Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bật tăng, hưng phấn và áp lực!

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bật tăng, hưng phấn và áp lực!

(ĐTCK) Sáng nay, thị trường chứng khoán tăng điểm ngay từ đầu phiên do lực cầu bắt đáy gia tăng. Bên bán ghìm hàng khiến thanh khoản trên hai sàn sụt giảm, cuối phiên có lượng dư mua giá cao khá lớn. Thị trường đang hưng phấn, nhưng có một áp lực cho phiên ngày mai là số cổ phiếu mua phiên giảm điểm hôm thứ Ba về tài khoản.

Chuyển động thị trường:

- Thị trường chứng khoán Việt Nam bật tăng. Sau khi giảm 3 phiên trước đó, hôm nay (3/4), VN-Index trên sàn TP. HCM tăng 7,77 điểm (+1,34%), lên 589,44 điểm; có 215 mã tăng giá, 36 mã đứng giá, 38 mã giảm giá. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 1,94 điểm (+2,27%), lên 87,62 điểm; có 212 mã tăng giá, 39 mã đứng giá, 50 mã giảm giá.

Lực cầu bắt đáy tăng mạnh trong phiên chiều qua khiến tâm lý bên bán được củng cố. Sáng nay, thị trường tăng điểm ngay từ đầu phiên khi lực cầu bắt đáy gia tăng. Trước triển vọng phục hồi của thị trường, bên bán ghìm hàng, khiến thanh khoản trên hai sàn sụt giảm. Nhiều khả năng thị trường tiếp tục có diễn biến khả quan, bởi cuối phiên hôm nay có lượng dư mua giá cao khá lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà đầu tư đều thận trọng với rủi ro, sẵn sàng bán ra chốt lời hoặc cắt lỗ, thì xác suất thị trường tăng kéo dài là không cao. Chiều mai, số cổ phiếu mua phiên giảm điểm hôm thứ Ba về tài khoản, thị trường bắt đầu có áp lực bán ra chốt lời.

- Thị trường chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất (sáng sớm nay, theo giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJI) tăng 0,24%, lên 16.573 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 0,29%, lên 1.890,9 điểm, phá kỷ lục phiên hôm qua. Thị trường có thêm thông tin hỗ trợ khi Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard nhận định, lạm phát ì ạch sẽ hối thúc các nhà hoạch định chính sách ngừng việc “giảm dần cho đến hết” gói nới lỏng định lượng.

- Thị trường chứng khoán châu Á tăng giảm đan xen. Vào cuối giờ chiều nay (theo giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản tăng 0,84%; chỉ số Shanghai Composite trên TTCK Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,74%; chỉ số HangSeng Index trên TTCK Hồng Kông tăng 0,18%; TTCK Hàn Quốc giảm 0,18%; TTCK Đài Loan giảm 0,19%; TTCK Ấn Độ giảm 0,19%; TTCK Malaysia tăng 0,2%; TTCK Indonesia tăng 0,43%; TTCK Singapore tăng 0,85%.

- Giá vàng SJC giảm dần mức tăng. Sáng nay, giá vàng SJC tăng 80.000 đồng/lượng ở giá mua vào và tăng 90.000 đồng/lượng ở giá bán ra so với cuối giờ chiều qua, được niêm yết ở mức 35,420 - 35,470 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng sau đó có xu hướng giảm, đến cuối giờ chiều được niêm yết ở mức 35,360 - 35,420 triệu đồng/lượng, chỉ còn tăng 20.000 đồng/lượng ở giá mua vào và tăng 30.000 đồng/lượng ở giá bán ra so với cuối giờ chiều qua. Trên thị trường châu Á, giá vàng cuối giờ chiều nay là 1.286 USD/ounce, tăng 2,7 USD/ounce so với cuối giờ chiều qua. Đầu giờ sáng, có lúc giá vàng thế giới tăng lên gần 1.294 USD/ounce

- BIDV, ACB, Tecombank giảm nhẹ tỷ giá USD. Sáng nay, BIDV và ACB giảm giá bán USD 5 đồng, xuống 21.115 đồng/USD. Hai ngân hàng này cũng giảm giá mua USD 5 đồng, trong đó BIDV đưa giá mua xuống 21.075 đồng/USD, còn ACB đưa xuống 21.055 đồng/USD. Tecombank giữ nguyên giá mua USD ở mức 21.050 đồng/USD, nhưng giảm giá bán USD 5 đồng, xuống 21.125 đồng/USD. Hầu hết ngân hàng khác giữ nguyên tỷ giá USD. Tỷ giá USD tại Vietcombank là 21.080 - 21.120 đồng/USD. Tỷ giá USD tại Agribank là 21.070 - 21.125 đồng/USD. Tại Sacombank, tỷ giá USD là 21.060 - 21.130 đồng/USD…

- Thị trường trái phiếu thứ cấp tại Sở GDCK Hà Nội hôm nay có tổng cộng trên 9,23 triệu trái phiếu, trị giá 985,43 tỷ đồng được giao dịch, cụ thể như sau (xem bảng). Về thị trường trái phiếu sơ cấp, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thống kê: Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã mua khoảng 83% lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành, tổng lượng trái phiếu phát hành là 81.600 tỷ đồng, tính đến 28/3. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, hệ thống ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào TPCP, tạo thuận lợi cho Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất thấp, giảm từ 1% - 1,3%/năm so với đầu năm. Số dư TPCP do các tổ chức tín dụng nắm giữ tăng thêm trong 3 tháng đầu năm (bằng số mua TPCP trừ đi số TPCP đến hạn thanh toán) là 43.000 tỷ đồng, tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng. Tín dụng trong tháng 1 và 2 giảm lần lượt 0,55% và 0,65%. Đến tháng 3, tín dụng tăng 1,35% so với tháng 2 và tăng 0,01% so với đầu năm.

Mã TP

KLGD

GTGD

Đáo hạn

Lãi suất

Lợi suất

BVDB13270

1.062.500

112.782.250.000

10/12/2015

8,3

6,00

BVDB13271

1.033.333

109.651.097.962

12/12/2015

8,3

6,00

TD1217038

500.000

58.296.500.000

15/6/2017

9,5

6,30

TD1318021

500.000

55.117.000.000

15/1/2018

9,3

6,75

TD1416061

1.000.000

103.425.000.000

15/1/2016

6,8

5,60

TD1417072

500.000

51.440.500.000

15/2/2017

6,9

6,12

TD1417075

1.000.000

99.799.000.000

31/3/2017

6,1

6,20

TD1419082

1.634.784

169.358.718.048

15/2/2019

7,9

7,25

VDB112072

2.000.000

225.560.000.000

29/5/2015

9,5

5,15

Diễn biến khác:

- Sau một thời gian hoạt động với quy mô phòng giao dịch, một chi nhánh ngân hàng đầu tiên trên huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) chính thức được Vietinbank khai trương sáng nay, tại thị trấn Cái Rồng.

- CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa hoàn tất đợt phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm. Kỳ tính lãi đầu tiên là 12%/năm, lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo được xác định bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, trả sau, kỳ hạn 12 tháng công bố tại 4 ngân hàng cộng biên độ 4%/năm.

- Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến gần cuối tháng 3.2014, dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 33,03%, lãi suất từ 10 - 13%/năm chiếm 48,75%; lãi suất từ 13 - 15% chiếm 12,33% và lãi suất trên 15%/năm chiếm 5,89%. Số liệu này cho thấy, mức lãi suất cho vay mà các ngân hàng công bố chỉ khoảng 8 - 9%/năm, thậm chí 6 - 7%/năm là không thực chất, nặng mục đích làm thương hiệu.

- Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Trong những tháng tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, kể cả khoản vay cũ, về mức dưới 13%/năm”.

- Theo UBND TP. HCM, tính đến cuối tháng 3, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 1.175.000 tỷ đồng, tăng 0,36% so cuối năm 2013 (tăng 12,3% so cùng kỳ năm ngoái); trong đó, huy động vốn bằng VND đạt 990.900 tỷ đồng, tăng 0,74%; bằng ngoại tệ quy đổi đạt 184.100 tỷ đồng, giảm 1,66%. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 954.000 tỷ đồng, tăng 0,12% so cuối năm 2013 (tăng 8,3% so cùng kỳ năm ngoái); trong đó, dư nợ bằng VND đạt 797.200 tỷ đồng, giảm 0,57%; dư nợ bằng ngoại tệ quy đổi đạt 156.800 tỷ đồng, tăng 3,75%.

- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị triển khai sản phẩm tín dụng cho vay liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng. Hồi cuối tháng 3, NHNN đã có cuộc họp bàn với các ngân hàng thành viên để lấy ý kiến về gói sản phẩm này. Ngày 10/4 tới, NHNN sẽ tổ chức thêm 1 buổi họp với các NHTM để đi tới thống nhất cuối cùng từ phía các ngân hàng. Tổng trị giá của gói sản phẩm 4 nhà do NHNN chủ trì khoảng 70.000 tỷ đồng.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, trong quý I/2014 Sở đã cấp phép cho 75 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư lên trên 690 triệu USD, tăng 19% về số dự án và tăng gần 12 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Cũng trong quý I, TP. HCM có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn 62 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh trong quý I đạt trên 752 triệu USD, tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Tin bài liên quan