Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán gặp ngưỡng cản mạnh

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán gặp ngưỡng cản mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index hụt mốc 1.280 điểm; Lãi suất vẫn trong đà tăng; Dòng tiền chực chờ cơ hội; Ngân hàng Việt vẫn mỏng vốn; Nền kinh tế toàn tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ khi Covid xuất hiện… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 17/8 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,20 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 4,5 USD xuống mức 1.775,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng gần như chỉ đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,52 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 đồng/USD, tăng 19 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.265 – 23.545 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co quanh 24.000 USD, thì sang phiên hôm nay có thời điểm vọt lên 24.400 USD, trước khi lùi nhanh về gần 23.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,44 USD (+0,51%), lên 86,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,51 USD (+0,55%), lên 92,85 USD/thùng.

VN-Index chỉ nhích nhẹ khi đối diện ngưỡng cản mạnh

Trong phiên sáng, dòng tiền sôi động giúp VN-Index thử thách ngưỡng cản 1.280 điểm nhưng thất bại do thiếu động lực.

Bước vào phiên chiều, lực mua tích cực hơn giúp VN-Index một lần nữa lên test lại ngưỡng 1.280 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn đang là ngưỡng cản mạnh, nên thêm một lần thất bại khi lực bán ra tăng ở vùng điểm này, đẩy VN-Index lần này xuống hẳn dưới tham chiếu trước khi bật nhẹ lên đóng cửa tăng nhẹ.

Trong số bluechip, PDR khởi sắc nhất khi tăng +6,8%, sát mức trần với thanh khoản 5,21 triệu đơn vị. Hai mã VIC và MSN cũng nới rộng đà tăng khi đóng cửa cùng tăng 2,1%.

Tâm điểm chú ý chiều này là nhóm cổ phiếu FLC và HAI, sau thông tin HOSE sẽ thực hiện đình đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu của hai công ty này, khiến cả hai cổ phiếu giảm sàn, trong đó FLC dư bán sàn tới gần 20 triệu đơn vị, HAI dư bán sàn hơn 4,4 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,27 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 63,19 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/8: VN-Index tăng 0,59 điểm (+0,05%), lên 1.275,28 điểm; HNX-Index giảm 0,43 điểm (-0,14%), xuống 302,59 điểm; UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,24%), lên 93,07 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng điểm trong phiên ngày thứ Ba (17/8), nhờ kết quả kinh doanh và triển vọng tốt hơn mong đợi từ Walmart và Home Depot, trong khi cổ phiếu công nghệ giảm và đè nặng lên Nasdaq.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ như Walmart tăng 5,1% sau khi dự báo lợi nhuận cả năm giảm ít hơn so với dự kiến ​​trước đó, trong khi Home Depot tăng 4,1% sau khi vượt qua ước tính về doanh số quý vừa qua.

Trái lại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi lên đã đè nặng lên nhóm công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng cao khác, với Microsoft, Apple, Tesla, Meta…đều chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 16/8, chỉ số Dow Jones tăng 239,57 điểm (+0,71%), lên 34.152,01 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,06 điểm (+0,19%), lên 4.305,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 25,50 điểm (-0,19%), xuống 13.102,55 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng và đóng cửa ở trên mốc tâm lý 29.000 điểm, lần đầu tiên sau hơn 7 tháng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,23% lên 29.222,77 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 5/1. Chỉ số Topix tăng 1,26% lên 2,006,99 điểm.

Takatoshi Itoshima, chiến lược gia tại Pictet Asset Management Japan, cho biết: “Chứng khoán Mỹ mạnh mẽ nhờ tâm lý tích cực với nhóm cổ phiếu bán lẻ đã tác động tích cực đến thị trường Nhật Bản”.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing đã thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 lớn nhất, tăng 2,8%, tiếp theo là nhà sản xuất máy lạnh Daikin Industries, tăng 2,02% và công ty điện thoại KDDI, tăng 1,43%.

Cổ phiếu Tokyo Electric Power Holdings đã tăng thêm 3,66% với kỳ vọng khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, sau khi có báo cáo rằng cơ quan quản lý hạt nhân đã phê duyệt việc thành lập các cơ sở chống khủng bố tại một nhà máy.

Chứng khoán Trung Quốc giao dịch tích cực, với kỳ vọng rằng chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ để chống đỡ cho lĩnh vực bất động sản đang ốm yếu của nước này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,45% lên 3.292,53 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,94% lên 4.216,96 điểm.

Lĩnh vực bất động sản nằm trong số những ngành tăng tốt nhất, tăng 3,52% sau khi các nguồn tin nói với Reuters rằng Trung Quốc sẽ đảm bảo các đợt phát hành trái phiếu mới trong nước và sẽ thúc đẩy nhu cầu kinh tế và đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng.

Chứng khoán Hồng Kông cũng nhích lên với kỳ vọng Bắc Kinh sẽ cứu ngành bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index chuẩn tăng 0,46% lên 19.992,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,41% lên 6.755,31 điểm.

Cổ phiếu các nhà phát triển Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã ngược xu hướng trên Đại lục, khi giảm 0,24% vào cuối phiên, do một số nhà phân tích và nhà kinh tế cho rằng sự hỗ trợ chính sách cho ngành này là không đủ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà sản xuất ô tô lao dốc và các nhà đầu tư chốt lời trước khi biên bản cuộc họp của Fed tháng 7 được công bố.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 17,05 điểm, tương đương 0,67% xuống 2.516,47 điểm.

Nhóm cổ phiếu ô tô như Hyundai Motor và Kia Corp đã chứng kiến ​​ngày tồi tệ nhất kể từ cuối tháng 6, lần lượt giảm 3,80% và 4,02% sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật cắt giảm tín dụng thuế đối với xe điện (EV) lắp ráp bên ngoài Bắc Mỹ.

Kết thúc phiên 17/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 353,86 điểm (+1,23%), lên 29.222,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,64 điểm (+0,45%), lên 3.292,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 91,93 điểm (+0,46%), lên 19.922,45 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 11,68 điểm (-0,46%), xuống 2.521,84 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lãi suất vẫn trong đà tăng

Lãi suất tăng là câu chuyện chung của cả thế giới trong năm nay. Đối với Việt Nam, lãi suất thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức) hiện tăng khoảng 0,3 - 0,8%/năm so với đầu năm, tùy thuộc vào thời hạn gửi tiền..>> Chi tiết

- Dòng tiền chực chờ cơ hội

Tiền đổ vào thị trường đã vượt trung bình 50 ngày, trên các diễn đàn, nhà đầu tư trao đổi rôm rả hơn, đà hồi phục đã dần lan tỏa sang nhiều cổ phiếu..>> Chi tiết

- Ngân hàng Việt vẫn mỏng vốn

Kế hoạch của hầu hết nhà băng đưa ra trong năm nay là vấn đề tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế thì vẫn chưa đạt..>> Chi tiết

- Nền kinh tế toàn tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ khi Covid xuất hiện

Nền kinh tế toàn cầu trong quý II đã ghi nhận mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid xuất hiện cách đây 2 năm, khi những tác động tiêu cực từ lạm phát gia tăng ở phương Tây đến các biện pháp Zero Covid ở Trung Quốc đang đè nặng lên hoạt động kinh tế..>> Chi tiết

Tin bài liên quan