Thị trường tài chính 24h: Chờ đợi chỉ số bứt lên 900 điểm

Thị trường tài chính 24h: Chờ đợi chỉ số bứt lên 900 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giữ được mốc 880 điểm; Tín dụng trung, dài hạn tăng cao hơn ngắn hạn; Tháng 9, kỳ vọng vượt ngưỡng 900 điểm; Cơ hội tại các nhịp chùng; Vốn ngoại vào quỹ PE mạnh không kém ETF; Chứng khoán châu Á đa số lùi bước; Các quỹ đầu tư toàn cầu tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu mặc dù chứng khoán tăng...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 31/8 tăng tăng thêm 450.000 đồng/lượng chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 56,45 – 57,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 35,7 USD lên 1.964,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng leo lên 1.970 USD/ounce, nhưng sau đó hạ nhiệt và về gần 1.964 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 10 trên sàn Comex New York giảm 3,8 USD xuống 1.963 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,09% xuống 92,29 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.200 đồng, giảm 5 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,56 USD (+1,30%), lên 43,54 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,68 USD (+1,48%), lên 46,49 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index rung lắc

Sau thời gian ngắn tăng vọt đầu phiên, áp lực bán đã gia tăng khiến nhiều mã lớn bé đảo chiều và VN-Index may mắn giữ được sắc xanh nhờ một vài mã lớn.

Trong phiên chiều, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index có thời đoeẻm bị đẩy lùi về sát tham chiếu, nhưng lực cầu trở lại giúp chỉ số bảo toàn mốc 800 điểm khi đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu VN30 tâm điểm là SAB, khi +5,2%, cùng BID +1%, CTG +2,4%, VNM +1,4%, VJC +2,4%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu TTF tiếp tục có sóng lớn, tăng trần lên 4.410 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh 22,81 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE và bỏ xa phần còn lại.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 17,05 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 301,39 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 31/8: VN-Index tăng 2,67 điểm (+0,3%), lên 881,65 điểm; HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,78%), xuống 124,85 điểm; UpCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,85%), xuống 58,82 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Theo báo cáo mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 7, làm tăng kỳ vọng về sự trở lại mạnh mẽ của kinh tế trong quý III. Trong khi lạm phát hàng tháng tăng cao hơn.

Một thông tin vui nữa đến với giới đầu tư là một trợ lý hàng đầu của ông Donald Trump cho biết Tổng thống Mỹ sẵn sàng ký dự luật cứu trợ coronavirus trị giá 1.300 tỷ USD, 4 tuần sau khi trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp cho hàng triệu người Mỹ hết hạn. Gói hỗ trợ này thậm chí Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng không đủ.

Nhận các tin tích cực liên tiếp, phố Wall đã đồng loạt tăng điểm trong phiên cuối tuần, đóng cửa ở mức cao lịch sử mới. Trong đó, S&P và Nasdaq ghi nhận tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Trong tuần, Dow Jones tăng 2,59% S&P t tăng 3,26% và Nasdaq tăng 3,39%.

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Dow Jones tăng 161,60 điểm (+0,57%), lên 28.653,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,46 điểm (+0,67%), lên 3.508,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 70,30 điểm (+0,60%), lên 11.695,63 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục, khi tâm lý thị trường ổn định hơn bởi kỳ vọng người kế nhiệm thủ tướng Shinzo Abe có thể tiếp tục các chính sách hiện tại của ông.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,12% lên 23.139,76 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,83% lên 1.618,18 điểm.

Thông tin đáng chú ý là sản lượng nhà máy của Nhật Bản tăng trong tháng 7 với tốc độ nhanh kỷ lục, nhờ vào ngành ô tô và phụ tùng ô tô. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế dần dần sau dịch Covid-19.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, khi nhóm cổ phiếu tài chính và y tế bị chốt lời gây ảnh hưởng.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,24% xuống 3.395,68 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,58% xuống 4.816,22 điểm.

Nhóm cổ phiếu tài chính suy giảm, sau khi nhiều ngân hàng lớn báo cáo lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm về cuối phiên, khi áp lực bán chốt lời dứt khoát ở nhóm cổ phiếu tài chính và tiêu dùng đè nặng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,96% xuống 25.177,05 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,88% xuống 9.991,48 điểm.

Theo chân Đại lục, nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn đồng loạt giảm sau khi 5 ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc báo cáo lợi nhuận giảm trong ít nhất một thập kỷ.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), tổ chức tín dụng cho vay thương mại lớn nhất thế giới tính theo tài sản, giảm 3,6%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do áp lực xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 7 tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến.

Sản lượng công nghiệp ở Hàn Quốc tăng với tốc độ chậm hơn nhiều trong tháng 7 do tác động bởi hạn chế xã hội bởi dịch Covid-19.

Đáng kể, cổ phiếu của các công ty lớn như Samsung Electronics Co Ltd và SK Hynix Inc giảm lần lượt 2,5% và 3,5%.

Kết thúc phiên 31/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 257,11 điểm (+1,12%), lên 23.139,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,13 điểm (-0,24%), xuống 3.395,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 245,01 điểm (-0,96%), xuống 25.177,05 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 27,63 điểm (-1,17%), xuống 2.326,17 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng trung, dài hạn tăng cao hơn ngắn hạn

Đến hết tháng 8/2020, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng cao hơn khoảng 52% trong tổng tín dụng toàn địa bàn TP.HCM, ước tăng 4,31% so với cuối 2019; còn dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 3%..>> Chi tiết

- Tháng 9, kỳ vọng vượt ngưỡng 900 điểm

Sau tháng 8 tăng trưởng tốt với việc nhiều nhà đầu tư lấy lại những gì đã mất từ đợt suy giảm trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tháng 9 với tâm thái lạc quan..>> Chi tiết

- Cơ hội tại các nhịp chùng

Chỉ số tăng điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế ủng hộ và tâm lý dòng tiền cởi mở trở lại, nhưng hoạt động mua trong các nhịp chùng lại của thị trường có thể sẽ hiệu quả hơn là mua đuổi..>> Chi tiết

- Vốn ngoại vào quỹ PE mạnh không kém ETF

Trái ngược với động thái bán ròng trên sàn, dòng vốn ngoại có xu hướng chảy vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và gần đây là các quỹ đầu tư tư nhân (private equity - PE)..>> Chi tiết

- Các quỹ đầu tư toàn cầu tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu mặc dù chứng khoán tăng

Trong tháng 8, các quỹ đầu tư tiếp tục khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu bất chấp mức tăng mạnh của thị trường chứng khoán thế giới do tình hình đại dịch kéo dài và dữ liệu cho thấy sự phục hồi kinh tế bị đình trệ, theo cuộc thăm dò của Reuters cho thấy..>> Chi tiết

Tin bài liên quan