Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 13/10 không đổi so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,00 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 7 USD lên mức 1.673,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về dưới 1.670 USD/ounce trước khi bật trở lại gần 1.675 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 113,02 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.497 đồng/USD, tăng 17 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.920 – 24.200 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co nhẹ và đứng 19.100 USD, thì sang phiên hôm nay tiếp tục xu hướng này, nhưng bất ngờ có nhịp lao dốc khá mạnh về gần 18.700 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,08 USD (-0,10%), xuống 87,18 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 92,46 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục tăng, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh
Sau phiên sáng giảm nhẹ với giao dịch thận trọng, thị trường bước vào phiên chiều với diễn biến không có nhiều khác biệt.
Dù vậy, sau thời điểm 14h, lực cầu có phần gia tăng mạnh, tập trung vẫn ở bluechip nhóm ngân hàng, cùng HPG, VRE, VNM đã giúp VN-Index lên 1.055 điểm khi đóng cửa, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh với chỉ 8.900 tỷ đồng giá trị giao dịch trên HOSE.
Về tâm lý nhà đầu tư thời điểm hiện tại, việc mua mới khá hạn chế do nhiều yếu tố rủi ro chưa được minh định, việc chỉ số tăng chủ yếu đến từ lực cung tiết giảm.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 18,51 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 465,69 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 13/10: VN-Index tăng 16,18 điểm (+1,56%), lên 1.050,99 điểm; HNX-Index tăng 1,31 điểm (+0,59%), lên 224,74 điểm; UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 78,97 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong ngày thứ Tư (12/10), kéo dài chuỗi giảm điểm lên phiên thứ sáu liên tiếp, khi giới đầu tư đầu tư chờ đợi báo cáo tiêu dùng sẽ mang đến những manh mối về tốc độ tăng lãi suất của Fed.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 của Mỹ được công bố với mức tăng 0,4% trong tháng 9, so với mức dự báo tăng 0,2%.
Sau dữ liệu PPI, Phố Wall chờ một dữ liệu lạm phát thậm chí còn quan trọng hơn, và đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày mai.
Kết thúc phiên 12/10, chỉ số Dow Jones giảm 28,34 điểm (-0,09%), xuống 29.210,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,81 điểm (-0,33%), xuống 3.577,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,09 điểm (-0,08%), xuống 10.417,10 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà giao dịch thận trọng chuẩn bị đón nhận dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,6% xuống 26.237,85 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,77% xuống 1.854,61 điểm.
Thị trường rất cảnh giác với dữ liệu lạm phát của Mỹ. Trong tháng trước, dữ liệu CPI cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng nhanh hơn mức dự báo, đưa Phố Wall đến phiên giảm tồi tệ nhất trong hơn hai năm.
Phiên này, cổ phiếu đáng chú ý nhất là Toshiba Corp, tăng 7,4%, sau khi theo báo cáo rằng một tập đoàn do Japan Industrial Partners dẫn đầu đang tìm cách mua lại tập đoàn này với giá 2,8 nghìn tỷ yên (19,07 tỷ USD).
Cổ phiếu bán dẫn tăng trở lại sau một vài phiên giao dịch đầy biến động, với các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron Ltd và Screen Holdings Co Ltd đều tăng gần 2%.
Chứng khoán Trung Quốc đóng cửa giảm điểm, do tâm lý giới đầu tư hạn chế đặt cược trước dữ liệu lạm phát của Mỹ và chiến lược chống Covid không đổi.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,3% xuống 3.016,36 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,84% xuống 3.752,67 điểm.
Trong ba ngày liên tiếp trong tuần này, Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục với các chính sách Zero Covid cứng rắn hiện nay.
Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia ứng phó Covid-19 của Trung Quốc thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia, nói vào tối thứ Tư rằng "không có thời gian biểu nhất định" để kết thúc chiến lược "Zero Covid".
“Các nhà đầu tư đang mất hy vọng vào bất kỳ việc nới lỏng chính sách chống dịch gắt gao của Trung Quốc hoặc các biện pháp kích thích có ý nghĩa đối với nền kinh tế. Mặt khác, các nước châu Á tiếp tục chứng kiến dòng vốn chảy ra khi áp lực lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao”, Steven Leung, giám đốc điều hành tại UOB Kay Hian, cho biết.
Cổ phiếu năng lượng và nhà phát triển bất động sản nằm trong số những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất, lần lượt giảm 3,8% và 2,6%. Các công ty bán dẫn đã mất 0,5% sau đợt tăng ngày hôm qua.
Chứng khoán Hồng Kông nối tiếp đà đi xuống, với nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục là lực cản lớn nhất.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,87% xuống 16.389,11 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,31% xuống 5.560,80 điểm.
Cổ phiếu các công ty công nghệ lớn đã kéo thị trường xuống thấp hơn, với chỉ số theo dõi ngành giảm mạnh 3,4%, với JD.com giảm 4,7%, Tencent và Meituan đều giảm 2,9%.
Chứng khoán Hàn Quốc lao dốc, giảm gần 2%, với việc các nhà đầu tư có cách tiếp cận thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 39,60 điểm, tương đương 1,80% xuống 2.162,87 điểm.
Nhà phân tích Lee Kyoung-min của Daishin Securities cho biết: “Điều kiện thị trường không thuận lợi đang tiếp diễn với mức lạm phát cao dẫn đến thắt chặt tiền tệ và suy thoái kinh tế”.
Dẫn đầu đà giảm trên thị trường các nhà khai thác nền tảng internet, với Naver mất 2,16%, Kakao giảm 5,12%, với các công ty con Kakaobank và Kakaopay lần lượt giảm 6,76% và 4,97%.
Kết thúc phiên 13/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 159,41 điểm (-0,60%), xuống 26.237,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,15 điểm (-0,30%), xuống 3.016,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 311,92 điểm (-1,87%), xuống 16.389,11 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 39,60 điểm (-1,80%), xuống 2.162,87 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lợi nhuận ngân hàng không thể chỉ nhìn vào con số
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, trong câu chuyện lợi nhuận các tổ chức tín dụng cần phải nhìn đầy đủ các góc độ hoạt động tài chính - ngân hàng, chứ không thể chỉ nhìn vào con số bao nhiêu tỷ đồng..>> Chi tiết
- Hàng tỷ cổ phiếu nhà băng sắp tung ra thị trường
Với các kế hoạch tăng vốn lớn ồ ạt triển khai, sàn chứng khoán chuẩn bị đón thêm hàng tỷ cổ phiếu sắp được niêm yết bổ sung..>> Chi tiết
- Trót “ôm” trái phiếu của doanh nghiệp nguy cơ vỡ nợ, nhà đầu tư nên làm gì?
Sau sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, người dân hiểu rằng, trái phiếu doanh nghiệp không an toàn như gửi tiết kiệm. Vậy nhà đầu tư đang “ôm” trái phiếu doanh nghiệp phải ứng xử ra sao?..>> Chi tiết
- Thách thức lớn nhất của châu Á là nợ và sự tháo chạy của dòng vốn
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng, những thách thức kinh tế lớn nhất của châu Á sẽ là nợ và sự tháo chạy của dòng vốn khi lãi suất tiếp tục tăng..>> Chi tiết