Doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Ảnh: Dũng Minh

Doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Ảnh: Dũng Minh

Bảo hiểm xe cơ giới “mất đà”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 7, doanh số bán xe ô tô toàn thị trường giảm 32%, tăng so với mức giảm 30% của tháng 6 và xu hướng giảm đã kéo dài kể từ đầu năm (ngoại trừ tháng 3), qua đó kéo giảm đà tăng trưởng của nghiệp vụ bảo hiểm xe giới.

6 tháng, bảo hiểm xe cơ giới chỉ tăng trưởng 2%

Dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn, giảm phí, tặng quà, đẩy mạnh bán bảo hiểm trên web và các trang thương mại điện tử, nhưng với bảo hiểm xe cơ giới, nếu sức mua xe giảm sâu thì nghiệp vụ này cũng khó tăng trưởng cao.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 6/2021 đạt 23.587 xe, bao gồm 15.802 xe du lịch; 7.131 xe thương mại và 654 xe chuyên dụng, trong đó doanh số bán xe du lịch giảm 10%; xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng giảm 25% so với tháng liền trước. Số lượng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 6/2021 đạt lần lượt 13.365 xe và 10.222 xe, giảm tương ứng 3% và 13% so với tháng trước đó.

Bước sang tháng 7, doanh số bán ô tô tiếp tục giảm, khi theo VAMA, con số này đạt 16.035 xe các loại, giảm 32% so với tháng trước đó.

Việc doanh số xe bán mới liên tục sụt giảm đã tác động lớn đến doanh thu khai thác bảo hiểm xe cơ giới của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Trên thực thế, bảo hiểm xe cơ giới luôn là nghiệp vụ giữ thị phần doanh thu đứng đầu và có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng thời gian qua không còn giữ được “phong độ” và mất đà tăng trưởng 2 con số khi lượng xe bán ra sụt giảm mạnh.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của một số doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ ngang bằng năm ngoái, thậm chí có doanh nghiệp không tăng trưởng.

Đơn cử, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - hãng bảo hiểm có thị phần đứng thứ ba về tổng doanh thu phí bảo hiểm và thứ nhất về thị phần doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới cho biết, việc duy trì đà tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới gặp nhiều khó khăn những tháng qua, thậm chí có thời điểm doanh thu của nghiệp vụ chủ chốt này còn rơi vào trạng thái tăng trưởng âm. Thống kê sơ bộ 6 tháng năm 2021 của hãng bảo hiểm này cho thấy, dù bảo hiểm vật chất ô tô có tăng, nhưng do bảo hiểm trách nhiệm dân sự giảm mạnh nên tính chung, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới không tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, nghiệp vụ bảo hiểm ô tô của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) trong 6 tháng qua cũng tăng trưởng chưa đến 2 con số, vào khoảng 8%. Trong khi đó, số liệu chính thức được Bảo hiểm BIDV (BIC) công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới của hãng bảo hiểm này chỉ tăng khoảng 5%.

Xét theo nghiệp vụ, nhiều năm qua, bảo hiểm xe cơ giới luôn là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất nhì trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp phi nhân thọ. Chính vì thế, sự sụt giảm doanh thu đến từ nghiệp vụ này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng tổng doanh thu của nhà bảo hiểm.

Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đạt 8.525 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,8% trong tổng doanh thu toàn thị trường, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.107 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,1% và giảm gần 1% so với cùng kỳ.

Theo lý giải của các doanh nghiệp bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự tăng mạnh trong năm 2020 nhờ chính sách kiểm tra tăng cường của cơ quan chức năng đối với loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, trong năm nay, chính sách này không còn được áp dụng khiến tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới chậm lại, bên cạnh việc doanh số bán xe ô tô suy giảm.

Chưa dễ phục hồi

Theo thống kê của VAMA, ngoại trừ tháng 3 ghi nhận doanh số bán các loại xe tăng mạnh, còn lại 6 tháng qua đều giảm và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong tháng 8 này do rơi vào thời điểm tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) nên người dân hạn chế giao dịch tài sản có giá trị lớn, bao gồm cả việc mua ô tô, thậm chí có thể kéo dài hơn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Lượng xe ô tô bán mới ra thị trường gặp khó khăn được nhìn nhận sẽ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động khai thác bảo hiểm những tháng cuối năm, cho dù hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang đẩy mạnh triển khai các chương trình thi đua bán hàng, hỗ trợ thu nhập cho cán bộ khai thác/kinh doanh trực tiếp trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và tăng cường sử dụng công nghệ vào khai thác nghiệp vụ này.

Đơn cử, tại PJICO, ngoài việc triển khai Golive - ứng dụng quản lý bán hàng qua hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex, triển khai cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho sản phẩm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới và tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về sản phẩm, cách thức cấp đơn qua phần mềm cấp đơn trực tuyến cho các đối tác đại lý tổ chức, ngân hàng…, hãng bảo hiểm này còn lên kế hoạch triển khai chương trình bảo hiểm liên kết với hãng xe có thị phần lớn nhất Việt Nam là Hyundai Thành Công nhằm gia tăng doanh số bán hàng.

Bảo hiểm PVI cũng đã ký kết với sàn thương mại điện tử Tiki để triển khai bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới theo Nghị định 3/2021/NĐ-CP của Chính phủ. BIC tung ra chương trình ưu đãi kéo dài từ nay đến ngày 31/12/2021 với việc kèm tặng sản phẩm bảo hiểm con người có mức chi trả lên tới 25 triệu đồng/sản phẩm cho khách hàng mua bảo hiểm vật chất ô tô.

Trong khi đó, PTI cũng có nhiều nỗ lực để duy trì vị trí số 1 về bảo hiểm xe cơ giới hiện tại. Nhà bảo hiểm này đang ứng dụng công nghệ thông tin ở 2 giai đoạn trọng điểm là mua hàng và bồi thường. Cụ thể, ở giai đoạn mua hàng, PTI mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như Mai Linh, VNPT và các sàn thương mại điện tử lớn bằng việc tích hợp các công cụ bán hàng online hiện đại, qua đó hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để tránh dịch. Đối với giai đoạn bồi thường, PTI cũng tối giản hóa các quy trình, thủ tục bằng ứng dụng công nghệ, khách hàng được cập nhật thường xuyên tiến độ bồi thường ngay trên các thiết bị di động thông minh của mình…

Liên quan tới phí tái tục, theo đại diện PTI, thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt nên loại phí này không dễ giữ ổn định, vì kết thúc hợp đồng khách hàng có thể chuyển qua các công ty bảo hiểm mới hoặc không tham gia bảo hiểm nữa do gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác trên tập khách hàng hiện hữu, điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh gia tăng phí tái tục sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Tuy nhiên, doanh thu khai thác mới vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nên nếu lượng xe hơi bán ra còn giảm thì nghiệp vụ bảo hiểm xe còn gặp khó.

Vì thị trường vẫn còn nhiều biến động, khó khăn còn kéo dài đối với việc khai thác các nghiệp vụ chủ chốt như bảo hiểm xe cơ giới, nên dù hiện chưa có động thái về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh, nhưng các công ty bảo hiểm đều đang theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh Covid-19 để kịp thời đưa ra sự điều chỉnh nếu cần.

Tin bài liên quan