Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/5 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 68,30 – 69,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 12,8 USD/ounce xuống 1.853,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về 1.845 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,81 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.105 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.060 – 23.340 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 29.200 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên và có thời điểm vượt 30.000 USD trước khi bị đẩy nhẹ về 29.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,01 USD (+0,92%), lên 111,34 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,83 USD (+0,73%), lên 114,86 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index chững lại sau hai phiên tăng mạnh
Dòng tiền chậm lại sau phiên sáng khá sôi động, thị trường bước vào phiên chiều không có mấy thay đổi, một số bluechip hạ độ cao khiến VN-Index gần như chỉ rung lắc nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa gần như không đổi.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán sau phiên sáng tăng khá, cũng đã phần nào chịu áp lực chốt lời, ngoài ORS và VDS yên vị ở sắc tím thì các mã khác đều hạ độ cao,
Nhóm cổ phiếu thép giữ được mức tăng khá với HSG +2,4%, NKG +1,2%, SMC +2,9% TLH +2,1%, POM +1,7%.
Một số cổ phiếu riêng lẻ như DBC, LGL, PSH, TIP, APH, VNE, NAF, TNN, cặp đôi mía đường SBT và LSS đều đã tăng kịch trần khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,36 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 340,51 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/5: VN-Index tăng 0,14 điểm (+0,01%), lên 1.268,57 điểm; HNX-Index giảm 1,63 điểm (-0,52%), xuống 313,29 điểm; UpCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,18%), lên 94,95 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall nhích lên trong phiên ngày thứ Tư (25/5), được thúc đẩy bởi quyết tâm chống lạm phát cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Biên bản cuộc họp của các quan chức Fed vào đầu tháng này được công bố cho thấy, lập trường chính sách thắt chặt có thể sẽ trở thành quan điểm hợp lý, tùy thuộc vào sự biến đổi của triển vọng kinh tế và những rủi ro đối với triển vọng đó.
Phiên này, 9 trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500 tăng, trong đó cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu dẫn đầu với mức tăng 2,8%.
Đáng kể là hai cổ phiếu Amazon và Tesla đã nâng đỡ tốt nhất cho S&P 500 và Nasdaq, khi lần lượt tăng 2,6% và 4,9%.
Tuy nhiên, ngành bán lẻ vẫn là trọng tâm nâng đỡ thị trường, với nhà điều hành cửa hàng bách hóa Nordstrom Inc đã tăng 14% sau khi dự báo lợi nhuận và doanh thu trong năm lạc quan.
Kết thúc phiên 25/5, chỉ số Dow Jones tăng 191,66 điểm (+0,60%), lên 32.120,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,25 điểm (+0,95%), lên 3.978,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 170,29 điểm (+1,51%), lên 11.434,74 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp, do tổn thất ở các cổ phiếu liên quan đến chip đã làm lu mờ bước nhảy vọt của các công ty hàng không và đường sắt.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,27% xuống 26.604,84 điểm. Chỉ số Topix nhích nhẹ 0,05% lên 1.877,58 điểm.
Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu của Tachibana Securities, cho biết: “Đà giảm của các cổ phiếu liên quan đến chip đã đè nặng lên thị trường từ sáng nay, và kết quả là mức tăng của các hãng hàng không, đường sắt đã không thể bù đắp. Với sự thiếu vắng của các chất xúc tác trong nước, các nhà đầu tư đã tìm kiếm các tín hiệu từ nước ngoài. Nhưng ngay cả khi họ xem xét biên bản cuộc họp của Fed, các nhà đầu tư vẫn không chắc chắn liệu nền kinh tế Mỹ có cải thiện trong tương lai hay không”.
Phiên này, cổ phiếu Tokyo Electron và Advantest liên quan đến chip có ảnh hưởng mạnh nhất đến Nikkei 225 đã giảm lần lượt 2,39% và 3,63%. Hãng sản xuất robot Fanuc mất 2,18%.
Các lĩnh vực có khả năng được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế đã tăng, với các hãng hàng không tăng 2,05%, và các nhà khai thác đường sắt Keio tăng 4,8%, Đường sắt Đông Nhật Bản tăng 2,48%, giúp ngành này tăng 1,2%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, dù phần lớn thời gian trong phiên giằng co, rung lắc do các nhà đầu tư lo lắng về dấu hiệu suy giảm kinh tế, nhưng đã được an ủi với nhận xét của Thủ tướng Lý Khắc Cường về việc ổn định nền kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,5% lên 3.123,11 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,25% 3.993,04 điểm.
“Chúng ta nên cố gắng đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý trong quý thứ hai, giảm tỷ lệ thất nghiệp càng sớm càng tốt và giữ các hoạt động kinh tế trong phạm vi hợp lý,” hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời thủ tướng Lý Khắc Cường trong một cuộc họp cho biết.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đầu tư toàn cầu đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 3%, do bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng.
“Tình hình kinh tế ở Trung Quốc đã đạt đến điểm không chỉ là tăng trưởng cao hơn hay thấp hơn, mà còn là ngăn ngừa các sự kiện rủi ro hệ thống tiềm ẩn,” Alex Wolf, Trưởng bộ phận Chiến lược Đầu tư, Châu Á tại Ngân hàng Tư nhân JP Morgan cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, khi nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu do lo lại về tranh chấp kiểm toán.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,27% xuống 20.116,20 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,31% xuống 6.877,21 điểm.
Các công ty công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 0,2%, trong bối cảnh lo ngại về tranh chấp kiểm toán giữa Mỹ và Trung Quốc đối với các công ty niêm yết tại phố Wall, trong đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba giảm 1,5%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do các nhà sản xuất chip lớn kéo xuống, khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đưa ra một động thái diều hâu khác để chống lại lạm phát gia tăng.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 4,77 điểm, tương đương 0,18% xuống 2.612,45 điểm.
**Gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 0,75% và SK Hynix giảm 4,63% xuống mức thấp nhất trong bảy tháng.
BOK hôm thứ Năm đã đưa ra các đợt tăng lãi suất liên tiếp và dự báo các đợt tăng mạnh hơn nữa để đẩy lạm phát tiêu dùng xuống từ mức cao nhất trong 13 năm.
Việc tăng lãi suất phù hợp với kỳ vọng, nhưng thống đốc ngân hàng trung ương đã có lập trường diều hâu hơn nhiều trong cuộc họp báo, khiến cổ phiếu chịu áp lực, nhà phân tích Choi Yoo-june của Shinhan Financial Investment cho biết.
Kết thúc phiên 26/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 72,96 điểm (-0,27%), xuống 26.604,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,64 điểm (+0,50%), lên 3.123,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 55,07 điểm (-0,27%), xuống 20.116,20 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,77 điểm (-0,18%), xuống 2.612,45 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- "Bảo hiểm rủi ro" thiên tai cho doanh nghiệp bảo hiểm
Trong quý I/2022, trên toàn cầu, tổng tổn thất được bảo hiểm liên quan đến thời tiết ước lên tới 114 tỷ USD và sẽ còn tăng lên..>> Chi tiết
- Làm gì để đối phó với khó khăn kinh tế đang bủa vây?
Ổn định kinh tế vĩ mô, đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng cường tính minh bạch và giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính là những giải pháp được các chuyên gia kinh tế khuyến nghị..>> Chi tiết
- Cảnh báo vỡ nợ chéo từ “quả bom” trái phiếu - Kỳ 3: Bóng dáng khủng hoảng nợ manh nha xuất hiện
Bom nợ trái phiếu doanh nghiệp phát nổ khiến hiệu ứng domino vỡ nợ chéo manh nha xuất hiện. Thị trường chứng khoán bốc hơi hàng chục tỷ USD; nợ xấu trái phiếu của ngân hàng bắt đầu phát sinh..>> Chi tiết
- Gian nan gọi vốn thời giá xuống
Trong bối cảnh giá cổ phiếu lao dốc, lãi suất tăng, thời kỳ tiền rẻ chấm dứt, nhiều kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của doanh nghiệp đã bị tạm hoãn, hoặc có sự điều chỉnh cho phù hợp..>> Chi tiết
- ECB lo ngại rủi ro đe dọa ổn định tài chính của Eurozone
ECB cảnh báo tình trạng dễ bị tổn thương có thể gia tăng do sự không chắc chắn liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và những thay đổi chính sách ở các nền kinh tế phát triển..>> Chi tiết