Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/9 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,80 – 66,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 8,8 USD lên mức 1.673,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về dưới 1.660 USD, nhưng đã hồi phục lên quanh 1.670 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 111,12 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.316 đồng/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.565 – 23.845 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 18.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã hồi phục khá mạnh và lên trên 19.100 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,27 USD (+0,33%), lên 83,21 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,28 USD (+0,31%), lên 90,18 USD/thùng.
VN-Index hồi phục từ vùng hỗ trợ 1.200 điểm
Sau phiên sáng để thủng mốc hỗ trợ 1.200 điểm, thị trường bước vào phiên chiều dần tích cực hơn, khi lực cầu túc tắc nhập cuộc, trong khi áp lực bán chững lại, qua đó, VN-Index theo đó từng bước đi lên và trồi lên trên tham chiếu khi đóng cửa.
Lực cầu bắt đáy cũng giúp thanh khoản thị trường cải thiện hơn sau phiên sụt giảm mạnh về mức thấp nhất gần 2 năm hôm qua. Tuy nhiên, dường như lực cầu bắt đáy này chỉ mang tính kỹ thuật, thăm dò là chính nên dù cải thiện, nhưng thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp, dưới 12.000 tỷ đồng.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,57 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 538,78 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 22/9: VN-Index tăng 4,15 điểm (+0,34%), lên 1.214,7 điểm; HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,21%), lên 265,64 điểm; UpCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,36%), lên 88,55 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Tư (21/9), sau quyết định tăng lãi suất của Fed và giới đầu tư nhận thêm thông điệp sẽ còn nhiều đợt tăng lãi suất khác trong tương lai.
Fed sau cuộc họp thường niên đã thông báo chính thức tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,75% lên biên độ từ 3,00%-3,25%, mức cao nhất kể từ năm 2008, đồng thời, báo hiệu nhiều đợt tăng lớn hơn có thể sẽ xuất hiện.
Fed cũng dự báo mức lãi suất chính sách sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm nay, trước khi đạt mức 4,6% vào năm 2023 để hạ nhiệt lạm phát.
Kết thúc phiên 21/9, chỉ số Dow Jones giảm 522,45 điểm (-1,70%), xuống 30.183,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 66,00 điểm (-1,71%), xuống 3.789,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 204,86 điểm (-1,79%), xuống 11.220,19 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn hai tháng, khi các nhà đầu tư phản ứng thận trọng với dự báo diều hâu của Fed và quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong việc duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dàng của mình.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,58% xuống 27.153,83 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,24% xuống 1.916,12 điểm.
Tomoichiro Kubota của Matsui Securities cho biết: “Việc tăng lãi suất của Fed đúng như dự kiến, nhưng việc mở đường tăng lãi suất thêm nhiều lần được coi là diều hâu và khiến một số người nghĩ về viễn cảnh thắt chặt tiền tệ trong một thời gian dài”.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda chuẩn bị phát biểu một cuộc họp báo sau khi thị trường Nhật Bản đóng cửa, với các nhà đầu tư sẵn sàng tìm thêm manh mối về triển vọng chính sách tương lai của ngân hàng.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi giới đầu tư săn lùng các món hời giúp hạn chế thiệt hại đối thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,27% xuống 3.108,91 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,88% xuống 3.869,34 điểm.
Chứng khoán Trung Quốc được hỗ trợ bởi những dấu hiệu săn lùng món hời, các cổ phiếu đã giảm sâu, trước sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản quan trọng về mặt chính trị vào tháng tới.
Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất gần 11 năm khi một đợt tăng lãi suất lớn khác của Mỹ làm ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro của giới đầu tư,
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,61% xuống 18.147,95 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 20/12/2011. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,14% xuống 6.195,90 điểm.
Phiên này, nhóm cổ phiếu tăng trưởng và các lĩnh vực dễ bị tổn thương khác đã giảm, sau khi ngân hàng trung ương Hồng Kông thông báo tăng lãi suất phù hợp với Fed.
Chỉ số công nghệ mất 1,7% xuống mức thấp nhất trong sáu tháng, với các nhà sản xuất ô tô điện bao gồm Xpeng Inc, Nio và Li Auto giảm mạnh.
Nhóm cổ phiếu bất động sản mất 1,4%, trong khi cổ phiếu tài chính giảm 1,9%.
Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm sau khi Fed thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn một lần nữa và báo hiệu những đợt tăng mạnh sắp tới.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 14,90 điểm, tương đương 0,63% xuống 2.332,31 điểm, sau khi giảm tới 1,62% vào đầu phiên.
“Thị trường chứng khoán đã thu hẹp đà giảm trong phiên giao dịch chiều, khi lực mua giảm đã hỗ trợ chỉ số gần mức thấp trước đó vào tháng 7,” Huh Jae-hwan, một nhà phân tích tại Eugene Investment and Securities, cho biết.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, các điều kiện tiên quyết đối với con đường lãi suất trước đó của ông đã thay đổi gần đây, khiến lợi suất trái phiếu cao hơn nữa.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hàn Quốc kỳ hạn 3 năm nhạy cảm với chính sách đã tăng vọt tới 20,3 điểm cơ bản lên 4,063%, chạm mức cao nhất kể từ ngày 23/6/2011, trong khi lợi suất chuẩn 10 năm tăng 10,2 điểm cơ bản lên 4,005% , cao nhất kể từ ngày 29/3/2012.
Kết thúc phiên 22/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 159,30 điểm (-0,58%), xuống 27.153,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,27 điểm (-0,27%), xuống 3.108,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 296,67 điểm (-1,61%), xuống 18.147,95 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,90 điểm (-0,63%), xuống 2.332,31 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nhiều công ty bảo hiểm vẫn phớt lờ minh bạch thông tin
Hiện nay, nhiều công bảo hiểm có hành vi vi phạm quy định công bố thông tin mà thiếu chế tài xử lý mạnh tay..>> Chi tiết
- Sóng ngành nào tiếp diễn?
Trong bối cảnh thị trường chưa thoát khỏi xu thế giảm và thanh khoản thấp, xu hướng phân hóa theo ngành đồng thời với mức độ tập trung cao hơn của dòng vốn vào từng mã cổ phiếu sẽ tiếp tục diễn ra..>> Chi tiết
- Doanh nghiệp vận tải biển sống nhờ "ao nhà"
Giá cước vận tải biển quốc tế điều chỉnh mạnh, nhưng các hãng tàu Việt Nam chủ yếu vận chuyển nội địa nên duy trì được mức giá cao nhờ nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu..>> Chi tiết
- Fed có thể đưa lãi suất lên mức 4,6% trong năm 2023 để chống lạm phát
Hôm thứ Tư (21/9), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản và cho biết sẽ tiếp tục tăng cao hơn mức hiện tại..>> Chi tiết