Thị trường vàng, ngoại tệ và dầu thô
Thị trường vàng thế giới, giá vàng thế giới giao phiên cuối tuần 10/1 tại Mỹ tăng 10,1 USD lên 1.562,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay 13/1 đã tiếp tục suy yếu và về 1.549 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không thay đổi chiều mua vào, nhưng giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 42,90 – 43,32 triệu đồng/lượng, giảm thêm 300.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,15% lên 97,51 điểm vào cuối phiên châu Á.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 13/1 được công bố ở mức 23.162 đồng, giảm 4 đồng với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.110 - 23.230 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 59,02 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,06 USD (-0,09%), xuống 64,92 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index điều chỉnh nhẹ
Thị trường chuyển đỏ ngay khi mở cửa, và chỉ đến khi thủng mốc 965 điểm, lực cầu nhập cuộc mới hỗ trợ giúp VN-Index bật ngược đi lên, tuy nhiên cũng chỉ đủ giúp chỉ số lình xình trên ngưỡng 965 điểm.
Bước sang phiên chiều, lực bán luôn trực chờ, trong khi dòng tiền yếu, nên thị trường nhìn chung ảm đạm và kết phiên gần 965 điểm.
Dòng bank điều chỉnh với BID -2,3%, CTG -1,5%, VPB -2,1%, HDB, MBB, STB, TCB, VCB giảm dưới 1%.
Đáng chú ý, ROS giảm sàn thứ 4 liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày chào sàn. Nhiều cổ phiếu trong họ FLC cũng giảm sâu như FLC -3,8%, HAI -6,7%, AMD -6%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1,9 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 64,66 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 13/1: VN-Index giảm 2,7 điểm (-0,28%), xuống 965,84 điểm; HNX-Index tăng 0,09 điểm (+0,08%), lên 102,3 điểm; UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,26%), lên 55,64 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall đã quay đầu giảm điểm trong ngày thứ Sáu, sau khi dữ liệu cho thấy trong tháng 12/2019, nền kinh tế Mỹ tạo thêm 145.000 việc làm, thấp hơn so với mức dự báo 164.000 việc làm của giới phân tích đưa ra trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp được giữ gần mức thấp nhất trong 50 năm là 3,5% và thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,1% trong tháng trước.
Trong tuần, Dow Jones tăng 0,66%, S&P 500 tăng 0,94% và Nasdaq tăng 1,75%.
Kết thúc phiên 10/1, chỉ số Dow Jones giảm 133,13 điểm (-0,46%), xuống 28.823,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,35 điểm (-0,29%), xuống 3.265,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 24,57 điểm (-0,27%), xuống 9.178,86 điểm.
Thị trường châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Lễ Trưởng thành
Chứng khoán Trung Quốc bật tăng nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ khi tăng gần 3%, cùng sự lạc quan trước lễ kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Trung Quốc và Mỹ vào ngày 15 tới đây.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,75% lên 3.115,57 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,98% lên 4.203,99 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 2/2018.
Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất trong hơn 8 tháng, nhờ sự lạc quan của thị trường, trước lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần này.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,11% lên 28.954,94 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 8/5/2019. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,15% lên 11.396,76 điểm.
Trung Quốc và Mỹ sẽ ký thỏa thuận chấm dứt 18 tháng tranh chấp thương mại vào ngày 15 /1 tới. Mặc dù vậy, giới đầu tư lưu ý, vẫn sẽ còn khoản thuế quan trị giá khoảng 370 tỷ USD mà Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc không được dỡ bỏ.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng được nâng đỡ nhờ sự lạc quan của giới đầu tư trước lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên 13/1: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,28 điểm (+0,75%), lên 3.115,57 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 316,74 điểm (+1,11%), lên 28.954,94 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 22,87 điểm (+1,04%), lên 2.229,36 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Cẩn trọng khi vàng “tan chảy”Mặc dù giá vàng đang giảm dần, nhưng giới chuyên gia vàng nhìn nhận, vàng vẫn còn nhiều trợ lực tăng giá trong năm 2020..>> Chi tiết
- Những điểm nhấn chứng khoán 2020
Với một nền kinh tế đang mở rộng trên nhiều mặt, có rất nhiều ngành đang trong xu thế tăng trưởng như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, logistics, cảng biển, hàng không, vật liệu xây dựng, dệt may, viễn thông, điện nước…>> Chi tiết
- Miễn phí giao dịch chứng khoán, làm sao để tận dụng hiệu quả?
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra hào hứng với việc nhiều công ty chứng khoán trên thị trường đang áp dụng chính sách miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở hay phái sinh..>> Chi tiết
- Chứng khoán phái sinh: Điểm kích dòng tiền xuất hiện
Hai phiên cuối tuần qua, sự “kích nổ” về mặt dòng tiền là chất xúc tác tích cực cho xu hướng hồi phục của thị trường chung, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện là điều đáng ghi nhận nhất trong giai đoạn cận Tết..>> Chi tiết
- Thị trường tài chính toàn cầu “dửng dưng” với xung đột Mỹ - Iran
Các thị trường tài chính toàn cầu “nhún vai” trước xung đột giữa Mỹ và Iran, bởi các thành viên thị trường không tin căng thẳng sẽ leo thang thành chiến tranh hay có tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu..>> Chi tiết