Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán hồi phục, kỳ vọng đã tạo đáy quanh 1.280 điểm

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán hồi phục, kỳ vọng đã tạo đáy quanh 1.280 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hồi phục gần 11 điểm; Bảo hiểm xe cơ giới “mất đà”; Sức bền những phiên giao dịch tỷ USD; Cổ phiếu “chạy” trước kỳ vọng; Rủi ro đầu tư chứng quyền; Chứng khoán châu Á biến động nhẹ; Giá quặng sắt dẫn đầu đà hồi phục với kỳ vọng vào nhu cầu tăng...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 25/8 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 56,45 – 57,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 2,5 USD xuống 1.803 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về quanh 1.795 USD/ounce và đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,07% lên 92,96 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.151 đồng/USD, giảm 14 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.700 – 22.900 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,08 USD (+0,12%), lên 67,62 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,14 USD (+0,20%), lên 71,19 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm khá mạnh về gần 47.700 USD thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về gần 47.500 USD/BTC vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index có phiên hồi phục khá mạnh

Sau phiên sáng đầy thận trọng khi khi lực mua bán khá giằng co thì bước sang phiên chiều thị trường xuất hiện chuyển cơ. Sự dẫn dắt của MSN và GVR khá vững giúp dòng tiền vào mua mạnh dạn hơn, giúp VN-Index có phiên tăng hơn 10 điểm khi đóng cửa.

Đây là một phiên phục hồi kỹ thuật điển hình với điểm số tăng nhưng thanh khoản co hẹp cho thấy, lực bán được hãm lại, nhưng lực mua chưa quá quyết liệt.

Về tổng thể thị trường vẫn cần phải thận trọng vì nhịp giảm điểm bắt đầu từ hôm 20/8 khá mạnh, thông thường thì cần phải có ít nhất vài phiên hãm đà rơi và giao dịch giằng co tích lũy mới có thể kỳ vọng một nhịp bật mạnh trở lại được.

Tuy nhiên diễn biến 2 phiên hôm qua và hôm nay bắt đầu cho thấy những hy vọng về khả năng thị trường có khả năng tạo đáy quanh vùng 1.280 điểm của VN-Index.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2,43 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 47,94 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/8: VN-Index tăng 10,81 điểm (+0,83%), lên 1.309,55 điểm; HNX-Index tăng 4,22 điểm (+1,27%), lên 336,01 điểm; UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,44%), lên 91,53 điểm

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall kéo dài đà tăng sang phiên ngày thứ Ba (24/8) khi thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi việc vắc-xin Covid-19 của Pfizer được phê duyệt đầy đủ.

Việc cấp phép đầy đủ cho vắc-xin Pfizer được kỳ vọng sẽ thuyết phục được nhiều người Mỹ đi tiêm chủng hơn nữa. Nhiều người đã nói không với vắc xin với lý do FDA chưa cấp phép đầy đủ và lo ngại các phản ứng phụ vốn rất hiếm xảy ra.

Hiện giới đầu tư đang chú ý vào hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole của vào cuối tuần.

Kết thúc phiên 24/8, chỉ số Dow Jones tăng 30,55 điểm (+0,09%), lên 35.366,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,7 điểm (+0,15%), lên 4.486,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 77,15 điểm (+0,52%), lên 15,019,80 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi, khi giới đầu tư thận trọng hơn trước phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,03% xuống 27.724,80 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,08% lên 1.935,66 điểm.

Phiên này, nhóm cổ phiếu công nghệ đã kéo lùi Nikkei 225 với M3 mất 1,43%, trong khi cổ phiếu liên quan đến chip Tokyo Electron và Advantest giảm lần lượt 0,49% và 0,77%.

Thị trường cũng bị bị đè nặng bởi lo ngại về làn sóng nhiễm lây nhiễm Covid-19 ngày càng trầm trọng hơn, khi Nhật Bản dự kiến ​​sẽ mở rộng tình trạng khẩn cấp tới 8 tỉnh nữa, nâng tổng số lên 21 tỉnh.

Ở chiều ngược lại cổ phiếu các nhà sản xuất thép tăng bù đắp cho thị trường, với JFE Holdings tăng 5,07% và Nippon Steel tăng 2,79%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng cường cấp vốn ngắn hạn để giảm bớt lo lắng về thanh khoản, nhưng sự sụt giảm ở cổ phiếu tài chính, công nghệ và bất động sản đã chặn đà tăng khá nhiều.

Đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,74% lên 3.540,38 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,2% lên 4.898,16 điểm.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm thêm 50 tỷ nhân dân tệ (7,72 tỷ USD) thông qua các đợt repos ngược trong 7 ngày qua vào hệ thống ngân hàng, lớn hơn hạn mức hàng ngày trong những tháng gần đây, một trong những động thái được coi như một nỗ lực để hỗ trợ thanh khoản và nâng đỡ tâm lý thị trường.

Nhưng rủi ro tài chính trong lĩnh vực bất động sản mà một số nhà đầu tư lo ngại có thể lan rộng, sau khi một nhà cung cấp cho Tập đoàn bất động sản Evergrande Group cho biết, tập đoàn này đã không thanh toán được một số hóa đơn quá hạn.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, sau khi đã có hai phiên tăng mạnh trước đó, hoạt động giao dịch chậm lại khi giới đầu tư chờ đợi hội nghị chuyên đề thường niên của Fed vào thứ Sáu.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,13% xuống 25.693,95 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,25% xuống 9.076,03 điểm.

Phiên này, chỉ khoảng 1,56 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch, chỉ bằng 73,2% so với mức trung bình 30 ngày gần nhất của thị trường. Khối lượng giao dịch trong phiên trước là 2,05 tỷ cổ phiếu.

Chứng khoán Hàn Quốc nhích lên, mặc dù mức tăng hạn chế khá nhiều, do giới đầu tư hạn chế mở vị thế lớn trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Fed cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 0,27% lên 3.146,81 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 0,13% và SK Hynix giảm 1,43%, LG Chem tăng 1,52% và Naver giảm 1,60%.

Kết thúc phiên 25/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 7,30 điểm (-0,03%), xuống 27.724,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,91 điểm (+0,74%), lên 3.540,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 33,97 điểm (-0,13%), xuống 25.693,95 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 8,51 điểm (+0,27%), lên 3.146,81 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Bảo hiểm xe cơ giới “mất đà”

Trong tháng 7, doanh số bán xe ô tô toàn thị trường giảm 32%, tăng so với mức giảm 30% của tháng 6 và xu hướng giảm đã kéo dài kể từ đầu năm (ngoại trừ tháng 3), qua đó kéo giảm đà tăng trưởng của nghiệp vụ bảo hiểm xe giới..>> Chi tiết

- Cổ phiếu “chạy” trước kỳ vọng

Không ít cổ phiếu bất động sản, xây lắp, xây dựng… tăng giá nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công, dù các lĩnh vực đó có nhiều phân phúc và cơ hội là rất khác nhau..>> Chi tiết

- Sức bền những phiên giao dịch tỷ USD

Từ đầu tháng 8 đến nay, cùng với đà phục hồi của chỉ số, thị trường thường xuyên xuất hiện những phiên giao dịch có thanh khoản trên 1 tỷ USD..>> Chi tiết

- Rủi ro đầu tư chứng quyền

Tận dụng sức nóng của thị trường cơ sở trong các tuần đầu tháng 8, các công ty chứng khoán đã đẩy mạnh phát hành chứng quyền..>> Chi tiết

- Giá quặng sắt dẫn đầu đà hồi phục với kỳ vọng vào nhu cầu tăng

Giá hợp đồng tương lai quặng sắt đang dẫn đầu đà hồi phục của các kim loại công nghiệp khi mối lo ngại về suy thoái kinh tế do biến thể delta giảm bớt và triển vọng về các biện pháp kích thích bổ sung ở Trung Quốc đã làm tăng triển vọng về nhu cầu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan