Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 23/2 tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 63,30 – 63,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm nhẹ 0,7 USD/ounce xuống 1.898,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm nhẹ và giằng co quanh 1.893 USD/ounce cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 95,86 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.130 đồng/USD, không đổi so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.680 – 22.960 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi lên trên 38.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên gần 38.900 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,76 USD (-0,83%), xuống 91,15 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,58 USD (-0,60%), xuống 96,26 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index nhích lên trên 1.510 điểm
Trong phiên sáng, sự khởi sắc của nhóm dầu khí, ngân hàng, bất động sản giúp VN-Index tăng mạnh lên gần 1.520 điểm.
Bước vào phiên chiều, ngưỡng 1.520 điểm nhanh chóng được chinh phục ngay đầu phiên. Tuy nhiên, thiếu đi sự hỗ trợ của dòng tiền khiến ngưỡng này nhanh chóng bị đánh mất trong tích tắc và VN-Index bị đẩy trở lại khá sâu, chỉ còn tăng hơn 8 điểm khi đóng cửa.
Nhóm dầu khí vẫn là điểm nhấn, trong đó các mã PET, PVT, PXI duy trì sắc tím, còn PVD +4,5%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,91 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 148,78 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 23/2: VN-Index tăng 8,83 điểm (+0,59%), lên 1.512,3 điểm; HNX-Index tăng 8,12 điểm (+1,87%), lên 442,54 điểm; UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (+0,44%), lên 113,51 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Các chỉ số chính của Phố Wall lùi sâu trong phiên ngày thứ Ba (22/2), với S&P 500 xác nhận rơi vào vùng điều chỉnh, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập cho hai khu vực ly khai ở Ukraine và ra lệnh cho quân đội tiến vào hai vùng đất này.
Thị trường đã chịu tác động mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội Promsvyazbank, ngân hàng thường thực hiện các giao dịch quốc phòng.
Tuy vậy, thị trường đã lấy lại phần nào số điểm đã mất, sau khi ông Joe Biden cho biết, dù các đòn trừng phạt Nga vẫn có thể tiếp diễn nhưng ông vẫn còn hy vọng về con đường ngoại giao.
Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Dow Jones giảm 482,57 điểm (-1,42%), xuống 33.596,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 44,11 điểm (-1,01%), xuống 4.304,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 166,55 điểm (-1,23%), xuống 13.381,52 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày sinh nhật Thiên hoàng.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, với các cổ phiếu công nghệ cao và các công ty năng lượng mới dẫn đầu đà đi lên, sau khi các nhà đầu tư toàn cầu mua bắt đáy sau đợt đợt bán tháo do khủng hoảng Ukraine trong phiên trước.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,93% lên 3.489,15 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,07% lên 4.623,05 điểm.
Cổ phiếu công nghệ cao nằm trong số những ngành tăng mạnh nhất với chỉ số phụ tăng 6%, chỉ số STAR50 tập trung vào công nghệ của Thượng Hải tăng 4% và chỉ số phụ về CNTT tăng 3,5%
Cổ phiếu công nghệ và năng lượng mới tăng được thúc đẩy nhờ mua ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài, với 5,4 tỷ nhân dân tệ trong phiên hôm nay.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, được thúc đẩy bởi lực mua bắt đáy, sau khi thị trường đóng cửa giảm hơn 650 điểm vào ngày hôm qua. Trong khi các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Đóng cửa, chỉ số Hang Seng-Index tăng 0,6% lên 23.660,28 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,56% lên 8.317,22 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp, mặc dù mức tăng bị giới hạn bởi những lo ngại xung quanh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 12,74 điểm, tương đương 0,47%, lên 2.719,53 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, hãng chip khổng lồ Samsung Electronics giảm 0,54%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,45%.
Kết thúc phiên 23/2: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 32,00 điểm (+0,93%), lên 3.489,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 140,28 điểm (+0,60%), lên 23.660,28 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 12,74 điểm (+0,47%), lên 2.719,53 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Sôi động thông tin chia cổ tức, nới room ngoại
Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay đến sớm hơn năm ngoái. Nhà đầu tư ngoài quan tâm cổ tức, còn quan tâm các thông tin nới room ngoại, tăng vốn, chỉ tiêu kinh doanh, nợ xấu,...>> Chi tiết
- Lãi suất ít bị tác động khi Fed hành động
Chuyên gia kinh tế - tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, lãi suất tiền đồng hiện vẫn cao so với các nước trong khu vực nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD trong tháng 3/2022..>> Chi tiết
- Chọn cổ phiếu thu hút dòng tiền
Dòng tiền đang dần trở lại thị trường sau những ngày nhà đầu tư chơi Tết, đem lại cơ hội cho nhà đầu tư có chiến thuật nương theo dòng tiền để tìm kiếm lợi nhuận..>> Chi tiết
- Thoả thuận hạt nhân Iran hồi sinh là cứu cánh cho thị trường năng lượng
Các nhà ngoại giao châu Âu và Nga đều nhất trí rằng các cuộc đàm phán về thoả thuận hạt nhân của Iran đã đi đến hồi kết, báo hiệu tiềm năng sẽ hỗ trợ cho thị trường năng lượng toàn cầu nếu các bên có thể đồng ý giải quyết những khác biệt cuối cùng..>> Chi tiết