Thị trường tài chính 24h: Câu hỏi hiện tại là thị trường còn rơi tới khi nào?

Thị trường tài chính 24h: Câu hỏi hiện tại là thị trường còn rơi tới khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lao dốc; Giá vàng chịu áp lực từ lạm phát và căng thẳng địa chính trị; Dòng tiền chịu áp lực; Chiến lược giao dịch ngắn hạn: Chỉ nên ở tỷ trọng thấp; Dòng tiền dài hạn thế chân tiền FOMO; Giá dầu diesel đang ở mức khó tin… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 9/5 không đổi so với ngày cuối tuần trước, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 69,60 - 70,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần trước tại Mỹ tăng 6,2 USD/ounce lên 1.883,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lao dốc và thủng mốc 1.860 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,87 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.135 đồng/USD, tăng 5 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.810 – 23.090 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua lao dốc nhanh về gần 34.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và về gần 33.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,29 USD (-2,09%), xuống 107,38 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,24 USD (-1,99%), xuống 110,10 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Ngày thứ Hai "đen tối", VN-Index giảm gần 60 điểm

Không có gì cản nổi đà rơi của thị trường, dù lượng bắt đáy tiếp tục nhích hơn so với các phiên trước giúp thanh khoản tăng khoảng 20%.

Một số nhà đầu tư kinh nghiệm chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, họ đã không chỉ một lần cơ cấu tài khoản trong đợt rơi này do không nghĩ thị trường giảm sốc vậy.

Đầu tiên là giảm margin, tiếp nữa là bán các cổ phiếu tăng nóng để dịch chuyển sang các cổ phiếu có báo cáo kinh doanh quý I/2022 và năm 2021 tích cực với kỳ vọng nhóm này sẽ sớm tăng lại, nhưng đến thời điểm hiện tại thì buộc phải thanh lọc tiếp nhằm giữ lại một ít tiền chờ cơ hội mới.

Trên thực tế, nếu nhà đầu tư nào còn giữ cổ phiếu hoặc mua bắt đáy trong nhịp hồi giữa tháng 4 vừa qua thì không thể có lãi.

Mọi chiến thuật nhằm giảm lỗ đều thua cách rút tiền đứng ngoài thị trường, một số nhà đầu tư nhanh nhạy có thể kiếm lời bằng cách quay sang thị trường phái sinh đua lệnh short, nhưng đây chỉ là số ít vì với các nhà đầu tư mới thì phái sinh khá… khó chơi!

Câu hỏi hiện tại là thị trường còn rơi tới khi nào?

Trong một thị trường bán tháo như hiện tại, với kinh nghiệm quá khứ thì câu trả lời phù hợp sẽ là… không biết khi nào!

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 14,1 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 623,02 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/5: VN-Index giảm 59,64 điểm (-4,49%), xuống 1.269,62 điểm; HNX-Index giảm 10,07 điểm (-5,84%), xuống 323,39 điểm; UPCoM-Index giảm 5,38 điểm (-5,29%), xuống 96,5 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục giảm điểm vào thứ Sáu (6/5) khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Fed sẽ quyết liệt hơn ​​trong việc tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Phiên này, cổ phiếu công nghệ một lần nữa trở thành lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất, với Amazon giảm 1,4%, Microsoft và Nvidia giảm 0,9%. Netflix và Crowdstrike sụt lần lượt 3,9% và 8,9%.

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào báo cáo lạm phát chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng vào thứ Tư tuần tới, và các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm manh mối về việc liệu nền kinh tế có gần đạt đỉnh lạm phát hay không.

Tính chung cả tuần vừa qua, Dow Jones giảm nhẹ 0,24%, S&P 500 giảm 0,21% và và Nasdaq giảm 1,54%.

Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Dow Jones giảm 98,60 điểm (-0,30%), xuống 32.899,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,53 điểm (-0,57%), xuống 4.123,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 173,03 điểm (-1,40%), xuống 12.144,66 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh, với sự suy yếu của các chỉ số tương lai phố Wall và khả năng xung đột Nga-Ukraine leo thang làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,53% xuống 26.319,34 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,96% xuống 1.878,39 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, Fast Retailing giảm 6,26%, trong khi SoftBank Group, vốn đầu tư mạnh vào các công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc, giảm 3,5%.

Các hãng sản xuất chip cũng lao dốc, với Tokyo Electron giảm 2,02% và Renesas giảm 3,51%.

Cổ phiếu ngành du lịch cũng sụt giảm, với công ty du lịch HIS giảm 5,34% và hãng hàng không ANA Holdings mất 5,05%.

Chứng khoán Trung Quốc trái chiều và chịu áp lực từ các công ty tài chính và tiêu dùng sụt giảm, khi lo ngại ngày càng tăng về tác động kinh tế của việc phong tỏa đè nặng lên tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,09% lên 3.004,14 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,8% xuống 3.877,44 điểm.

Cổ phiếu các nhà sản xuất rượu nằm trong số những mã giảm sâu nhất, do lo ngại về tác động mở rộng của các quy định hạn chế Covid-19, với chỉ số phụ theo dõi lĩnh vực này giảm 2,19%

Trong đó, cổ phiếu lớn Kweichow Moutai Co Ltd là lực cản lớn nhất đối với CSI300, khi giảm 2,29%.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc giảm sau khi một nhóm công nghiệp ước tính rằng doanh số bán hàng trong tháng 4 đã giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái, do chính sách phong tỏa nhiều nơi khiến các nhà máy phải đóng cửa.

Theo đó, BYD Co Ltd giảm 3,86% và Chongqing Changan Automobile Co Ltd giảm 3,4%.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi, với khẩu vị rủi ro giảm trên khắp các thị trường châu Á, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 33,70 điểm, tương đương 1,27% xuống 2.610,81 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 30/11/2020.

Sự suy yếu gần đây của thị trường chứng khoán không chỉ phản ánh việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ mà còn cả những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, với các biện pháp phong tỏa nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc, làm gia tăng những rắc rối trong chuỗi cung ứng, nhà phân tích Seo Sang-young của Mirae Asset Securities cho biết.

Kết thúc phiên 9/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 684,22 điểm (-2,53%), xuống 26.319,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,58 điểm (+0,09%), lên 3.004,14 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 33,70 điểm (-1,27%), xuống 2.610,81 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Giá vàng chịu áp lực từ lạm phát và căng thẳng địa chính trị

Thông thường, khi lãi suất USD tăng, thì giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, giá vàng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: tình hình kinh tế thế giới, lạm phát tại Mỹ, tình hình địa chính trị Nga - Ukraine...>> Chi tiết

- Chiến lược giao dịch ngắn hạn: Chỉ nên ở tỷ trọng thấp

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI đưa ra lời khuyên như vậy cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, khuyến nghị hạn chế giao dịch đối với nhóm cổ phiếu yếu hơn hoặc biến động đồng pha với thị trường..>> Chi tiết

- Dòng tiền dài hạn thế chân tiền FOMO

Hiếm khi nào nhà đầu tư phải chịu nhiều nỗi lo cùng một lúc như hiện nay, hệ quả là chúng ta đang có mức định giá VN30 dự phóng 2022 ở mức 11 lần, thấp hiếm thấy..>> Chi tiết

- Dòng tiền chịu áp lực

Tuần giao dịch chỉ có 3 phiên sau kỳ nghỉ lễ nhưng cũng đủ “dài đằng đẵng” với cảm xúc chán nản của nhiều nhà đầu tư khi mất phương hướng với diễn biến thị trường hiện tại..>> Chi tiết

- Giá dầu diesel đang ở mức khó tin và nguy cơ thiếu hụt ngay trước mắt

Dầu diesel - loại nhiên liệu "cung cấp năng lượng" cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu - đang được giao dịch ở mức giá đáng kinh ngạc..>> Chi tiết

Tin bài liên quan