Cái gốc của thanh khoản chính là niềm tin của NĐT trên thị trường - Ảnh: Hoài Nam

Cái gốc của thanh khoản chính là niềm tin của NĐT trên thị trường - Ảnh: Hoài Nam

Thị trường tắc thanh khoản, vì đâu?

(ĐTCK-online) Cái gốc của thanh khoản chính là niềm tin của NĐT trên thị trường. Chỉ khi niềm tin vào các DN, hệ thống chính sách hỗ trợ thị trường được củng cố, NĐT mới mạnh dạn giải ngân.

"Thị trường đang cần những chiếc phao thực sự, chứ không phải là những cái vẫy tay yếu đuối trước dòng lũ thông tin không tích cực", một lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội (HNX) chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán khi được hỏi về những giải pháp hỗ trợ thị trường của HNX sau khi các chỉ số chứng khoán liên tục lập đáy mới.

Theo ông này, kéo dài thời gian giao dịch, mở nhiều tài khoản, thậm chí cho phép thực hiện margin… chỉ là những cái "vẫy tay", còn cải thiện thanh khoản là một câu chuyện lớn liên quan đến nhiều mảng công việc chứ không chỉ là những giải pháp mang tính tình thế.

Trên 300 tỷ đồng là tổng giá trị giao dịch tính chung của cả hai sàn niêm yết ngày 15/8 - mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Gần đây, thị trường liên tục dao động trong biên độ hẹp và thanh khoản ở mức rất thấp xoay quanh giá trị giao dịch vài trăm tỷ đồng/phiên. Trong khi người mua muốn mua thấp thì người bán lại muốn bán cao vì đã quá lỗ.

Thậm chí, ở những mã giảm sâu dưới mệnh giá, giao dịch luôn trong tình trạng: người mua đặt khối lượng lớn giá sàn, trong khi lệnh bán nhỏ giọt ở mức giá trần và không khớp được trong rất nhiều phiên. Chỉ cần bên bán nhượng bộ hạ giá, bên mua lập tức hạ giá theo, đẩy thị trường đi vào ngõ cụt thanh khoản.

Trước đây, mỗi khi thanh khoản cạn kiệt luôn báo hiệu đó là chân một con sóng, cho dù con sóng này có thể không kéo dài. Tuy nhiên, tình trạng thanh khoản thấp kéo dài trái quy luật trong nhiều tháng qua khiến NĐT mất phương hướng, phản ứng tiêu cực hơn về thị trường.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC cho biết, cái gốc của thanh khoản chính là niềm tin của NĐT trên thị trường. "Vì sao người dân lại yên tâm mang tiền đi gửi tiết kiệm ngân hàng? Vì họ tin tưởng rằng, ngân hàng thương mại không thể phá sản do đứng sau là Ngân hàng Nhà nước luôn luôn sẵn sàng dang tay ra hỗ trợ nếu có khó khăn. Với NĐT trên TTCK thì sao? Chỉ khi niềm tin vào các DN, hệ thống chính sách hỗ trợ thị trường được củng cố, NĐT mới mạnh dạn giải ngân", ông Tuấn nói.

Thời gian qua, theo ông Tuấn, nhiều DN niêm yết đã làm mất niềm tin của NĐT khi huy động vốn tràn lan, sử dụng không hiệu quả làm giảm giá trị cổ phiếu. Mặt khác, nếu các cơ quan quản lý nhà nước đều nhìn nhận TTCK là nơi huy động vốn cho phát triển kinh tế thì các chính sách về thị trường cần phải được ưu tiên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những cái nhìn lệch lạc về thị trường, dẫn đến một số chính sách chưa thực sự ủng hộ.

"Nếu cho rằng, 7.000 tỷ đồng dư nợ từ ngân hàng cho vay chứng khoán là lớn và cần siết lại thì đó là cái nhìn chưa đầy đủ, vì đó chỉ là vốn mồi để nền kinh tế huy động được trên 100.000 tỷ đồng thông qua hoạt động phát hành chứng khoán năm 2010. Hoặc chính sách thuế đánh vào cổ tức, vào cổ phiếu thưởng (thực tế là không phát sinh thu nhập vì giá chứng khoán bị điều chỉnh giảm tương ứng) cũng là điều không hợp lý, không khuyến khích NĐT" , ông Tuấn phân tích.

Ông Lưu Trung Dũng, sáng lập viên Công ty Đào tạo Đầu tư (DoBF) cho rằng, cái  gốc của tình trạng thanh khoản suy kiệt hiện nay là nền kinh tế vĩ mô đang gặp nhiều khó khăn, các DN làm ăn kém hiệu quả. Các biện pháp kỹ thuật (cho phép thực hiện margin, cho phép mở nhiều tài khoản…) có thể kích thích NĐT tham gia thị trường, nhưng chỉ khơi thông được dòng vốn nhỏ. "NĐT chỉ đầu tư khi có lợi nhuận, hoặc có triển vọng kiếm được lợi nhuận. Nếu các biện pháp kỹ thuật được ban hành nhưng kinh tế vĩ mô không được cải thiện thì NĐT cũng sẽ không hào hứng tham gia", ông Dũng nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, bối cảnh thị trường đang trầm lắng như hiện nay là cơ hội tốt cho việc triển khai các giải pháp kỹ thuật giúp thị trường giao dịch thông thoáng, khi thị trường hồi phục sẽ kéo thanh khoản tốt lên.

"Thanh khoản chỉ có thể cải thiện khi kéo được NĐT trong nước và cả NĐT nước ngoài quay lại với thị trường. Do đó, thị trường cần được tiếp sức với một số cải thiện trước mắt là theo hướng tạo điều kiện linh hoạt trong giao dịch và về lâu dài là thực hiện các nghiệp vụ, công cụ chuyên ngành, để hóa giải tình trạng đơn điệu lâu nay của các sản phẩm đầu tư... TTCK cần được nhìn nhận đầy đủ là môi trường sinh lợi cho NĐT tài chính, chứ không chỉ một chiều là kênh dẫn vốn cho DN. Việc gìn giữ niềm tin và bảo vệ NĐT chính là để khơi thông và duy trì nguồn vốn chảy vào kênh dẫn đó", chuyên gia chứng khoán Huy Nam nói với ĐTCK.

Hiện TTCK chưa được định vị đúng tầm, nhiều thời điểm cứ hễ kinh tế nảy sinh vấn đề khó khăn là chứng khoán phải chịu "hy sinh". Ngay bản thân DN, có những đơn vị khi huy động vốn được thì hào hứng niêm yết, khi thị trường đi xuống, khó gọi vốn thì quay lưng lại, hủy niêm yết. Để giải quyết tình trạng thanh khoản thấp như hiện nay, theo ông Nam , cần một nghiên cứu tổng thể dưới nhiều góc độ với những giải pháp vĩ mô: minh bạch hóa thị trường, nâng cao năng lực và vị thế của UBCK…

Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBCK cho rằng, những giải pháp nào có thể "cứu" được chứng khoán trong phạm vi thẩm quyền thì cơ quan này đã và đang làm (kiến nghị giảm thuế, hướng dẫn thực hiện thông tư giao dịch…). Về những vấn đề vượt khỏi tầm UBCK, bà Liên kiến nghị, cần quan tâm đến vai trò của TTCK trong hoạch định chính sách, quản lý tín dụng đối với TTCK một cách phù hợp, đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN có quy mô lớn, chất lượng cao…

Hệ lụy của tình trạng thanh khoản thấp thì đã rõ: DN và Nhà nước không huy động được vốn; NĐT quay lưng với thị trường do đầu tư không hiệu quả; uy tín, hình ảnh TTCK Việt Nam xấu đi trong mắt NĐT quốc tế. Giải bài toán này cần sự xắn tay vào cuộc một cách quyết đoán của cơ quan điều hành trực tiếp thị trường là UBCK và nhất là Bộ Tài chính.