Thị trường tài chính 24h: Cổ đông ngân hàng hào hứng với cổ tức bằng cổ phiếu

Thị trường tài chính 24h: Cổ đông ngân hàng hào hứng với cổ tức bằng cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index về dưới 1.240 điểm; Cổ đông ngân hàng lại thích cổ tức bằng cổ phiếu; Khi cổ đông thể hiện quyền làm chủ tại đại hội cổ đông; Cổ phiếu ngành điện nhấp nháy; Quan hệ nhà đầu tư yếu kém, cổ phiếu chỉ có sóng ngắn hạn; Chứng khoán châu Á giao dịch tích cực; Goldman Sachs: Đồng là "dầu mới" khi thế giới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/4 tăng 90.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 6.000 đồng/lượng chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,08 – 55,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 27,2 USD lên 1.763,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và leo lên trên gần 1.775 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,15% xuống 91,55 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.196 đồng, giảm 4 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.980 - 23.160 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,04 USD (+0,06%), lên 63,50 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent ) tăng 0,02 USD (+0,03%), lên 66,96 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index thêm một phiên mất hơn 8 điểm

Sau hơn 2/3 phiên sáng nỗ lực giữ sắc xanh nhờ một số trụ đỡ như VHM, VIC, thị trường đã đột ngột lao mạnh và thủng 1.240 điểm.

Trong phiên chiều, lệnh bán ồ ạt tung ra đẩy thị trường chìm sâu, có thời điểm mất hơn 20 điểm, nhưng hồi khá nhanh sau đó lên gần 1.240 điểm, trước khi nghẽn lệnh khiến VN-Index đi ngang cho đến khi đóng cửa.

Nhóm ngân hàng là gánh nặng chính như TPB -3,8%, VPB -2,1%, BID -2,4%, HDB -2,6%, VCB, TCB, STB và MBB cùng giảm hơn 1,1%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi ROS và FLC vẫn tiếp tục vững chắc. Đặc biệt là ROS giữ mức tăng 6,9% với thanh khoản khủng, lên mức 101,77 triệu đơn vị và dư mua trần 3,19 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8,95 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 531,93 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/4: VN-Index giảm 8,54 (-0,68%), xuống 1.238,71 điểm; HNX-Index giảm 3,01 điểm (-1,02%), xuống 293,11 điểm; UpCoM-Index giảm 0,91 điểm (-1,1%), xuống 81,79 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall bật tăng trong phiên ngày thứ Năm (15/4) sau khi nhận dữ liệu kinh tế lạc quan.

Bộ Thương mại Mỹ báo cáo, doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi 9,8% trong tháng 3, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh mẽ nhất ghi nhận được từ tháng 5/2020 và cao hơn nhiều so với có số 5,9% được dự báo.

Các nhà kinh tế học tại Morgan Stanley đã nâng ước tính tăng trưởng GDP quý đầu tiên của Mỹ thêm 1 điểm phần trăm, lên mức 9,7%. Trước đó, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 4,3% trong quý IV/2020.

Kết thúc phiên 15/4, chỉ số Dow Jones tăng 305,1 điểm (+0,9%), lên 34.035,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 45,76 điểm (+1,11%), lên 4.170,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 180,92 điểm (+1,31%), lên 14.038,76 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu chip lớn nâng đỡ, mặc dù những lo ngại về triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp đã hạn chế đà đi lên của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,14% lên 29.683,37 điểm. Chỉ số Topix nhích 0,09% lên 1.960,87 điểm.

Cổ phiếu liên quan đến chip tăng sau khi TSMC báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên năm 2021 tăng 19,4% nhờ nhu cầu chip bùng nổ trên toàn cầu. Theo đó, Advantest tăng 0,38%, Tokyo Electron tăng 0,37% và Renesas Electronic tăng 2,48%.

Tuy nhiên, chiến lược gia trưởng Shingo Ide của Viện Nghiên cứu NLI chỉ ra rằng, các nhà đầu tư đang thận trọng hơn về triển vọng của các doanh nghiệp niêm yết trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên vào tuần tới.

Giao dịch đáng kể tại cổ phiếu Toshiba, khi giảm 6,03% sau một báo cáo rằng, Toshiba có thể từ chối việc “bán mình” cho CVC Capital Partners.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi dữ liệu tăng trưởng GDP quý I tăng vọt của nước này đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,81% lên 3.426,62 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,35% lên 4.966,18 điểm.

Nền kinh tế Trung Quốc trong quý I/2021 tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ khi số liệu này được công bố lần đầu tiên vào năm 1993. Tuy vậy, mức tăng trưởng 18,3% trong quý I/2021 vẫn thấp hơn mức trung bình 18,5% mà nhà phân tích dự đoán với Bloomberg.

Chứng khoán Hồng Kông đã tăng, được củng cố bởi dữ liệu tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,61% lên 28,969,71 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,12% lên 11.027,51 điểm.

Trong tuần, HSI tăng 0,9%, trong khi HSCE tăng nhẹ 0,5%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên tăng thứ năm liên tiếp, khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Trung Quốc và Mỹ củng cố hy vọng về một sự phục hồi kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,13%, lên 3.198,62 điểm Trong tuần, chỉ số này tăng 2,13%, đánh dấu tuần thứ tư liên tiếp đi lên.

Kết thúc phiên 16/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 40,68 điểm (+0,14%), lên 29.683,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,63 điểm +0,81%), lên 3.426,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 176,57 điểm (+0,61%), lên 28.969,71 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 4,29 điểm (+0,13%), lên 3.198,62 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cổ đông ngân hàng lại thích cổ tức bằng cổ phiếu

Mùa đại hội năm nay, cổ đông các nhà băng không còn đòi cổ tức bằng tiền, mà hào hứng với kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu..>> Chi tiết

- Cổ phiếu ngành điện nhấp nháy

Với nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi, ngành điện năm 2021 được kỳ vọng sẽ có một năm tích cực, song trên thực tế vẫn còn nhiều mối lo ngại..>> Chi tiết

- Khi cổ đông thể hiện quyền làm chủ tại đại hội cổ đông

Trong khi nhiều nhà đầu tư F0 chỉ lướt sóng cổ phiếu, không quan tâm đến chuyện đại hội đồng cổ đông thì không ít nhà đầu tư lại tranh thủ cơ hội này để nhặt nhạnh thông tin và có dịp diện kiến, đối thoại với các doanh nhân tên tuổi..>> Chi tiết

- Quan hệ nhà đầu tư yếu kém, cổ phiếu chỉ có sóng ngắn hạn

Đến mùa đại hội cổ đông, chủ đề quan hệ nhà đầu tư (IR) của doanh nghiệp lại được quan tâm..>> Chi tiết

- Goldman Sachs: Đồng là "dầu mới" khi thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch

Theo Goldman Sachs, đồng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khử cacbon và thay thế dầu bằng các nguồn năng lượng tái tạo..>> Chi tiết

Tin bài liên quan