Thị trường tài chính 24h: 2023 được dự báo là năm ảnh hưởng tiêu cực tới các kênh đầu tư

Thị trường tài chính 24h: 2023 được dự báo là năm ảnh hưởng tiêu cực tới các kênh đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đánh rơi hơn 23 điểm; Fed tăng lãi suất và câu chuyện tỷ giá; Thị trường chứng khoán đang "ngắt kết nối" với kết quả kinh doanh; Dòng tiền lớn vẫn tích cực; Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 7/2 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã không đổi chiều mua vào nhưng tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại 66,50 – 67,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 3,1 USD lên 1.867,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên 1.875 USD/ounce và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,59 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.621 đồng/USD, tăng 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.450 – 23.790 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục nhẹ lên sát mốc 23.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã đi ngang và bật nhẹ lên mốc này vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,56 USD (+2,10%), lên 75,67 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,54 USD (+1,90%), lên 82,54 USD/thùng.

VN-Index lao dốc

Trong phiên sáng, thị trường giao dịch trong tâm lý cầm chừng khiến VN-Index chủ yếu đi ngang trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp.

Ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán bắt đầu tăng khiến VN-Index bị đẩy xuống sâu hơn. Tuy nhiên, ngưỡng MA20 đã trở thành ngưỡng hỗ trợ tốt khi VN-Index nhiều lần nẩy trở lại khi chạm ngưỡng này.

Tuy nhiên, từ thời điểm 14h, lực bán xả hàng ồ ạt từ nhóm bluechip đã lan rộng ra khắp bảng điện tử, khiến VN-Index giảm hơn 23 điểm khi đóng cửa và xuyên thủng phòng tuyến MA20 một cách dễ dàng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,7 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị vẫn là mua ròng 39,68 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 7/2: VN-Index giảm 23,45 điểm (-2,15%) về 1.065,84 điểm; HNX-Index giảm 4,47 điểm (-2,09%) về 210 điểm; UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,55%) về 75,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall giảm trong phiên ngày thứ Hai (6/2), khi các nhà đầu tư chuyển hướng xem xét khả năng Fed có thể mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu chu trình cắt giảm lãi suất.

Các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ các bài phát biểu của các quan chức Fed trong tuần này, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell vào thứ Ba, để tìm kiếm bất kỳ thay đổi nào trong tuyên bố của Fed sau khi dữ liệu tuần trước cho thấy hoạt động dịch vụ diễn ra mạnh mẽ trong tháng 1 cũng như tăng trưởng việc làm đầy bất ngờ.

Kết thúc phiên 6/2, chỉ số Dow Jones giảm 34,99 điểm (-0,10%), xuống 33.891,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,40 điểm (-0,61%), xuống 4.111,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 119,50 điểm (-1,00%), xuống 11.887,45 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong khi một loạt báo cáo kết quả kinh doanh phân hóa của công ty khiến thị trường mất phương hướng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,03% xuống 27.685,47 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,21% lên 1.983,40 điểm.

Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ bài phát biểu của Chủ tịch Fed vào cuối ngày, để tìm kiếm bất kỳ thay đổi nào trong thông điệp của Fed, sau khi dữ liệu tuần trước cho thấy tăng trưởng việc làm cũng như hoạt động dịch vụ mạnh mẽ trong tháng 1.

Phiên này, cổ phiếu JFE Holdings giảm 8,47%, trở thành cổ phiếu hoạt động kém nhất sau khi nhà sản xuất thép lớn thứ hai Nhật Bản hạ dự báo về sản lượng thép thô và lợi nhuận cả năm.

Chỉ số theo dõi ngành thép mất 2,95%, trở thành chỉ số kém nhất trong số 33 chỉ số phụ của ngành.

Ở chiều ngược lại, lĩnh vực ngân hàng tăng 2,51% và là lĩnh vực hoạt động tốt nhất, với Mitsubishi UFJ Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group lần lượt tăng 3,2% và 2,1%.

Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, khi một số nhà đầu tư mua vào sau khi thị trường giảm trong ba phiên trước đó.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,29% lên 3.248,09 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,18% lên 4.094,23 điểm.

Các thị trường cổ phiếu châu Á khác cũng ổn định phần nào, sau khi giảm mạnh trong 24 giờ qua, trong khi đồng USD vẫn tăng do các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng lãi suất có thể duy trì cao hơn trong thời gian dài ở nhiều nền kinh tế phát triển.

“Thị trường hồi phục nhẹ sau vài phiên điều chỉnh. Sự chú ý của thị trường vẫn tập trung vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và sự hạ mềm của nền kinh tế của Mỹ, trong khi 'sự cố khinh khí cầu” đã không còn là trọng tâm”. Wang Mengying, nhà phân tích hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán tại Nanhua Futures cho biết.

Nhà Trắng cho biết sẽ giữ cách tiếp cận bình tĩnh trong quan hệ với Bắc Kinh, sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu nghi do thám Trung Quốc bay qua không phận Mỹ.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng điểm nhờ vào nhóm cổ phiếu ảnh hưởng lớn đến thị trường là công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,36% lên 21.298,70 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,60% lên 7.232,25 điểm.

Phiên này, cổ phiếu các công ty công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 1,2%. Trong đó, gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Trung Quốc là Baidu đã tăng hơn 15% sau khi công ty cho biết họ sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án kiểu ChatGPT “Ernie Bot” vào tháng 3 trước khi ra mắt công chúng.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, với các nhà sản xuất chip, sản xuất pin và nhà khai thác nền tảng trực tuyến lớn dẫn đầu mức tăng, mặc dù có một số thận trọng trước cuộc phỏng vấn của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 13,52 điểm, tương đương 0,55% lên 2.451,71 điểm.

“Tâm trạng thận trọng bao trùm trước cuộc phỏng vấn của ông Powell, tập trung vào mức độ thay đổi giọng điệu của ông ấy so với tuần trước, khi ông ấy ôn hòa hơn mong đợi,” Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities cho biết.

Phiên này, cổ phiếu liên quan đến chip như Samsung Electronics tăng 0,49% và SK Hynix ngang hàng tăng 1,91%.

Trong khi đó, nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 3,24%, với công ty mẹ LG Chem tăng 3,5%, Samsung SDI tăng 1,43%.

Gã khổng lồ tin nhắn Kakao đã tăng 4,29% sau khi ký thỏa thuận mua cổ phần của SM Entertainment để trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty.

Kết thúc phiên 7/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 8,14 điểm (-0,03%), xuống 27.685,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,40 điểm (+0,29%), lên 3.248,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 76,54 điểm (0,36%), lên 21.298,70 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 56,45 điểm (+2,36%), lên 2.451,71 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Fed tăng lãi suất và câu chuyện tỷ giá

Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì quan điểm thận trọng đối với tỷ giá, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023..>> Chi tiết

- Đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang "ngắt kết nối" với kết quả kinh doanh

Mặc dù công bố báo cáo lợi nhuận giảm mạnh hoặc thậm chí báo cáo lỗ kỷ lục, nhưng giá nhiều cổ phiếu vẫn có xu hướng hồi phục và tạm thời ngắt kết nối với kết quả kinh doanh..>> Chi tiết

- Dòng tiền lớn vẫn tích cực

Dòng tiền từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán duy trì diễn biến tích cực. Nhiều quỹ nhận định, VN-Index sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2023..>> Chi tiết

- Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới

2023 được dự báo là năm kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới các kênh đầu tư. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, bất kỳ trong bối cảnh nào cũng luôn xuất hiện các cơ hội cho nhà đầu tư..>> Chi tiết

Tin bài liên quan