Thị trường tài chính 24h: Các công ty bất động sản có quỹ đất lớn có thể tiếp tục hút dòng tiền

Thị trường tài chính 24h: Các công ty bất động sản có quỹ đất lớn có thể tiếp tục hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index gần như không đổi; Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh; Cổ phiếu bất động sản vẫn còn nóng ấm; Nhận diện những ngành “hút” M&A; GDP châu Á đang phát triển giảm còn 5,3% trong năm 2022…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/12 tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 60,90 – 61,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 4 USD lên 1.786,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và sau đó giảm về 1.784 USD/ounce và rung lắc nhẹ quanh ngưỡng này.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,32 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.191 đồng/USD, giảm 16 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.870 – 23.110 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,14 USD (+0,20%), lên 71,43 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,15 USD (+0,20%), lên 74,57 USD/thùng.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 46.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục lên trên ngưỡng 47.000 USD/BTC, trước khi thêm một lần đảo chiều và mất mốc này vào cuối giờ chiều.

Chứng khoán trong nước

VN-Index chững lại

Áp lực bán từ giữa phiên sáng tiếp tục tăng lên trong phiên chiều và khiến VN-Index có thời điểm thủng 1.470 điểm, trước khi nảy nhẹ trở lại về cuối ngày, nhưng không đủ để chỉ số thoát sắc đỏ.

Ở nhóm vừa và nhỏ, sự khởi sắc đáng kể tại ITA, CII, QCG, NBB, MCG khi đều tăng trần, còn HQC +5,8%, ROS +5,6%, GEX +3,1%, FCN +3,7%, DIG +6,4%.

Cặp đôi HAG và HNG có thêm một phiên nổi bật nhất, trong đó, HNG +2,8%, còn HAG trở lại mức giá trần +6,7%, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 57,9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép giữ sóng tốt, trừ HPG hụt hơi đôi chút thì HSG, NKG, POM vẫn giữ vững sắc tím, còn SMC +4,8%, TLH +4,7%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã đã bán ròng 20,85 triệu đơn, với tổng giá trị bán ròng tương ứng 845,45 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/12: VN-Index giảm nhẹ 0,19 điểm (-0,01%), xuống 1.476,02 điểm; HNX-Index giảm 2,88 điểm (-0,63%), xuống 454,68 điểm; UpCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,19%), xuống 112,09 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall khởi đầu tuần mới bằng một phiên lao dốc vào thứ Hai (13/12) khi các nhà đầu tư lo lắng về biến thể Omicron và thận trọng trước cuộc họp của Fed vào giữa tuần này.

Các quan chức Fed gần đây đều phát đi tín hiệu Fed có thể kết thúc chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng sớm hơn so với dự kiến hiện tại là tháng 6/2022.

Một cuộc thăm dò của Reuters với các nhà kinh tế đưa ra dự báo ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản từ gần 0 lên 0,25 - 0,50% trong quý III năm sau và tăng tiếp một lần nữa trong quý IV.

Các cổ phiếu liên quan đến việc tái mở cửa kinh tế như hàng không và du thuyền dẫn đầu đà bán tháo ngày thứ Hai. Cổ phiếu American Airlines giảm 4,9%, cổ phiếu Delta Air Lines giảm 3,4%. Cổ phiếu United Airlines giảm 5,2%, cổ phiếu Carnival giảm 4,9%.

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Dow Jones giảm 329,04 điểm (-0,89%), xuống 35.650,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,05 điểm (-0,91%), xuống 4.668,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 217,32 điểm (-1,39%), xuống 15.413,28 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Fed và các ngân hàng trung ương khác, trong khi sự lây lan của biến thể Omicron cũng khiến tâm lý thị trường thêm tiêu cực.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,73% xuống 28.432,64 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,22% xuống 1.973,81 điểm.

Các cổ phiếu lớn đều giảm, với Fast Retailing mất 2,72%, Tokyo Electron giảm 1,83% và Daikin Industries giảm 1,24%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu liên quan đến du lịch đã bị ảnh hưởng mạnh, sau khi tin tức biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, chiếm khoảng 40% các ca nhiễm mới ở London và ít nhất một ca tử vong ở Vương quốc Anh.

Theo đó, cổ phiếu các hãng hàng không và đường sắt dẫn đầu sự sụt giảm với ANA Holdings mất 1,97%, Japan Airlines giảm 2,82% và Đường sắt Trung Nhật trượt 1,38%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do tổn thất ở nhóm cổ phiếu vật liệu, bất động sản, tài chính và các công ty tiêu dùng.

Đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,53% xuống 3.661,53 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,67% xuống 5.049,70 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính giảm 1,17%, tài nguyên giảm 2,3%, bất động sản giảm 2,47% và tiêu dùng giảm 2%.

Chỉ số bất động sản giảm mạnh, do lo ngại về rủi ro nợ khiến trái phiếu do Shanghai Shimao Co Ltd phát hành bị đình chỉ giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

Cổ phiếu công nghệ cũng đã chịu thêm áp lực ,sau khi cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc cho biết, đã phạt Weibo 3 triệu nhân dân tệ (470.000 USD) vì hành vi liên tục xuất bản và truyền tải thông tin bất hợp pháp.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về biến thể Omicron, trong khi cổ phiếu bất động sản tiếp tục lùi sâu bởi rủi ro nợ đối với các nhà phát triển và cả nhóm cổ phiếu công nghệ, sau khi nền tảng mạng xã hội Weibo bị phạt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,33% xuống 23.635,95 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,55% xuống 8.418,61 điểm.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 1,2%, lĩnh vực CNTT giảm 1,83%, tài chính mất 1,37%.

Còn lĩnh vực bất động sản giảm 2,77%, trong đó, các nhà phát triển tại Đại lục giảm 6,87% do nhà đầu tư lo ngại về rủi ro nợ.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm điểm thứ ba liên tiếp, do một loạt quyết định sắp tới của ngân hàng trung ương khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn.

Đóng cửa, chỉ số chuẩn KOSPI giảm 0,46% xuống 2.987,95 điểm.

Các cổ phiếu đáng chú ý như nhà sản xuất pin LG Chem và Samsung SDI lần lượt giảm 5,01% và 3,27%. Hãng chip khổng lồ Samsung Electronics tăng 0,26%, nhưng công ty cùng ngành SK Hynix giảm 0,41%.

Kết thúc phiên 14/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 207,85 điểm (-0,73%), xuống 28.432,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,56 điểm (-0,53%), xuống 3.661,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 318,63 điểm (-1,33%), xuống 23.635,95 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 13,71 điểm (-0,46%), xuống 2.987,95 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng trên dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế…>> Chi tiết

- Cổ phiếu bất động sản vẫn còn nóng ấm

Với đặc thù điểm rơi ghi nhận lợi nhuận vào quý IV cũng giúp nhóm cổ phiếu thường gây được chú ý của giới đầu tư trong giai đoạn cuối năm. Như vậy, với kỳ vọng giá bất động sản tiếp tục giữ đà tăng, các công ty bất động sản niêm yết sở hữu quỹ đất lớn có thể sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Nhận diện những ngành “hút” M&A

Thị trường M&A tại Việt Nam bùng nổ với hàng loạt thương vụ trong những năm gần đây, nơi mà phần lớn giá trị và số lượng giao dịch đều đến từ các công ty Việt Nam và từ các lĩnh vực truyền thống..>> Chi tiết

- ADB: GDP châu Á đang phát triển giảm còn 5,3% trong năm 2022

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo của mình về triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Á đang phát triển, giảm nhẹ còn 7,0% trong năm nay và 5,3% trong năm tới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan