Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên sôi đông nhất trong 5 tháng qua

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên sôi đông nhất trong 5 tháng qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vượt 1.300 điểm; Trọng trách cung ứng vốn của các tổ chức tín dụng; Dòng tiền tìm điểm trũng; Những xúc tác giúp VN-Index thoát khỏi trạng thái tích lũy và đi lên; Che chắn trước “cơn giông”…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 24/2 giảm 200.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều tăng 500.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 89,70 – 92,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm nhẹ 3,1 USD xuống mức 2.936,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên gần 2.950 USD, trước khi bật hạ nhiệt về gần 2.940 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,57 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.646 đồng/USD, tăng 8 đồng so với phiên cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.310 – 25.670 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua gần như không đổi ở gần 96.500 USD/BTC, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,03 USD (+0,04%), lên 70,43 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,01 USD (+0,01%), lên 74,44 USD/thùng.

VN-Index lên trên 1.300 điểm

Mặc dù có chút rung lắc nhẹ do thị trường đang bước vào vùng cản mạnh, nhưng nhờ sự luân chuyển của dòng tiền và thanh khoản cải thiện đã giúp VN-Index có nhịp bật tăng và vượt qua mốc 1.300 điểm khi đóng cửa.

Thanh khoản thị trường cũng gia tăng tích cực khi khi đạt hơn 21.000 tỷ đồng và xác nhận phiên sôi động nhất trong khoảng 5 tháng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/2: VN-Index tăng 7,81 điểm (+0,6%), lên 1.304,56 điểm; HNX-Index tăng 0,92 điểm (+0,39%), lên 238,49 điểm; UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,4%), xuống 100,21 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên thứ Sáu (21/2), khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát dai dẳng.

Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm xuống mức 64,7 điểm trong tháng 2, tương đương sụt gần 10% so với tháng trước và giảm sâu hơn nhiều so với dự báo. Trong khi dự báo lạm phát sau 5 năm là 3,5%.

Mặt khác, dữ liệu cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ cũng giảm xuống dưới mức 50 điểm trong tháng 2, phản ánh sự suy giảm của lĩnh vực quan trọng này.

Trong tuần, Dow Jones giảm 2,5%, S&P 500 mất 1,7%, còn Nasdaq Composite giảm 2,5%.

Kết thúc phiên 21/2: Chỉ số Dow Jones giảm 748,63 điểm (-1,69%), xuống 43.428,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 104,39 điểm (-1,71%), xuống 6.013,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 438,36 điểm (-2,20%), xuống 19.524,01 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch (Nghỉ bù giao dịch ngày sinh nhật Nhật hoàng).

Chứng khoán Trung Quốc giảm, bị đè nặng bởi những lo ngại về chính sách đầu tư Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump có thể làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,18% xuống 3.373,03 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,22% xuống 3.969,72 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm khi gặp áp lực chốt lời sau phiên tăng 4% vào cuối tuần trước, cũng như một số cổ phiếu tổn hại do gặp những hạn chế mới từ Mỹ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,45% xuống 23.373,40 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,42% xuống 8.630,21 điểm.

Công ty dược phẩm Trung Quốc Wuxi AppTec giảm hơn 10% và Wuxi Biologics giảm hơn 9%, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo Ủy ban Đầu tư Nước ngoài hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, và các lĩnh vực chiến lược khác.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, ảnh hưởng bởi phiên cuối tuần lao dốc trên Phố Wall trước đó.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 9,31 điểm, tương đương 0,35% xuống 2.645,27 điểm.

Tại Hàn Quốc, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết định chính sách tiền tệ sắp tới của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOJ), dự kiến sẽ được công bố trong tuần này, với kỳ vọng vào một đợt cắt giảm lãi suất 0,25% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kết thúc phiên 24/2: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 6,09 điểm (-0,18%), xuống 3.373,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 136,31 điểm (-0,58%), xuống 23.341,61 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 9,31 điểm –0,35%), xuống 2.645,27 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Trọng trách cung ứng vốn của các tổ chức tín dụng

Các tổ chức tín dụng tiếp tục nhận trọng trách đáp ứng vốn cho nhu cầu chi đầu tư phát triển tăng, đặc biệt hướng vào các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia trong năm 2025..>> Chi tiết

- Dòng tiền tìm điểm trũng

Phiên cuối tuần trước, đà tăng của nhiều cổ phiếu chững lại khi VN-Index kiểm định vùng kháng cự mạnh tại 1.290-1.300 điểm. Dự báo sẽ có nhịp điều chỉnh tại ngưỡng này nên tâm lý của nhà đầu tư là chờ đợi chỉ số xác định xu hướng rõ ràng hơn..>> Chi tiết

- Những xúc tác giúp VN-Index thoát khỏi trạng thái tích lũy và đi lên

Sau chuỗi tăng mạnh, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong vùng 1.300 điểm trước khi đi lên từ những xúc tác tích cực. Đặc biệt, KRX là một bước tiến quan trọng của thị trường và nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ được hưởng lợi..>> Chi tiết

- Che chắn trước “cơn giông”

Những động thái chính sách thuế quan của Mỹ đang tạo ra những thách thức đáng kể cho các nhà đầu tư châu Á..>> Chi tiết

Tin bài liên quan