VN-Index hồi nhẹ về cuối phiên
Trong phiên sáng, VN-Index nhanh chóng giảm điểm khi nhận được tín hiệu tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới. Sự lo âu dần lan rộng khiến nhà đầu tư tăng cường bán ra, VN-Index kết phiên sáng giảm hơn 8 điểm.
Ngay sau giờ nghỉ trưa, lực mua bất ngờ gia tăng khiến lượng cung giá thấp nhanh chóng được hấp thu. VN-Index theo đó nhanh chóng hồi trở lại và kịp đảo chiều chỉ ít phút trước khi đóng cửa.
Nhiều mã bluechips và vốn hóa lớn đã hồi phục như TCB, VCB, SSI, PLX, REE, VJC, PNJ, FPT, CTD... đều tăng ở mức cao nhất ngày.
Trong khi đó, các đầu kéo GAS, VIC, VHM vẫn duy trì phong độ, trong đó GAS tăng 2,1% lên 91.000 đồng.
Ngược lại, VNM là mã tạo lực cản lớn nhất khi giảm 1,1% về 165.000 đồng. Nhóm ngân hàng cũng là nhóm gây nhiều sức ép, nhưng nhờ sức cầu tốt nên đà giảm đã hạn chế đáng kể về cuối phiên. Mức giảm của BID, CTG, MBB, STB, VPB, HDB, TPB dao động từ 0,4-1%. EIB đứng giá.
FLC và HAG vẫn là 2 mã "nóng" nhất với lượng khớp vượt trội so với phần còn lại, đạt 27,68 triệu 15,52 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm.
Ngoài 2 mã trên, sắc đỏ cũng phủ lên nhiều mã thị trường khác như HQC, SCR, HHS, HAI, GTN, AMD, KBC..., trong khi ITA, ASM, IDI, OGC, QCG, DLG... đã không còn giảm điểm.
HCD và TDG cùng tăng trần, thanh khoản cao với cùng lượng khớp trên 2,3 triệu đơn vị. Với phiên tăng này (lên 10.250 đồng, +7%), TDG đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.
Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 1,53 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 151,02 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 92.980 đơn vị, giá trị bán ròng 4,98 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng 364.020 đơn vị, giá trị là mua ròng 5,54 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 3/8: VN-Index tăng 0,78 điểm (+0,08%), lên 953,55 điểm; HNX-Index tăng 0,09 điểm (+0,09%), lên 105,65 điểm; UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,23%), xuống 50,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5.243 tỷ đồng.Chứng khoán thế giới
Chứng khoán Mỹ
Dow Jones và S&P 500 quay đầu giảm nhẹ trong ngày thứ Tư, khi đà tăng của cổ phiếu Apple bị lấn át bởi đà sụt giảm của cổ phiếu năng lượng và công nghiệp, trong khi Fed vẫn giữ lãi suất không đổi và dự báo sẽ nâng lãi suất vào tháng 9 tới.
Nhưng Nasdaq Composite lại được hưởng lợi từ đà tăng của gã khổng lồ Apple. Cổ phiếu Apple tăng thêm gần 5,9%, chạm mức cao mọi thời đại sau khi công bố lợi nhuận vượt qua kỳ vọng và dự báo doanh số lạc quan.
Nhóm cổ phiếu tài chính cũng đi lên sau khi lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm vọt lên 3% lần đầu tiên kể từ ngày 13/06/2018.
Fed quyết định giữ nguyên lãi suất, và nhắc lại quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát tiếp tục dao động gần mức mục tiêu 2%.
Hiện nay, những lo ngại mới đã xuất hiện về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo đó, ông Trump đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, xem xét tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Ngay sau đó, Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ đáp trả tương xứng.
Nhóm cổ phiếu nhạy cảm với thương mại sụt giảm ngay sau thông tin trên, trong đó chỉ số công nghiệp thuộc S&P 500 mất 1,3%.
Lĩnh vực năng lượng chịu sức ép từ đà lao dốc của giá dầu thô do dự trữ tại Mỹ và sản lượng của OPEC bất ngờ tăng vọt.
Kết thúc phiên 1/8, chỉ số Dow Jones giảm 81,37 điểm (-0,32%), xuống 25.333,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,93 điểm (-0,10%), xuống 2.813,36 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 35,50 điểm (+0,46%), lên 7.707,29 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc sau khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung gia tăng.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 1,03% xuống 22.512,53 điểm. Topix giảm 1% xuống 1.752,09 điểm.
Thị trường đã chịu tác động khá lớn từ đà mất điểm tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau khi ông Trump đề xuất nâng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Yoshinori Shigemi, nhà chiến lược thị trường toàn cầu của JP Morgan Asset Management cho biết, “mặc dù vậy, thị trường vẫn có đủ sức mạnh để hồi phục trở lại, nhưng sẽ có rất nhiều sực cảnh giác, vì có khả năng Tổng thống Trump sẽ hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế của mình".
Phiên hôm nay, chịu tác động là cổ phiếu của nhà sản xuất máy công nghiệp Komatsu Ltd, có doanh thu lớn từ thị trường Trung Quốc, mất 3,66%.
Kobe Steel giảm 9,6% sau khi báo cáo giảm 55% lợi nhuận trong quý vừa qua, sau bê bối làm giả dữ liệu chất lượng thép.
Tương tự, Furukawa Electric Co giảm gần 10% sau lợi nhuận ròng giảm 51,6% xuống 3,31 tỷ yên.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 2,8% trong phiên hôm qua do lãi suất trái phiếu 10 năm đi lên đã giảm 0,59% trong phiên hôm nay khi tỷ giá đồng yên/USD giảm.
Konica Minolta Inc tăng 3,66% sau khi điều chỉnh dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính lên 62 tỷ yên (555 triệu USD) từ 60 tỷ yên trước đó.
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, đà bán tháo diễn ra ngay khi mở cửa do giới đầu tư quan ngại sâu sắc về các đe dọa áp thuế mới từ Mỹ.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 2% xuống 2.824,53 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 2,2% xuống 3.370,96 điểm.
Thị trường bị nhấn chìm bởi sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, dữ liệu kinh tế yếu đi và vụ bê bối vắc-xin đang lan rộng.
Ngoài ra, sự sụt giảm về cổ phiếu bất động sản tiếp tục là tâm điểm, khi chỉ số phụ theo dõi ngành mất thêm 3,4% sau khi lo ngại về việc Trung Quốc sẽ có các biện pháp mới để kiềm chế sự tăng giá nhà ở đang nóng lên ở nhiều thành phố lớn.
Phiên hôm nay còn có thêm chỉ số phụ của ngành tài chính giảm 2,5%, ngành tiêu dùng giảm 2,8%.
Yan Kaiwen, một nhà phân tích của China Fortune Securities, nói rằng các công ty trong nhóm ngành tiêu dùng bao gồm tiện ích và y tế đang phải chịu một cuộc “khủng hoảng niềm tin” lan rộng sau một vụ scandal vắc-xin giả gần đây.
Khi thị trường giảm mạnh, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc thường đưa ra các thông tin, luận điểm trấn an, và hôm nay cũng không ngoại lệ khi Nhật báo Nhân dân chính thức của Đảng Cộng sản nước này đã có một bài viết ca ngợi cái gọi là "trí tuệ và kỹ năng tuyệt vời" của đảng trong viêc quản lý nền kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông cũng lao dốc theo sau các thị trường lớn tại Châu Á khác do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,2% xuống 27.714,26 điểm. Chỉ số Hang Seng China enterprises giảm 2,19% xuống 10.733,19 điểm.
Eric Yuen, chuyên gia phân tích nghiên cứu tại Mason Securities cho biết: “Tâm lý thị trường hiện nay khá mong manh. Các yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc và nhân dân tệ mất giá đang gây ảnh hường rất xấu đến thị trường, và những yếu tố này dường như sẽ không biến mất trong tháng 8”.
Gã khổng lồ Tencent đã giảm 2,8% xuống mức thấp nhất trong 10 tháng. Kingsoft, một đối tác phát triển trò chơi của Tencent cũng mất 6,8%.
Nomura hạ xếp hạng của Kingsoft xuống "trung lập" từ "mua" trước đó, do tựa game mới JX Mobile III có thể bị trì hoãn đến tháng 10/2019, và nếu được xác nhận thì sự chậm trễ này "có thể làm suy yếu" tăng trưởng doanh thu trò chơi di động của Tencent trong nửa sau của năm nay.
Trong số các cổ phiếu ngành game khác thì Galaxy Entertainment Group giảm 5,3%; Sands China giảm 3,8%.
Nhà điều hành sòng bạc Wynn Macau giảm 9,6% mặc dù báo cáo tăng 56,2% trong lợi nhuận ròng trong quý II vừa qua.
Road King giảm 1,8% sau khi đồng ý bán 25% cổ phần của đơn vị RKE International trị giá 2 tỷ đô la Hồng Kông Mỹ (254,8 triệu USD) để phục vụ vốn kinh doanh và hoạt động M&A
Đi ngược thị trường có nhà sản xuất hóa chất Fufeng Group tăng 3,1% sau khi cho biết đã đồng ý bán hai công ty con đang nắm giữ bất động sản tại tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc với giá 1,79 tỷ nhân dân tệ (262,6 triệu USD).
Thương hiệu thời trang cao cấp của Ý Prada tăng 0,7% sau khi lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm nay tăng 10,7%.
Kết thúc phiên 3/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 234,17 điểm (-1,03%), xuống 22.512,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 626,18 điểm (-2,21%), xuống 27.714,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 56,51 điểm (-2,00%), xuống 2.768,02 điểm.
Thị trường vàng và ngoại tệ
- Vàng SJC giảm mạnh. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.320 đồng/USD.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,60 - 36,80 triệu đồng/lượng, giảm 60.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.666 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.240 - 23.320 đồng/USD.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nhiều ngân hàng vẫn đang chuẩn bị những kế hoạch M&A
Sau thời gian trầm lắng, ngay từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã lên kế hoạch tăng vốn và trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) để vừa tăng cường năng lực cạnh trạnh, vừa mở rộng quy mô tăng trưởng...>> Chi tiết
- Tháng Ngâu, chứng khoán sẽ tăng trong nghi ngờ
Tháng 8, TTCK thường rơi vào “vùng trũng” thông tin khi số liệu thống kê kinh tế vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp phần lớn đã được công bố, chưa kể đây là tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch). Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, TTCK tháng 8 năm nay sẽ khác..>> Chi tiết
- Gỡ dần nút thắt cho thị trường trái phiếu
Trong bối cảnh nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) than phiền trách nhiệm nhiều, quyền lợi ít, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ ban hành nhiều quy định mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018..>> Chi tiết
- Tính kỹ cho những thương vụ M&A lớn
Một loạt doanh nghiệp được phê duyệt phương án IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ở quy mô lớn mới đây đã nhận thông điệp sẽ chuyển sang thoái vốn qua sàn chứng khoán..>> Chi tiết
- Doanh nghiệp vật liệu xây dựng: Ông lớn đi lùi
Nửa đầu năm 2018, các doanh nghiệp ngành xi măng vẫn tăng trưởng khá tốt về doanh thu. Tuy nhiên, dấu hiệu hoạt động chững lại của các doanh nghiệp lớn trong ngành được cho là tín hiệu cảnh báo việc tốc độ của ngành bất động sản chậm lại..>> Chi tiết
- Trung Quốc kêu gọi Mỹ trở lại với lẽ phải trong thương mại
Trung Quốc ngày 2/8 kêu gọi Mỹ trở lại với lẽ phải trong thương mại, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn "nước sôi lửa bỏng,"..>> Chi tiết