Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bất ngờ khởi sắc

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bất ngờ khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng vọt; Chiếc áo "room tín dụng"; Cơ hội với cổ phiếu hoá chất; Hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn; Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9: Hành động trong mắt bão; Mỹ gặp khó khi xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 23/6 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 67,90 – 68,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 5,3 USD lên mức 1.838 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lùi về dưới 1.830 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,61 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.101 đồng/USD, tăng 12 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.110 – 23.390 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm xuống dưới mốc 20.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã nhích lên và lên 20.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,03 USD (-0,97%), xuống 105,16 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,06 USD (-0,95%), xuống 110,71 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng gần 20 điểm

Sau phiên sáng ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều có phần khởi sắc hơn, sắc xanh trên bảng điện tử dần được phủ rộng, cùng một số bluechip đột ngột bay cao đã giúp VN-Index tăng gần 20 điểm lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Các bluechip đáng kể là sắc tím tại CTG +7% và POW +6,9%, GAS +5%, SSI +4,5%, PNJ +4,4%, GVR +4,1%, MWG +3,9%, STB +3,9%, MSN +3,8%, TCB +3,3%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm bất động sản thủy sản, điện, dầu khí, bán lẻ, công ty chứng khoán, logistic, nông nghiệp với những cái tên VHC, ANV, PC1, GEG, REE, NT2, DIG, DXS, ROS, CKG, D2D, DAH, DXG, CCL, GIL, VOS, HAH FRT, DGC, DBC, ABS, HAI…đều đã tăng trần.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 7,72 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 350,62 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/6: VN-Index tăng 19,61 điểm (+1,68%), lên 1.188,88 điểm; HNX-Index tăng 7,79 điểm (+2,89%), lên 277,18 điểm; UpCoM-Index tăng 1,06 điểm (+1,24%), lên 86,7 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm nhẹ trong phiên thứ Tư (22/6), với phát biểu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương Mỹ "cam kết mạnh mẽ" để giảm lạm phát.

Trong ngày đầu tiên của cuộc điều trần hai ngày trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã nói rằng ngân hàng trung ương “quyết tâm” kiềm chế lạm phát, vốn đã vọt lên mức cao nhất trong 40 năm.

Ông Powell nói thêm rằng Fed sẽ giữ nguyên lộ trình cho đến khi thấy “bằng chứng thuyết phục" rằng lạm phát đang giảm. Nhưng cũng cho biết việc đưa nền kinh tế không rơi vào suy thoái đã trở nên “thách thức hơn”.

Kết thúc phiên 22/6, chỉ số Dow Jones giảm 47,12 điểm (-0,15%), xuống 30.483,13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,90 điểm (-0,13%), xuống 3.759,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 16,22 điểm (-0,15%), xuống 11.053,08 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi, sau một ngày giao dịch bất ổn, giằng co do ​​khả năng suy thoái kinh tế đang đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,08% lên 26.171,25 điểm Chỉ số Topix giảm 0,05% xuống 1.851,74 điểm.

Shuji Hosoi, Chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities cho biết: “Khi thị trường toàn cầu đang đối mặt với việc tăng lãi suất và suy thoái, Nhật Bản có vị thế khác. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình và các hoạt động kinh tế đã bắt đầu khởi sắc kể từ khi các hạn chế Covid-19- được dỡ bỏ”.

Nhưng những người khác có cái nhìn u ám hơn.

Một người tham gia thị trường tại một công ty chứng khoán trong nước sáng nay cho biết: “Có một tâm lý thận trọng về sự suy giảm kinh tế do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Mỹ”.

Cổ phiếu đáng chú ý hôm nay là của Toshiba, tăng 3,54% sau một tin tức của Reuters rằng các nhà đầu tư đang chuẩn bị một đề nghị mua lại có thể định giá tập đoàn này ở mức 7.000 yên một cổ phiếu, tương đương khoảng 22 tỷ USD.

Chứng khoán Trung Quốc tăng lên mức cao nhất gần 4 tháng, nhờ động lực từ cổ phiếu công nghệ và nhà sản xuất ô tô.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,62% lên 3.320,15 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,72% lên 4.343,88 điểm.

Thị trường cũng lấy cảm hứng từ gã khổng lồ pin Trung Quốc Contemporary Amperex Technology Co Ltd (CATL), sau đợt phát hành riêng lẻ trị giá 6,7 tỷ USD và việc Trung Quốc có kế hoạch giới thiệu các công cụ phái sinh chỉ số chứng khoán mới.

Cổ phiếu công nghệ ở tăng mạnh sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra dấu hiệu hỗ trợ các công ty fintech và thanh toán hàng đầu của nước này trong một dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang nới lỏng chính sách đối với lĩnh vực này.

Trong khi đó, cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tăng 6%, sau khi nội các Trung Quốc tuyên bố vào thứ Tư sẽ tăng cường hỗ trợ mua ô tô.

Chứng khoán Hồng Kông cũng được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu công nghệ sau quyết định nới lỏng các quy định dành cho các công ty fintech.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,26% lên 21.273,87 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,75% lên 7.463,08 điểm.

Chỉ số theo dõi ngành công nghệ Hang Seng tăng 2,3%, với cổ phiếu lớn nhất là Alibaba Group Holding Ltd tăng 6,4%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng sau khi Chủ tịch Fed thừa nhận khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 28,49 điểm, tương đương 1,22% xuống 2.314,32 điểm, -mức thấp nhất kể từ ngày 2/11/2022.

Nhà phân tích Na Jeong-hwan của Cape Investment and Securities cho biết, rủi ro Fed tăng lãi suất dẫn đến nhu cầu hàng hóa lâu bền yếu đi sẽ rất quan trọng đối với các nước xuất khẩu sản xuất như Hàn Quốc.

Kết thúc phiên 23/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 21,70 điểm (+0,08%), lên 26.171,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 52,95 điểm (+1,62%), lên 3.320,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 265,53 điểm (+1,26%), lên 21.273,87 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 28,49 điểm (-1,22%), xuống 2.314,32 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chiếc áo "room tín dụng"

Hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) dù được coi là công cụ hành chính, mang tính chủ quan, nhưng vẫn là công cụ quản lý hữu hiệu khi trình độ phát triển hệ thống ngân hàng chưa hoàn hảo..>> Chi tiết

- Cơ hội với cổ phiếu hoá chất

Có tiềm năng tăng trưởng tốt và định giá hấp dẫn, cổ phiếu nhóm hoá chất đang được nhà đầu tư đưa vào trong danh mục của mình..>> Chi tiết

- Hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn

Thị trường vốn và thị trường bất động sản sẽ có các giải pháp phát triển phù hợp, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra..>> Chi tiết

- Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9: Hành động trong mắt bão

Chỉ số VN-Index đã giảm về dưới ngưỡng 1.200 điểm, phá vỡ vùng test hỗ trợ, cũng phá vỡ niềm tin của nhà đầu tư về khả năng phục hồi của thị trường..>> Chi tiết

- Mỹ gặp khó khi xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc

Mỹ đã liên tục tìm kiếm và có được nhiều cam kết từ Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể trong việc ngăn chặn các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc..>> Chi tiết

Tin bài liên quan