Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 12/8 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,40 – 67,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 2,4 USD xuống mức 1.790 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giảm về gần 1.785 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,47 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.153 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.250 – 23.530 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua áp sát mốc 24.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã gần như chỉ đi ngang ngay dưới ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,03 USD (+0,03%), lên 94,37 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,37 USD (+0,37%), lên 99,97 USD/thùng.
VN-Index tăng hơn 10 điểm
Sau phiên sáng biến động nhẹ quanh tham chiếu, lực bán giảm dần, trong khi dòng tiền tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép, đã giúp thị trường nhích dần và tăng hơn 10 điểm lên 1.262 điểm khi đóng cửa.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán với VIX +6,6%, VCI +6,2%, CTS +5%, APG +3,7% VDS và ORS cùng tăng hơn 2,6%...
Nhóm cổ phiếu thép với HSG tăng trần +6,9%, NKG +5,6%, HPG +2,4%. Các mã TLH, POM, SMC đều tăng 2-3%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,03 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 108 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 12/8: VN-Index tăng 10,26 điểm (+0,82%), lên 1.262,33 điểm; HNX-Index tăng 3,24 điểm (+1,08%), lên 303,42 điểm; UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,13%), lên 92,84 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall biến động nhẹ trong phiên ngày thứ Năm (11/8) khi nhà đầu tư nghiền ngẫm báo cáo lạm phát tốt hơn dự báo.
Cả ba chỉ số chính cùng mở cửa trong trạng thái tăng, nhưng không duy trì được xung lực này cho tới khi kết thúc phiên.
Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 7 bất ngờ giảm giảm 0,5% so với tháng 6, thay vì tăng 0,2% như dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của Dow Jones.
PPI lõi, chỉ số không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn là lương thực-thực phẩm và năng lượng, có mức tăng ít hơn dự báo.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Dow Jones tăng 27,16 điểm (+0,08%), lên 33.336,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,97 điểm (-0,07%), xuống 4.207,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 74,89 điểm (-0,58%), xuống 12.779,91 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng, dẫn đầu bởi SoftBank Group và các công ty công nghệ lớn khác, khi các dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát của Mỹ làm tăng hy vọng về việc Fed sẽ giảm tốc quá trình tăng lãi suất.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,62% lên 28.546,98 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 12/1 và đã tăng 1,32% trong tuần.
Chỉ số Topix tăng 2,04% lên 1.973,18 điểm và tăng 1,34% trong tuần.
Các thị trường Nhật Bản phản ứng tích cực với dữ liệu CPI tháng 7 của Mỹ, một ngày sau khi nghỉ giao dịch trong phiên ngày thứ Năm.
Phiên này, cổ phiếu SoftBank Group tăng 5,55% và là lực đẩy tốt nhất cho Nikkei 225, sau khi nhà đầu tư công nghệ này cho biết họ sẽ đạt được khoản lợi nhuận 34,1 tỷ USD bằng cách bán bớt cổ phần trong Alibaba Group Holding.
Các cổ phiếu công nghệ khác cũng hỗ trợ mạnh như nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip Tokyo Electron tăng 4,53% và nhà sản xuất robot Fanuc tăng 5,89%.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giảm khi các trường hợp nhiễm mới Covid-19 của nước này khiến tâm lý giới đầu tư chịu ảnh hưởng xấu.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,15% xuống 3.276,89 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip mất 0,06% xuống 4.191,15 điểm, nhưng tăng 0,8% trong tuần.
Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Trung Quốc đã tăng lên 2.000 ca trong hai ngày gần đây từ khoảng chỉ 1.000 ca trước đó.
“Sự bùng phát của dịch Covid-19 vẫn đè nặng lên niềm tin của thị trường vào sự phục hồi kinh tế, mặc dù liên tục hiệu chỉnh lại chính sách ngăn chặn. Ngoài ra, sự không chắc chắn của thị trường nhà ở đang diễn ra cũng có thể làm trì hoãn quá trình chạm đáy của nền kinh tế vĩ mô,” các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong một lưu ý.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,46% lên 20.175,62 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,5% lên 6.857,48 điểm.
Cổ phiếu các công ty công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 0,5%, với các cổ phiếu lớn như Alibaba và Meituan, mỗi công ty tăng hơn 1%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ và ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp, khi các dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát tại Mỹ đã xoa dịu các nhà đầu tư lo lắng về việc tăng lãi suất của Fed.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 4,16 điểm, tương đương 0,16% lên 2.527,94 điểm.
KOSPI đã giảm 15,10% cho đến nay trong năm nay, nhưng đã tăng 8,2% trong 30 phiên gần nhất (tương đương 4 tuần giao dịch).
Kết thúc phiên 12/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 727,65 điểm (+2,62%), lên 27.546,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,78 điểm (-0,15%), xuống 3.276,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 93,19 điểm (+0,46%), lên 20.175,62 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,16 điểm (+0,16%), lên 2.527,94 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Hỗ trợ doanh nghiệp: Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực từ nhiều phía
Nguồn vốn của bất động sản giải quyết được rất nhiều “kênh” từ FDI, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng chỉ là một kênh..>> Chi tiết
- “Lỏng lẻo” đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Nguy cơ rủi ro, mất an toàn trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng không còn là quan ngại, mà đã trở thành hiện hữu..>> Chi tiết
- Bịt lỗ hổng lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp
Việc lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dưới dạng hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư… vẫn tràn lan trên thị trường. Bộ Tài chính đang tìm cách bịt lỗ hổng này..>> Chi tiết
- Giá dầu thế giới có tuần tăng mạnh nhất 4 tháng trước mối lo gián đoạn nguồn cung
Giá dầu chuẩn bị có tuần tăng mạnh nhất trong 4 tháng qua trước mối lo ngại nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu gia tăng..>> Chi tiết