Thị trường tài chính 24h: Chỉ số VN-Index giảm gần 20% trong quý II

Thị trường tài chính 24h: Chỉ số VN-Index giảm gần 20% trong quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index để mất mốc 1.200 điểm; Liệu niềm tin có đủ để Bitcoin biến mùa đông thành "không lạnh"?; Gồng lỗ cần đặt mục tiêu và 3 lưu ý cho giai đoạn này; Thị trường chứng khoán: Dòng tiền hụt hơi; Lợi nhuận quý II: Điểm sáng dầu khí, thủy sản; OPEC+ sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu mỏ… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 30/6 tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và đứng nguyên ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 68,30 – 68,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 2,5 USD xuống mức 1.817,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp và về gần 1.810 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,26 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 30/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.110 đồng/USD, tăng 11 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.135 – 23.415 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng tại 20.100 USD, thì sang phiên hôm nay đã suy yếu và thủng 20.000 về gần 19.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,17 USD (-0,15%), xuống 109,61 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,20 USD (-0,17%), xuống 116,06 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index lao dốc

Sau phiên sáng khá nhàm chán, thị trường bước vào phiên chiều với lực cung dần gia tăng và lan rộng khắp bảng điện tử khiến VN-Index rơi dần xuống dưới tham chiếu, giảm mạnh hơn 20 điểm, để mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm khi đóng cửa.

Như vậy, phiên cuối cùng của tháng 6 đã kết thúc và VN-Index ghi nhận giảm 95,08 điểm trong tháng này, tương ứng -7,35%.

Còn tính trong quý II, VN-Index giảm tới 294,55 điểm, tương đương -19,7% và từ đầu năm 2022 đã giảm hơn 300,6 điểm, tương đương -20,06%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 410.580 đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 16 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 30/6: VN-Index giảm 20,49 điểm (-1,68%), xuống 1.197,6 điểm; HNX-Index giảm 4,66 điểm (-1,65%), xuống 277,68 điểm; UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,34%), xuống 88,58 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall gần như Mỹ gần như ít thay đổi trong phiên ngày thứ Tư (29/6), khi thị trường chuẩn bị khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970.

Các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều chuẩn bị ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Nasdaq Composite hướng đến quý tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Chỉ số S&P 500, vốn lao dốc 20% từ đầu năm đến nay, đang hướng đến ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970, khi chỉ số này sụt 21,01%.

Chuyên gia Adam Sarhan của công ty đầu tư tư nhân 50 Park Investment, có trụ sở tại Mỹ, nhận định mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý sắp tới có thể là chất xúc tác hỗ trợ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư, nhưng cũng có thể khiến cổ phiếu giảm giá nếu các báo cáo gây thất vọng.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Dow Jones tăng 82,32 điểm (+0,27%), lên 31.029,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,72 điểm (-0,07%), xuống 3.818,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,65 điểm (-0,03%), xuống 11.177,89 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, sau khi dữ liệu cho thấy sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm mạnh nhất trong hai năm và đồng yên suy yếu xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,54% xuống 26.393,04 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,2% xuống 1.870,82 điểm.

Đồng yên Nhật đã tăng nhẹ trở lại để giao dịch ở mức 136,17 yên/USD, sau khi chạm mức thấp nhất trong 24 năm qua, phá vỡ mốc 137 quan trọng trước đó.

Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố dữ liệu cho thấy sản xuất công nghiệp đã giảm 7,2% trong tháng 5, mức giảm tháng thứ hai liên tiếp và mức ghi nhận mức giảm trong một tháng lớn nhất trong hai năm qua.

Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô và các nhà xuất khẩu khác đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu linh kiện và những phức tạp liên quan đến công tác phòng dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Trong khi năng lượng là ngành hoạt động kém nhất của Nikkei 225, giảm 2,77% với Inpex Corp giảm 3,61% khi giá dầu Brent trên đà giảm phiên thứ hai liên tiếp.

Chứng khoán Trung Quốc đánh dấu tháng tốt nhất trong gần hai năm, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu phục hồi kinh tế sau khi nới lỏng các hạn chế chống Covid-19.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,1% lên 3.398,62 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 1,44% lên 4.485,01 điểm. Cả hai chỉ số đều ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 7/2020.

Mức tăng trên diện rộng đến khi dữ liệu chính thức cho thấy, các ngành dịch vụ và nhà máy của Trung Quốc đã hồi phục trong tháng 6, khi các nhà chức trách dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải.

Lĩnh vực du lịch và rượu là những ngành thắng lợi nhất, với một chỉ số theo dõi các công ty liên quan đến du lịch đã tăng 4,1%.

Trong khi nhóm cổ phiếu rượu tăng 3,74%, với Wuliangye Yibin Co Ltd tăng 5,17% và Kweichow Moutai tăng 1,83%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi lo lắng về việc Mỹ tăng lãi suất và lạm phát gia tăng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,62% xuống 21.859,79 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,36% xuống 7.666,88 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh và ghi nhận tháng giảm mạnh nhất trong gần 4 năm do lo lắng về lạm phát cao và suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 45,35 điểm, tương đương 1,91% xuống 2.332,64 điểm. Chỉ số kết thúc tháng 6 giảm 13,2%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2018 và giảm 15,4% trong quý II, mức giảm lớn nhất kể từ quý đầu tiên trong năm 2020.

Trong số các cổ phiếu lớn, công ty công nghệ khổng lồ Samsung Electronics giảm 1,72% và SK Hynix giảm 3,19%.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 5,24%, trong khi các công ty cùng ngành là Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 6,67% và 4%.

Kết thúc phiên 30/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 411,56 điểm (-1,54%), xuống 26.393,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,10 điểm (+1,10%), lên 3.398,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 137,10 điểm (0,62%), xuống 21.859,79 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 45,35 điểm (-1,91%), xuống 2.332,64 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Liệu niềm tin có đủ để Bitcoin biến mùa đông thành "không lạnh"?

Tính đến thời điểm sáng ngày 29/6, thị trường tiền điện tử có 21/100 mã tăng điểm. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa - Bitcoin giảm 1,56%, còn 20.020 USD/BTC..>> Chi tiết

- Gồng lỗ cần đặt mục tiêu và 3 lưu ý từ chuyên gia cho giai đoạn này

Nhà đầu tư Minh Khang chia sẻ, từng kịch liệt lên án tình trạng mua bất động sản chờ lên giá rồi bán kiếm lời, do đó với số vốn 500 triệu đồng sau khi tham khảo nhiều ý kiến đã quyết định đầu tư cổ phiếu với hy vọng góp chút gì đó vào giá trị doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Thị trường chứng khoán: Dòng tiền hụt hơi

VN-Index đang dao động trong vùng đáy gần 1 năm qua, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp. Cơ hội đầu tư được nhìn nhận chủ yếu dành cho mục tiêu trung và dài hạn..>> Chi tiết

- Lợi nhuận quý II: Điểm sáng dầu khí, thủy sản

Một số doanh nghiệp ước đạt kết quả kinh doanh khả quan trong quý II/2022, nhất là lĩnh vực dầu khí, thủy sản, nhờ giá và nhu cầu gia tăng..>> Chi tiết

- OPEC+ sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu mỏ

Theo kế hoạch, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) sẽ nhóm họp trực tuyến trong ngày 30/6 để thảo luận về kế hoạch khai thác dầu thô cung cấp cho thị trường toàn cầu..>> Chi tiết

Tin bài liên quan