Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán châu Á bị bán tháo

(ĐTCK) VN-Index thủng ngưỡng 1.000 điểm; Nhiều ngân hàng sắp chạm đích lợi nhuận sau 3 quý; Chứng khoán quý IV: Bluechips sẽ tiếp tục hút tiền; Tự doanh chứng khoán phái sinh giảm; Vốn ngoại mời chào doanh nghiệp nội; Chứng khoán châu Á đỏ lửa; Chứng khoán Mỹ đã trở nên đắt đỏ, đến lúc quay lại với các thị trường mới nổi...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 

VN-Index tiếp tục lùi sâu

Lực cầu bắt đáy tăng mạnh về cuối phiên sáng với tâm điểm là nhóm cổ phiếu lớn đã giúp thị trường hồi khá tích cực VN-Index thu hẹp đà giảm đáng kể.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực đã nhanh chóng bị phá bỏ ngay khi bước sang phiên chiều. Lực bán gia tăng mạnh khiến thị trường lao dốc, VN-Index chia tay 1.000 điểm chỉ trong gần 1 giờ giao dịch.

Thị trường diễn biến xấu hơn trong đợt khớp ATC khi áp lực chốt lời tiếp tục dâng cao, VN-Index bị đẩy lùi về sát mốc 995 điểm khi đóng cửa.

Nếu trong cuối phiên sáng, các cổ phiếu lớn đóng vai trò là lực đỡ thì sang chiều, các mã này lại gia tăng gánh nặng.

Trong đó, VCB, CTG đảo chiều giảm tương ứng -0,8% xuống 61.600 đồng và -0,9% xuống 26.850 đồng, thì những “người anh em” cùng họ lại giảm sâu hơn như TCB -1,5% xuống 29.350 đồng, VPB -1,7% xuống 25.300 đồng.

Nhiều mã lớn khác cũng tìm đến mức giá thấp nhất ngày như VNM -1,6% xuống 133.000 đồng, VIC -1,9% xuống 96.600 đồng, VRE -4,1% xuống 39.300 đồng, GAS -2,9% xuống 116.500 đồng, PLX -3,2% xuống 66.800 đồng, MSN -1,3% xuống 89.800 đồng…

Hôm nay, VHM điều chỉnh giá để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:250. Kết phiên, VHM -2,1% xuống 80.000 đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, chỉ còn SAB đứng giá tham chiếu và BID +1,4% lên 36.000 đồng, gánh vác vai trò to lớn nâng đỡ thị trường.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 5,92 triệu đơn vị nhưng bán ròng về giá trị với 94,26 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 213.630 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 5,63 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại bán ròng 14.400 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 0,51 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/10: VN-Index giảm 12,27 điểm (-1,22%), xuống 996,12 điểm; HNX-Index giảm 0,29 điểm (-0,25%), xuống 114,38 điểm; UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,67%), xuống 53,67 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Trong phiên thứ Sáu cuối tuần trước, giới đầu tư đều hướng tới báo cáo việc làm của Mỹ để dự đoán về động thái của Fed.

Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sau, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo thêm ít việc làm hơn dự báo trong tháng 9 do ảnh hưởng của bão Florence, nhưng lại sửa đổi dữ liệu tháng 7 và tháng 8 cao hơn.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%, mức thấp nhất trong 49 năm.

Dữ liệu việc làm vững chắc trên khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng cao khiến chứng khoán kém hấp dẫn. Dữ liệu này càng củng cố thêm khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay vào tháng 12.

Trong phiên, nhóm cổ phiếu công nghệ, được dẫn dắt bởi nhóm FAANG – Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) đồng loạt giảm mạnh, càng tạo thêm áp lực cho phố Wall, đặc biệt là chỉ số Nasdaq Composite.

Hai phiên giảm mạnh cuối tuần tiếp tục khiến phố Wall có tuần giảm điểm với Dow Jones giảm 0,04%, S&P 500 giảm 0,97%, trong khi Nasdaq giảm tới 3,21%.

Kết thúc phiên 5/10, chỉ số Dow Jones giảm 180,43 điểm (-0,68%), xuống 26.447,05 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,04 điểm (-0,55%), xuống 2.885,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 91,06 điểm (-1,16%), xuống 7.788,45 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Thể dục thể thao.

Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo khi giao dịch trở lại sau tuần nghỉ lễ quốc khánh.

Đóng cửa, Shanghai Composite mất 3,7% xuống 2.716,51 điểm, ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 19/6.

Chỉ số CSI300 bluechip giảm 4,3% xuống 3.290,90 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016.

Tính từ đầu năm tới nay, cả hai chỉ số chính này đều giảm khoảng 18%.

Chứng khoán Trung Quốc thường tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ nhưng hôm nay là ngoại lệ, khi có phiên hậu nghỉ lễ tệ nhất với thị trường này trong 10 năm qua.

Diễn biến tiêu cực của thị trường bắt nguồn từ hôm Chủ nhật, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố mức cắt giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của ngân hàng thương mại.

Ước tính khoảng 1.200 tỷ nhân dân tệ (175 tỷ USD) sẽ được giải phóng thông qua quyết định này, trong đó các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng 450 tỷ nhân dân tệ (khoảng 65 tỷ USD) để thanh toán các khoản nợ trung hạn, phần còn lại có thể được đẩy vào nền kinh tế.

Đây là lần thứ 4 trong năm PBOC hạ RRR trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng kinh tế mà Trung Quốc phải chịu trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên “việc cắt giảm RRR tại một thời điểm mà thanh khoản tương đối dồi dào trong hệ thống ngân hàng có khả năng không có nhiều tác dụng", Zhao Jian, một Giáo sư tài chính của Đại học Tế Nam viết.

“Thanh khoản không phải là vấn đề. Vấn đề là sự mất niềm tin, ”Zhao nói thêm, Trung Quốc đang ở trong một“ bẫy thanh khoản ”, nơi thiếu hụt nhu cầu tín dụng từ nền kinh tế thực, đặc biệt là khu vực tư nhân.

Cũng trong ngày giao dịch cuối tuần trước (Thứ sáu), các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, trong đó 2 ông lớn Lenovo và ZTE Corp đã giảm mạnh sau một báo cáo của Bloomberg cho rằng các hệ thống của nhiều công ty Mỹ đã bị tổn hại bởi các chip máy tính gián điệp được chèn vào bởi Trung Quốc.

Ngành CNTT của Trung Quốc mở cửa trở lại hôm nay mất hơn 5%. Cổ phiếu ZTE giảm hơn 8%, còn Lenovo mất thêm gần 2%.

Lĩnh vực bất động sản, người tiêu dùng và y tế cũng nằm trong số những thương vong lớn nhất, tất cả đều giảm hơn 4%.

Hôm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,7 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) cổ phiếu loại A của các công ty Trung Quốc.

Chỉ số FTSE China A50, gồm các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích đã giảm gần 5%, đợt bán tháo lớn nhất kể từ tháng 1/2016. Nhân dân tệ thì mất giá tới 0,5% so với đồng USD.

Chứng khoán Hồng Kông bị “vạ lây” từ thị trường Đại lục, qua đó mất điểm phiên thứ 5 liên tiếp.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,4% xuống 26,202,57 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enperpriese giảm 1,3% xuống 10.393,29 điểm.

Cổ phiếu của ông lớn Tencent mất gần 2%, xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm, bất chấp thông tin đang hợp tác với công ty y tế Medopad tại London để sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phát triển một hệ thống theo dõi từ xa bệnh nhân mắc bệnh Parkinson.

Ngành ngân hàng chịu thiệt hại nặng nhất với China Construction Bank, Industrial & Commercial Bank of China và Bank of China mất lần lượt 1,7%, 1,1% và 0,6%.

Một số nhà phát triển bất động sản cũng giảm sâu, bất chấp doanh thu trong tháng 9 tăng với Sunac China Holdings mất 6%. Fantasia Holdings giảm 6,7. Times China Holdings giảm 5,6%. Greentown China Holdings mất 7,4%

Ngược lại, nhà sản xuất màn hình LCD Truly International Holdings tăng 3,3% sau khi doanh thu thuần hợp nhất trong tháng 9 tăng 12,4% lên 2,01 tỷ đô la Hồng Kông (256,6 triệu USD).

Không chỉ thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, hàng loạt các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng chìm trong sắc đỏ như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Úc...

Kết thúc phiên 8/10: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 104,84 điểm (-3,72%), xuống 2.716,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 370,00 điểm (-1,39%), xuống 26.202,57 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC đứng giá. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.390 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,38 - 36,54 triệu đồng/lượng, không đổi so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.721 đồng/USD, tăng 1 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.310 - 23.390 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Nhiều ngân hàng sắp chạm đích lợi nhuận sau 3 quý

Tuy chỉ vừa kết thúc hoạt động 3 quý đầu năm, song một số ngân hàng cho biết, sắp chạm đích lợi nhuận cả năm..>> Chi tiết

Chứng khoán quý IV: Bluechips sẽ tiếp tục hút tiền

Sau nhịp sụt giảm mạnh trong quý II, TTCK quý III đã hồi phục khá tích cực nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố. Theo CTCK KB Việt Nam, đà tăng này dự báo sẽ tiếp diễn trong quý IV và dòng tiền tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips...>> Chi tiết

Vốn ngoại mời chào doanh nghiệp nội

Các doanh nghiệp đại chúng có kênh huy động vốn đa dạng, từ phát hành cổ phiếu đến huy động vốn trái phiếu, các khoản vay đảm bảo khác, hoặc vay vốn ngân hàng..>> Chi tiết

Tự doanh chứng khoán phái sinh giảm

Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 9/2018, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt bình quân gần 82.000 hợp đồng/phiên, tăng 3% so với tháng 8. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cuối tháng 9 đạt 46.556 tài khoản, tăng 9,6% so với tháng 8..>> Chi tiết

Bộ Tài chính được giao làm đầu mối đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính làm đầu mối đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước..>> Chi tiết

Chứng khoán Mỹ đã trở nên đắt đỏ, đến lúc quay lại với các thị trường mới nổi

Thị trường chứng khoán duy nhất đi lên kể từ đầu năm tới nay là Mỹ, nhờ vào chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, góp phần nâng cao lợi nhuận của các công ty nội địa..>> Chi tiết

Tin bài liên quan