 3,72% sau khi giá dầu thô giảm. Chỉ có lĩnh vực tài chính tăng 0,3% trong bối cảnh lợi suất trái phiếu toàn cầu gia tăng, và bất động sản tăng 0,37%.
Thị trường tiền tệ hiện chắc chắn rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào cuối ngày, đây sẽ là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1984, sau khi dữ liệu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đang tăng nóng.
Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, sau khi dữ liệu cho thấy sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong tháng 5 và các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm hỗ trợ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,5% lên 3.305,41 điểm, Chỉ số CSI300 blue chip tăng 1,32% lên 4.278,22 điểm.
Trung Quốc vừa công bố sản lượng công nghiệp trong tháng 5 đã tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi trong tháng 4, chỉ số này giảm 2,9%.
Nhưng trong khi các nhà đầu tư hy vọng sẽ tiếp tục được hỗ trợ cho nền kinh tế, thì ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chọn giữ nguyên lãi suất cho vay trung hạn vào thứ Tư.
“Chính phủ có thể sẽ đối phó với sự yếu kém của nền kinh tế bằng cách đưa ra nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn. Đồng thời, để tránh đòn bẩy tăng nhanh, chính phủ cũng có thể tiếp tục bãi bỏ quy định đối với một số lĩnh vực để giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thuế và việc làm”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng nhờ hưởng lợi từ dữ liệu sản xuất công nghiệp tại Đại lục cũng như nhóm cổ phiếu bất động sản và công nghệ nâng đỡ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,14%, lên 21.308,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,63% lên 7.452,89 điểm.
Chỉ số phụ của theo dõi ngành bất động sản tăng 3,13%, chỉ số công nghệ tăng 2,35% và lĩnh vực tài chính tăng 1,48%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, cũng bởi lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở trong và ngoài nước
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 45,59 điểm, tương đương 1,83% xuống 2.447,38 điểm, kéo dài chuỗi giảm điểm lên phiên thứ bảy liên tiếp và đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 9/11/2020.
Nhà phân tích Huh Jae-hwan của Eugene Investment and Securities cho biết, áp lực lên thị trường chứng khoán buộc các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải bán cổ phần đang giữ đòn bẩy cao do thua lỗ lớn gần đây.
Kết thúc phiên 15/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 303,70 điểm (-1,14%), xuống 26.326,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,50 điểm (+0,50%), lên 3.305,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 240,22 điểm (+1,14%), lên 21.308,21 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 45,59 điểm (-1,83%), xuống 2.448,38 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tín dụng qua kênh trái phiếu trong tầm kiểm soát
Điều này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định tại Nghị trường Quốc hội cuối tuần qua..>> Chi tiết
- Thấy gì từ 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu top đầu?
Hai doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất đều có dấu hiệu rủi ro cho trái chủ..>> Chi tiết
- Lá chắn phòng thủ từ cổ phiếu điện
Cổ phiếu có tính phòng thủ như ngành điện được kỳ vọng mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt khi thị trường đối mặt với nhiều biến số khó lường..>> Chi tiết
- Vượt qua trở lực tháng 6
“Cơ hội từ định giá giảm trên thị trường phù hợp với dòng tiền đầu tư dài hạn hơn, dù lâu rồi mới nhìn thấy cơ số những cổ phiếu lớn, đầu ngành có định giá như hiện nay”, Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital)..>> Chi tiết
- Bloomberg: Các nền kinh tế toàn cầu phải trả giá sau những nhận định sai lầm về lạm phát
Sau khi các ngân hàng trung ương nhận ra rằng họ đã nhận định sai lạm phát vào năm ngoái, các hướng dẫn chính sách thay đổi đang khiến thị trường rung chuyển và thổi bay các giá trị tài sản có được từ sự phục hồi của đại dịch..>> Chi tiết