Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên chao đảo mạnh

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên chao đảo mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index về dưới 1.235 điểm; Tỷ giá hối đoái sẽ vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022; Cứu thị trường trái phiếu bằng con đường phát hành đại chúng? Điểm sáng lợi nhuận quý III; Lãi suất tăng, đầu tư giá trị có lỗi thời? EU muốn áp thuế phụ thu 140 tỷ USD đối với công ty năng lượng…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 250.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,75 – 66,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 31,7 USD xuống 1.665,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp xuống 1.660 USD/ounce và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 110,03 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.283 đồng/USD, tăng 6 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.515 – 23.795 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 19.600 USD, thì sang phiên hôm nay gần như chỉ đi ngang trong biên độ hẹp quanh ngưỡng này.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,27 USD (-0,32%), xuống 84,83 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,07 USD (-0,08%), xuống 90,77 USD/thùng.

VN-Index giảm hơn 11 điểm

Sau phiên sáng hãm được đà rơi ở những phút cuối, thị trường bước vào phiên chiều đã chịu áp lực bán dâng cao ở nhóm bluechip, khiến VN-Index rơi và nhanh về ngưỡng 1.235 điểm và bật nhẹ lên trước khi thêm một nhịp rơi sâu về sát 1.230 điểm trước phiên ATC và có thêm thêm một lần hồi lên gần 1.235 điểm khi đóng cửa.

Những cổ phiếu giúp thị trường không giảm sâu hơn phải kể đến PDR, VNM, VRE, NVL, VCB, khi đều được kéo mạnh lên mức cao nhất ngày ở những phút cuối.

Ở chiều ngược lại, giảm sâu đáng kể có KDH -4,5%, GVR -3,5% CTG -2,6%, MWG -2,6%, STB -2,6%, HPG -2,5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ GEX, FTS, VND, TLH, NVT, SCR, HAX, LDG, DXG, LDG, KHP, ANV, TVB, HDG, DPG, DIG, HAG, HSG, BCG, APG, APH, CTS, HDC…với mức giảm từ khoảng 4% đến gần 6%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 7,09 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 320,18 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/9: VN-Index giảm 11,63 điểm (-0,93%), xuống 1.234,03 điểm; HNX-Index giảm 6,81 điểm (-2,43%), xuống 272,88 điểm; UpCoM-Index giảm 0,81 điểm (-0,9%), xuống 89,46 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall nối tiếp đà giảm trong ngày thứ Năm (15/9), khi nhóm cổ phiếu công nghệ gây áp lực mạnh.

Phiên này, cổ phiếu Adobe giảm tới 16% và đã gây áp lực lớn nhất đến hai chỉ số Nasdaq và S&P 500, sau khi công ty phần mềm này công bố thương vụ mua Figma trị giá 20 tỷ USD.

Đà sụt giảm lan sang các cổ phiếu công nghệ khác, với cổ phiếu Apple mất 1,9% và Salesforce giảm 3,4%.

Kết thúc phiên 15/9, chỉ số Dow Jones giảm 173,27 điểm (-0,56%), xuống 30.961,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 44,66 điểm (-1,13%), xuống 3.901,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 167,32 điểm (-1,43%), xuống 11.552,36 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do những lo lắng dai dẳng về suy thoái kinh tế toàn cầu trong môi trường lãi suất cao.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,11% xuống 27.567,65 điểm. Trong tuần, chỉ số này mất 2,29%. Chỉ số Topix giảm 0,61% xuống 1.938,56 điểm.

Phiên này, nhóm cổ phiếu công nghệ yếu nhất, với chỉ số ngành giảm 1,11%. Trong đó, Tokyo Electron, giảm 4,33% và ảnh hưởng nặng nề nhất đến chỉ số Nikkei 225.

Trái lại, lĩnh vực tiện ích hoạt động tốt nhất và tăng 1,22% nhờ lợi nhuận từ các công ty bao gồm Kansai Electric Power Co Inc, Tokyo Gas Co Ltd và Osaka Gas Co Ltd.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong hơn bốn tháng, với các công ty chứng khoán dẫn đầu đà giảm, sau khi chính phủ nước này yêu cầu họ cắt giảm phí dịch vụ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 2,3% xuống 3.126,40 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,35% xuống 3.932,68 điểm, phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 6/5 và giảm 3,9% trong tuần.

Cổ phiếu của các công ty chứng khoán phiên này lao dốc và giảm tới 5,8%, kéo chỉ số tài chính giảm 3,5%.

Trung Quốc mới đây đã có công bố, khuyến khích các công ty chứng khoán, nhà quỹ, bảo lãnh và các tổ chức khác giảm phí dịch vụ.

Công ty môi giới trực tuyến khổng lồ East Money Information Co giảm gần 11%. East Money nói với truyền thông rằng công ty đang hoạt động bình thường và họ chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về chi tiết của chính sách.

Thị trường còn chịu tác động từ nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 4,3%, chăm sóc sức khỏe mất 3,2%, còn cổ phiếu tiêu dùng và năng lượng mới đều giảm hơn 1,5%

Chứng khoán Hồng Kông chịu tác động từ nhóm cổ phiếu công nghệ và giảm điểm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index mất 0,89% xuống 18.761,69 điểm và giảm 3,1% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,36% xuống 6.420,66 điểm.

Cổ phiếu Các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông thêm một ngày trở thành gánh nặng chính khi giảm 2,7%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do những lo ngại xung quanh việc thắt chặt tiền tệ ở Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 19,05 điểm, tương đương 0,79% xuống 2.382,78 điểm và giảm 0,06% trong tuần.

Giữa lúc sức mạnh của đồng USD Mỹ gần đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ, đồng won đã mở cửa phiên giao dịch thấp hơn, chỉ thiếu một chút nữa là chạm mức 1.400 won/USD lần đầu tiên trong hơn 13 năm, nhưng đã phục hồi mạnh gần cuối phiên.

Kết thúc phiên 16/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 308,26 điểm (-1,11%), xuống 27.567,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 73,52 điểm (-2,30%), xuống 3.126,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 168,89 điểm (-0,89%), xuống 18.761,69 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 19,05 điểm (-0,79%), xuống 2.382,78 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá hối đoái sẽ vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT vừa công bố cập nhật kinh tế vĩ mô với nhận định NHNN nỗ lực duy trì mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô” và “hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”..>> Chi tiết

- Cứu thị trường trái phiếu bằng con đường phát hành đại chúng?

TPDN phát hành ra công chúng hiện chỉ chiếm 5-6% tổng lượng TPDN phát hành. Dự thảo Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi trình Thủ tướng theo hướng thúc đẩy phát hành TPDN ra công chúng, thu hẹp TPDN riêng lẻ..>> Chi tiết

- Điểm sáng lợi nhuận quý III

Một số ngành kinh doanh kỳ vọng sẽ đạt được hiệu quả tăng trưởng cao trong quý III này..>> Chi tiết

- Lãi suất tăng, đầu tư giá trị có lỗi thời?

Các khoản lợi nhuận trong tương lai ngày càng trở nên kém hấp dẫn khi lãi suất đi vào xu hướng tăng..>> Chi tiết

- EU muốn áp thuế phụ thu 140 tỷ USD đối với công ty năng lượng

Liên minh châu Âu (EU) muốn thu 140 tỷ EUR (tương đương 140 tỷ USD) từ việc đánh thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đối với một số công ty năng lượng..>> Chi tiết

Tin bài liên quan