Dù thị trường đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan hơn khi áp lực bán tháo đã không còn, chỉ số chung dần có những phiên hồi phục, thậm chí là tăng tốt, nhưng để khẳng định là đã tìm được điểm cân bằng thì gần như toàn thị trường đều đánh giá là chưa. Chính vì vậy, phiên giao dịch sáng đầu tiên của tháng 10 vẫn tiếp diễn trạng thái lình xình và khá ảm đạm.
Các nhóm cổ phiếu trụ cột khá yếu, với dòng dẫn dắt bank chưa có tín hiệu mới và tiếp tục điều chỉnh nhẹ, bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup sau phiên hồi phục tích cực cuối tuần trước (ngày 29/9) cũng trở nên suy yếu…, chỉ số VN-Index loay hoay tìm đường đi nhưng vẫn “bế tắc” trước vùng giá 1.160 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm thông tin tích cực và tiếp diễn trạng thái “ru ngủ”. Cùng diễn biến chỉ số chung lình xình giằng co trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh mẽ khi dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát với khối lượng giao dịch trên sàn HOSE ghi nhận phiên thấp nhất trong khoảng 5,5 tháng và về giá trị giao dịch là thấp nhất trong 3 tháng.
Diễn biến trên có thể được đánh giá là thị trường đã dần đi vào trạng thái ổn định hơn và đang tích lũy để chờ đợi các thông tin tiếp theo. Tuy nhiên, nếu lực cầu trong những phiên tiếp theo vẫn yếu thì sẽ khó giúp thị trường đảo ngược được xu thế.
Đóng cửa, sàn HOSE có 280 mã tăng và 201 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,1 điểm (+0,1%) lên 1.155,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 516,94 triệu đơn vị, giá trị hơn 11.480 tỷ đồng, giảm 10,07% về khối lượng và 17,77% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 29/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 51,4 triệu đơn vị, giá trị 1.429,62 tỷ đồng.
Nhóm VN30 trở lại trạng thái phân hóa khi có 16 mã tăng và 12 mã giảm, kết phiên chỉ số nhóm này tăng chưa đến 1 điểm.
Trong đó, GVR vẫn là mã tăng tốt nhất đạt 4,6% và đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày 20.400 đồng/CP; cổ phiếu VRE không giữ được mức cao nhất trong ngày nhưng vẫn tăng khá tốt gần 3% sau khi có thông tin có thể lọt rổ VNDiamond trong kỳ cơ cấu tháng 10.
Bên cạnh đó, VNM cũng đóng góp khá tích cực cho thị trường và đóng cửa tăng 1,9% lên mức giá cao nhất trong phiên 75.600 đồng/CP, thanh khoản cũng khá tốt với 1,16 triệu đơn vị.
Trái lại, các cổ phiếu giảm trong rổ này chiếm phần lớn là nhóm ngân hàng, trong đó TPB dẫn đầu khi để mất 2%, nhưng tác động mạnh nhất tới chỉ số chung là VCB giảm 1,1% và GAS giảm 1,5%.
Xét về nhóm ngành, thủy sản vẫn đi đầu thị trường với cặp đôi ANV và FMC đóng cửa đều tăng trần, CMX tăng 5,9%, IDI tăng 4,8%, ACL tăng 4,4%, VHC tăng 2,7%...
Nhóm cổ phiếu bất động sản may mắn giữ được đà tăng nhẹ và điểm sáng vẫn thuộc về các mã đầu tư công như HHV tăng 4,76%, LCG và VCG cùng tăng 2,9%, FCN tăng 4,45%...
Nhóm chứng khoán cũng trở nên phân hóa và chỉ còn tăng nhẹ do một số mã “giật lùi” như BSI giảm 3,17%, CTS giảm 2,08%..., trong khi bộ 3 giao dịch sôi động nhất thị trường là VIX, SSI, VND vẫn giữ được sắc xanh nhưng biên độ đã thu hẹp.
Cụ thể, VIX tăng 1,6% lên 16.000 đồng/CP với khối lượng khớp gần 30,5 triệu đơn vị; SSI tăng 0,9% lên 32.100 đồng/CP và khớp 17,21 triệu đơn vị; VND tăng nhẹ 0,5% lên 21.100 đồng/Cp và khớp gần 12,3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa có tín hiệu lạc quan, với VPB, VIB, OCB, MSB, MBB, ACB có được sắc xanh với mức tăng chủ yếu chưa tới 1%; trong khi vốn hóa lớn hơn như VCB, BID, CTG, TCB đều đang mất điểm.
Trên sàn HNX, thị trường cũng diễn biến rung lắc và may mắn thoát hiểm cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 105 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,16%) lên 236,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63,84 triệu đơn vị, giá trị 1.283,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,17 triệu đơn vị, giá trị 133,84 tỷ đồng, trong đó riêng HUT thỏa thuận hơn 4,14 triệu đơn vị, giá trị 99,36 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn giữ mức tăng 1,2%, đóng cửa đứng tại mức giá 17.400 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với 16,07 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, cổ phiếu giao dịch đột biến cuối tuần trước là HUT nhanh chóng hạ nhiệt trong phiên hôm nay. Kết phiên, HUT giảm 1,2% xuống mức 24.200 đồng/CP và khớp 3,94 triệu đơn vị.
Cổ phiếu nóng đáng chú ý là CMS có phiên giao dịch biến động mạnh lên tới gần 20% từ giá sàn – giá trần. Kết phiên, CMS tăng 8,6% lên mức 29.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một cổ phiếu ấn tượng khác là DTD đã kéo trần thành công và đóng cửa tại mức giá 27.100 đồng/CP, tăng 9,7% với khối lượng khớp lệnh hơn 0,8 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên chiều đã khiến thị trường đảo chiều điều chỉnh nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,11%) xuống 88,69 điểm với 152 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,98 triệu đơn vị, giá trị 534,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,67 triệu đơn vị, giá trị 161,95 tỷ đồng, trong đó riêng AAS thỏa thuận 7,22 triệu đơn vị, giá trị gần 83,7 tỷ đồng và TVN thỏa thuận 4,95 triệu đơn vị, giá trị 38,61 tỷ đồng.
Cổ phiếu đầu tư công C4G vẫn giữ mức tăng tốt 3,1%, đóng cửa đứng tại mức giá 13.200 đồng/CP và thuộc top 3 thanh khoản cao nhất thị trường, đạt 2,28 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi dầu khí trên UPCoM cùng trong xu hướng chung của ngành và đều mất điểm. Cụ thể, BSR và OIL cùng giảm 0,9%, khối lượng giao dịch lần lượt đạt 8,26 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu GEE có phiên giao dịch bùng nổ với thanh khoản đạt 2,53 triệu đơn vị, gấp tới hơn 25 lần so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây, và kết phiên tăng 4,42% lên 26.000 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều biến động nhẹ, trong đó N30F2310 đáo hạn gần nhất tăng 6,2 điểm, tương đương +0,5% lên 1.166,8 điểm, khớp lệnh 206.505 đơn vị, khối lượng mở 44.474 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CSTB2323 có thanh khoản cao nhất, đạt 3,61 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,4% lên 1.200 đồng/cq. Tiếp theo là CVPB2307 khớp 2,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,2% xuống 440 đồng/cq.